PHÁT HIỆN BẢN LỊCH TRUYỆN TỔ ĐỒ TẠI CHÙA THIÊN HÒA
Đồng Dưỡng
Trong một lần đọc sách hán nôm tại Hà Nội, chúng tôi tiếp xúc văn bản “Diệm Khẩu Du-già Tập Yếu Thí Thực Khoa Nghi” được khắc ván tại chùa Thiên Hòa, Huế. Lần theo thông tin và nhờ sự giới thiệu của một thân hữu tại đây, chúng tôi được biết chùa vẫn còn tồn tại. Chùa xưa thuộc địa phận xã Dương Xuân, huyện Hương Trà nay nằm về Phường Đúc, Thành phố Huế. Chùa nằm trên một quả đồi, cây cối xanh tốt xung quanh. Từ ngoài nhìn vào, trông chùa rất nhỏ, có thể chùa giữ theo dáng xưa, chính điện có ba gian, phía trước thờ Phật, thánh, phía sau thờ tổ và chư hương linh bổn tự. Chùa do thiền sư Khánh Thụy Minh Tính khai sơn vào cuối thế kỷ XIX. Theo long vị, thiền sư thuộc đời 38 tông Tào Động[1]. Hiện vẫn còn một cổ tháp, cách chùa khoảng 200m về phía tay phải thờ thiền sư. Ngôi tháp cao ba tầng, phần thân và tường có một số bị đổ, văn bia mờ chỉ đọc được tên là Khánh Thụy. Ngoài ra, chưa biết gì về tông tích của thiền sư.
Kế thế trụ trì là đại sư Tánh Tình Nhất Xương. Trong bản in “Diệm Khẩu Du-già Tập Yếu Thí Thực Khoa Nghi” thì sư thuộc tông Tào Động, có thể đệ tử của thiền sư Khánh Thụy. Còn Thần chủ đề: “Lâm Tế chính tông đệ tam thập cửu thế, sùng hưng Thiên Hòa tự trụ trì húy Tánh Tình hiệu Nhất Xương đại sư giác linh tọa vị”. Dựa vào tên húy cùng đạo hiệu, chúng tôi đối chiếu với các thiền sư sống trong giai đoạn Minh Mệnh thì thấy có nhiều vị có chữ Húy là Tánh, hiệu bắt đầu chữ Nhất như thiền sư Tánh Thiên Nhất Định (chùa Báo Quốc, Từ Hiếu), Tánh Huệ Nhất Nguyên (chùa Huệ Lâm), Tánh Toàn Nhất Thể (chùa Bảo Lâm), Tánh Chiêu Nhất Niệm (chùa Báo Quốc), Tánh Thông Nhất Trí (chùa Từ Quang)…Các ngài đều là đệ tử của thiền sư Đạo Minh Phổ Tịnh, chùa Báo Quốc. Tra vào Hàm Long sơn chí, quyển 1, phần Phổ Tịnh hòa thượng pháp tự thì có tên thiền sư Tánh Tình Nhất Xương. Như thế, có thể thiền sư cầu pháp với tổ Đạo Minh Phổ Tịnh. Sách Hàm Long sơn chí có chép bài kệ phú pháp của ngài Đạo Minh Phổ Tịnh ban cho ngài Nhất Xương:
一昌法光明
塵掃鏡重圓
續焰傳付囑
如月印江天
Nhất xương pháp quang minh,
Trần tảo kính trùng viên.
Tục diệm truyền phú chúc,
Như nguyệt ấn giang thiên.
Dịch:
Nhất Xương đạo sáng rõ
Bụi hết gương tròn đầy
Nối lửa truyền trao phó
Như trăng in sông dài.
(Nguyễn Lê Châu dịch)
Truy tìm tư liệu về ngài cũng chỉ biết đến thế. Trên bàn tổ còn có một thần chủ thờ ngài Hải Đức Hoằng Ân[2]. Vị này cũng không thấy tư liệu nào ghi chép lại, đành chỉ đề tên. Về phía tay trái bàn tổ có long vị của hòa thượng Chơn Nguyên. Ngài là đệ tử của hòa thượng Huệ Minh, trụ trì tổ đình Từ Hiếu. Có thể chùa Thiên Hòa một thời gian không có trụ trì, sau cung thỉnh được ngài Chơn Nguyên kế nghiệp. Ngài đứng ra trùng tu chùa[3] và xin ban biển sắc tứ. Sau khi hòa thượng Chơn Nguyên viên tịch, chùa do con cháu ngài quản lý. Hiện nay, chùa Thiên Hòa thuộc loại chùa tư.
Khi chúng tôi hỏi đến tư liệu hán nôm thì vị chủ chùa mang ra một quyển Lịch truyện tổ đồ giới thiệu là một tập tư liệu quí. Lật từng tờ đọc thì đúng là sách ghi chép về sự truyền thừa từ chư tổ đến hòa thượng Chơn Nguyên. Ở Huế, chỉ có Thiền Tôn là còn giữ một bản có nội dung tương tự như sách trên.
Văn bản gồm có tất cả 96 tờ, kể cả bài tựa. Sách được người bảo quản làm bìa bằng chất liệu giấy sắc phong màu vàng, bao bọc ni lông, có kẻ khung màu mực xạ, nền màu đỏ đề tên “Phật tổ lịch sử dung tượng”. Tờ tiếp theo có ghi bốn chữ lớn, theo thể chữ triện “Lịch truyện tổ đồ”. Bài tựa chiếm 3 tờ, mỗi tờ hai trang, mỗi trang 5 dòng, mỗi dòng 12 chữ, to, rõ, đẹp. Bài tựa do thiền sư Bản Quả Khoáng Viên[4] đời 32 dòng Lâm Tế chính tông tại chùa Báo Tư, Quảng Châu, Trung Quốc viết vào năm Khang Hi Tân Mùi (1691). Trên gáy của phần tựa chia làm ba khoảng, phần trên đề “Lịch truyện tổ đồ”, phần giữa đề “Tự” phần cuối đánh số tờ. Từ tờ thứ 4 cho đến hết chính là nội dung quyển sách. Trong một tờ được chia làm hai mặt, mặt đầu vẽ tranh Phật, chư tổ, mặt thứ hai ghi sơ lược hành trạng, cũng như các bài kệ, tán. Do đó, tờ 4a có tranh đức Phật Thích Ca theo kiểu niêm hoa vi tiếu của thiền tông. Tờ 4b dòng đầu ghi “Lịch truyển tổ đồ tán”, dòng thứ hai ghi tên người soạn văn bản là sa môn Đạo Mân[5] được sắc phong Hoằng Giác thiền sư ở chùa Hoằng Pháp trên núi Thiên Đồng, Minh Châu. Dòng thứ 3 ghi Thủy tổ Thích Ca Mâu Ni Phật. Đây chính là sơ lược lịch sử Phật Thích Ca, chiếm khoảng 3 tờ. Các mặt khắc chữ ở trong sách được kết cấu 9 dòng, số chữ mỗi dòng không thống nhất, có dòng 20 chữ, có dòng lên đến 23 chữ. Ở tờ 7b có khắc khung hình tròn, bên trong viết bốn đại tự “Phật pháp tăng bảo”. Tờ thứ 9 đến hết sách thì phía trước đề ảnh, phía sau viết nội dung. Sách họa được 79 bức hình và sơ lược hành trạng chư tổ. Vị cuối cùng là thiền sư Chơn Nguyên trụ trì chùa Thiên Hòa. Các bức tranh vẽ khá đẹp, chữ viết trong văn bản dưới dạng chữ chân phương.
Từ sự mô tả sơ lược văn bản, chúng ta sẽ tiến hành nghiên cứu một số vấn đề có liên quan đến văn bản học của tác phẩm. Trước hết, tác giả của sách chính là thiền sư Đạo Mân Mộc Trần. Ngài là sư ông của tổ Nguyên Thiều Thọ Tông[6], người đã phát triển kệ phái dòng Thiên Đồng tại Đàng Trong. Theo bài tựa sách cho biết thiền sư Hoằng Giác lúc ở núi Thiên Đồng đã biên soạn truyện Phật Thích Ca cho đến Mật Vân Viên Ngộ, có họa hình chư tổ. Còn phần tán ngữ, ngài sử dụng lại từ bản Bảo Tích lục. Không biết văn bản này có được khắc in không? Nhưng theo bài tựa thì sư đem cúng dường cho các chùa trên núi Thiên Đồng. Có thể những ngôi chùa này đều thuộc về dòng phái Bổn sơn kế thừa từ thiền sư Viên Ngộ. Cũng theo bài tựa cho biết Hòa thượng Nguyên Kỳ giáo hóa tại Nhật Bản có mang qua một bản, được môn nhân Tuyết Phong Nhất Công san khắc. Và mùa thu năm Tân Mùi (1691) ngài Nguyên Thiều có gởi một phong thư đến Quảng Châu, muốn khắc bản để lưu hành tại Đàng Trong. Do đó mà thiền sư Bản Quả, thầy bổn sư của Ngài Nguyên Thiều mới viết tựa gởi sang Việt Nam để khắc in. Đây chính là những thông tin quí giúp chúng ta xác nhận rõ tác giả của văn bản, cũng như quá trình lưu truyền văn bản tại hai nước Nhật Bản, Việt Nam .
Khi đã xác định rõ văn bản do thiền sư Đạo Mân viết chỉ đến truyện thiền sư Viên Ngộ thì dừng lại. Như thế thì phải có người tục biên thêm đến các tổ Việt Nam chứ? Đây chính là câu hỏi cần được giải đáp một cách rõ ràng để xác định người tục biên tác phẩm. Ở tờ 80b tức phần tục biên, truyện thiền sư Đạo Mân có nói ngài tổ 8 đời của quốc sư Từ Minh Liễu Triệt, chùa Giác Hoàng và tổ 11 đời của bổn sư Thanh Minh Tâm Truyền, chùa Diệu Đế, đệ tử Trừng Khiết Như Như đạo nhân[7] chùa Báo Quốc. Khi đối chiếu với hai bài kệ của tổ Vạn Phong Thời Ủy và kệ phái dòng Liễu Quán thì đúng với cách tôn xưng trên. Điều quí nhất chúng ta biết được là người tục biên đã tôn xưng ở ngôi thứ nhất tức dùng chữ đệ tử và nói về thầy mình dùng từ bổn sư. Qua đây, chúng tôi xác nhận Như Như đạo nhân chính là người tục biên quyển Lịch truyệt tổ đồ[8]. Điều này sẽ rõ ở truyện thiền sư Đại Sa Siêu Trường, bổn sư của ngài Minh Hoằng Tử Dung. Chúng tôi sẽ bổ sung một số ý kiến thêm vào luận điểm trên.
Sách tục biên nhưng chưa được thống nhất, bỏ qua hình ảnh và truyện thiền sư Bản Quả Khoáng Viên, từ thiền sư Đạo Mân đời 68 đến thiền sư Nguyên Thiều đời thứ 69 là chưa đúng, Nguyên Thiều phải là đời thứ 70 mới hợp lí trên cách thức ghi chép truyền thừa. Ở tiểu truyện thiền sư Nguyên Thiều, ở dòng thứ 2 bỏ một đoạn trống, từ “Tạ thị tử” bỏ khoảng đến “Bát nguyệt tuất thời sinh” là thiếu năm[9]. Đối chiếu với văn bia tháp tổ được thiền sư Liễu Chơn Từ Hiếu khắc lại cho biết: “Tạ thị tử, Mậu tý niên ngũ nguyệt thập bát nhật tuất thời đản sinh…” Như thế thì viết thiếu và có sai tháng.
Trong các tiểu truyện các tổ truyền thừa tại Việt Nam như ngài Minh Hoằng Tử Dung, Liễu Quán, Tế Nhơn, Đại Cận Phước Dương, Đạo Minh Phổ Tịnh, Tánh Thiên Nhất Định, chúng tôi thấy Như Như đạo nhân đã lấy lại từ sách Hàm Long sơn chí, quyển 3 có sửa đổi một số lỗi, lược bỏ một số đoạn nhỏ hoặc có thể ngược lại. Phần thiền sư Minh Hoằng Tử Dung có ghi thêm bài kệ truyền thừa dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Từ phần truyện thiền sư Hải Thiệu Cương Kỷ, Thanh Thái Huệ Minh và Chơn Nguyên thì không thấy chép trong sách Hàm Long sơn chí. Có thể sơn môn Từ Hiếu đã tục biên thêm hai vị trụ trì là Hải Thiệu và Huệ Minh. Rồi khi phái truyền về Thiên Hòa thì lại được hậu huệ thiền sư Chơn Nguyên chép thêm hành trạng của ngài vào sách.
Tại Huế, chùa Thiền Tôn còn có một bản Lịch truyện tổ đồ ghi chép có phần giống với sách tại chùa Thiên Hòa. Khi đến tổ Nhất Định thì hai bản chép khác nhau. Bản chùa Thiền Tôn chép tiếp đến hòa thượng Diệu Giác chùa Báo Quốc, thiền sư Thanh Ninh Tâm Tĩnh chùa Tây Thiên và truyện hòa thượng Giác Nhiên chùa Thiền Tôn. Còn bản chùa Thiên Hòa chép tiểu tuyện hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ, hòa thượng Huệ Minh chùa Từ Hiếu và hòa thượng Chơn Nguyên chùa Thiên Hòa. Đây là sự khác nhau của hai bản, bởi vì hai chùa truyền thừa có sự tách biệt, sau lập làm hai phái là Từ Hiếu và Tây Thiên, nhưng có cùng một cội tại hai tổ đình là Báo Quốc và Từ Hiếu.
Bản Lịch truyện tổ đồ theo như ý khởi đầu của nó là sự ghi chép sự truyền thừa của pháp phái Thiên Đồng. Trong pháp phái đó, hai nhánh phát triển mạnh tại Đàng Trong, Việt Nam . Cả hai nhánh đều bắt đầu tư thiền sư Đạo Mân Mộc Trần. Nhánh thứ nhất từ thiền sư Bản Quả Khoáng Viên, Viên truyền cho Nguyên Thiều Thọ Tông. Từ thiền sư Nguyên Thiều có sự phân tách thành các chi phái nhỏ. Đệ tử của thiền sư Nguyên Thiều có sự truyền thừa đến ngày nay là các thiền sư như Minh Lượng Nguyệt Ân, Minh Vật Nhất Tri, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Dung Pháp Thông. Chỉ có mình ngài Minh Hải Pháp Bảo là tự tục kệ truyền thừa tạo nên một pháp phái mới là phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Phái thứ hai bắt đầu từ thiền sư Tuyết Giậu Chơn Phát truyền cho Đại Sa Như Trường (hoặc Siêu Trường), truyền cho ngài Minh Hoằng Tử Dung chùa Từ Đàm, truyền cho ngài Liễu Quán chùa Thiền Tôn. Ngài Liễu Quán lại tục kệ truyền thừa và hình thành nên phái Lâm Tế Liễu Quán phát triển mạnh ở Trung Nam . Bộ sách Lịch truyện tổ đồ của hai chùa Thiền Tôn và Thiên Hòa đều ghi chép về sự truyền thừa của Liễu Quán pháp phái. Do đó, đây là một tư liệu quí để nghiên cứu truyền thừa, hành trạng chư tổ tại Huế mà chưa được mọi người biết nhiều.
Tóm lại, Lịch truyện tổ đồ là một tư liệu hán nôm quí được trân tàng tại các chùa xưa. Mỗi khi nói đến truyền thừa tại các chùa, người ta mang ra xem thử mình thuộc dòng phái nào, biết được gốc tích tông phái, hiểu rõ hành trạng các tổ sư và xem hình ảnh chư tổ được sách phác họa. Chùa Thiên Hòa tuy là một ngôi chùa nhỏ trên vùng núi Dương Xuân xưa. Chùa còn giữ khá nhiều tư liệu hán nôm Phật Giáo, các ván khắc sớ điệp, các bản in áo giấy thờ cúng trong các dịp lễ dân gian. Cách thờ tự, hệ thống tượng, pháp khí đều có một giá trị nhất định. Trong tủ sách còn giữ khá nhiều các bản kinh, sách hán nôm và quyển Lịch truyện tổ đồ mà chúng tôi đã giới thiệu vài dòng về văn bản. Sách ghi chép rõ ba vị thiền sư Hải Thiệu, Huệ Minh và Chơn Nguyên, phương pháp viết tiểu sử có phần tiến bộ hơn các tiểu truyện do Đạo Mân, Như Như đạo nhân cung cấp. Do đó, chúng tôi xem đây là một tư liệu đáng nghiên cứu khi bắt tay tìm hiểu Phật Giáo thiền tông tại Huế.
(Đã đăng trong Suối Nguồn, số 1, tháng 5/2010)
Tài liệu tham khảo:
1. Lịch truyện tổ đồ, bản chép được lưu trữ tại chùa Thiên Hòa.
2. Lịch truyện tổ đồ, bản chép, chúng tôi sử dụng bản pho to tại chùa Từ Đàm.
3. Hàm Long sơn chí, do Điềm Tịnh cư sĩ và Như Như Đạo Nhân biên soạn, bản chép tay.
4. Diệm Khẩu Du-già Tập Yếu Thí Thực Khoa Nghi, bản in năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), Chùa Thiên Hòa tàng bản.
5. Lịch sử Phật Giáo xứ Huế, Hà Xuân Liêm, Thích Hải Ấn, Nxb Thuận Hóa, 2006.
[1] Thần chủ đề: “Tào Động chính tông đệ tam thập bát thế, khai sơn Thiên Hòa tự trụ trì Khánh Thụy, hiệu Minh Tánh đại sư giác linh tọa vị”.
[2] Thần chủ đề: “Lâm tế chính tông đệ tứ thập thế, Thiên Hòa tự trụ trì húy Hải Đức hiệu Hoằng Ân đại sư giác linh tọa vị”
[3] Long vị đề: “Lâm tế chính tông đệ tứ thập nhị thế, sùng kiến sắc tứ Thiên Hòa tự tăng cương húy thượng Trừng hạ Ngoạn hiệu Chơn Nguyên hòa thượng giác linh”.
[4] Bản Quả Khoáng Viên: hành trạng chưa rõ, sư chính là đệ tử của thiền sư Đạo Mân Mộc Trần, bốn sư của ngài Nguyên Thiều.
[5] Đạo Mân Mộc Trần thiền sư (1596-1674): vị tăng của Lâm Tế tông Trung Quốc, tự là Mộc Trần, thường gọi Sơn Ông, xuất thân Trà Dương, Hồ Châu, họ Lâm. Sư đến tham học và xuất gia với Nhã Vị Minh ở chùa Khai Tiên, Khuông Lô, sau đó đi tham yết các bậc danh túc như Hám Sơn Đức Thanh…sau, sư đến tham vấn Mật Vân Viên Ngộ và kế thừa dòng pháp của vị nầy. Khi Viên Ngộ viên tịch, sư được cung thỉnh làm trụ trì Thiên Đồng sơn. Về sau, sư sống ở các nơi khác như chùa Linh Phong, chùa Vân Môn…Năm Thuận Trị thứ 16 (1659), sư được mời vào nội cung thuyết pháp và được ban tặng hiệu Hoằng Giác thiền sư. Ngày 27 tháng 6 năm Khang Hi thứ 13 (1674), sư thị tịch, thọ 79 tuổi, được 55 hạ lạp.
[6] Nguyên Thiều Thọ Tông thiền sư (1648-1728): sư quê huyện Trình Hương, Quảng Châu, Trung Quốc. Năm 19 tuổi, xuất gia với thiền sư Bản Quả Khoáng Viên tại chùa Báo Tư. Năm Đinh Tỵ (1677) sư vượt biển sang phủ Qui Ninh lập chùa Thập Tháp Di Đà. Sau sư ra Thuận Hóa, lập chùa Quốc Ân và tháp Phổ Đồng. Sau được chúa Nguyễn sắc phong trụ trì chùa Hà Trung. Ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (1728) sư viên tịch. Đồ chúng lập tháp tại xứ Cửa Hóa xã Dương Xuân phụng thờ.
[7] Như Như Đạo Nhân: ông sinh giờ Dần ngày 15 tháng 1 năm Tân Hợi (1851), thế danh là Nguyễn Phúc Hồng Vịnh, pháp danh Trừng Khế, con của Trấn Biên quận công Miên Thanh (1830- 1877), là đệ tử của thiền sư Tâm Truyền, chùa Báo Quốc. Ông được giao chức tri tạng chùa Báo Quốc. Ông có tục biên bộ Hàm Long sơn chí, Đào Trang tập (VHv.15).
[8] Đồng ý kiên với Hà Xuân Liêm, Thích Hải Ấn trong Lịch sử Phật Giáo xứ Huế.
[9] Bản chùa Thiên Tôn cũng chép y như bản Thiên Hòa. Như thế, có thể hai bản này chép ra từ một bản gốc, mà bản gốc đó lại bị hư mất phần năm sinh của tổ Nguyên Thiều.
Is Titanium a conductor in the US? - TITanium Art
Trả lờiXóaTienen von titanium. Tienen von titanium used ford edge titanium is in fact the titanium blade standard von gold type titanium exhaust tubing metal titanium dioxide skincare oxide which is made of steel. It has an omega titanium unusual resemblance to the