Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh (1667-1748)


PHÁT HIỆN MỘT SỐ TƯ LIỆU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN
THIỀN SƯ THIỆT VINH BẢO HẠNH
                                                                             Đồng Dưỡng
Trong một lần tìm đọc các kinh sách chữ Hán, chúng tôi vô tình phát hiện hai bản in Vu Lan Bồn tân sớQui sơn cảnh sách cú thích. Cả hai bản in đều khá xưa, được khắc in dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, có niên đại gần 300 năm. Các tờ đầu và phần nội dung chỉ in nguyên theo tư liệu Trung Quốc, đâu đó ở một số tờ, khi có khoảng trống, người ta mới in chen một số dòng ghi tên công đức, hoặc cho biết nơi tồn ván khắc. Bỏ qua các phần đó, lật tìm các tờ cuối mới biết rõ lai lịch bản in. Thường thì phía sau có đề bài bạt, niên đại và một phần chiếm số tờ nhiều nhất là danh sách thập phương tín cúng. Cả ba phần sẽ cung cấp nhiều sử liệu có liên quan đến các vị thiền sư. Và ở trong hai bản in này cho ta biết lai lịch về thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh[1].
               Năm ngôi tháp của chùa Từ Đàm trong vườn chùa Báo Quốc-Huế

Theo các tư liệu đã công bố, thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh là đệ tử của tổ Minh Hoằng Tử Dung, chùa Ấn Tông (nay là chùa Từ Đàm-Huế) và là huynh đệ với ngài Thiệt Diệu Liễu Quán (chùa Thiền Tôn-Huế). Hiện nay, tại chùa Từ Đàm (Huế) và Vạn Thiện (Khánh Hòa) đều có long vị thờ. Riêng bảo tháp của ngài, xưa được an lập trong khuôn viên chùa Từ Đàm, khi người Pháp mở đường Nam Giao, tháp được chuyển vào trong vườn chùa Báo Quốc. Tấm bia tháp khá xưa được làm bằng đá sa thạch đề: “Sắc tứ Viên Tịnh Bảo lão hòa thượng chi tháp 敕賜圓淨寶和尚之塔”. 
                                Tấm bia tháp của Thiền sư Bảo Hạnh

Mới đọc qua văn bia, khó mà biết được đích xác danh tính của ngài. Việc dùng tên chùa liên kết với chữ đầu trong pháp danh của người được thờ trong tháp là một hiện tượng xuất hiện khá nhiều trong văn bia tháp tổ có niên đại thời chúa Nguyễn. Lần hồi có thể truy cứu được rõ là nhờ long vị đặt tại chùa Từ Đàm đề rõ như sau: “Sắc tứ Viên Tịnh Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế thượng Bảo hạ Hạnh húy Thiệt Vinh lão  hòa thượng nghê tòa
敕賜圓淨臨濟正宗三十五世上寶下行諱實榮老和尚猊座[2]. Như thế, ngài Thiệt Vinh Bảo Hạnh thuộc đời 35 phái Lâm Tế, từng trụ trì chùa sắc tứ Viên Tịnh. Một câu hỏi đặt ra, chùa Viên Tịnh thuộc về địa phương nào, hay nó nằm gần ở Huế.
Phần trên, chúng tôi có nói bản in Vu Lan Bồn kinh tân sớ được khắc in vào thời chúa Nguyễn tại Đàng Trong. Theo một tờ gần cuối cho biết bản in do tỳ kheo Tâm Châu Vĩnh Hưng khắc ván vào năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) và bản gỗ được lưu trữ tại chùa Hội Tông. Tờ cuối ghi danh sách công đức gồm 5 dòng, mỗi dòng 15 chữ. Còn mặt sau thì bỏ trống. Do bỏ trống như thế nên một vị nào đó đã có chép 6 dòng chữ hán vào đây; chứ thực ra phần chép này không có liên quan gì đến bản kinh mà ta nói trước. Phần này có ba chữ tông, Thiệtthời đều không tuân thủ lệnh kiêm húy nhà Nguyễn; cho thấy người viết vào bản kinh phải thực hiện điều đó trước lệnh kiêm húy ban ra. Ở dòng thứ năm, có mất 4 chữ của một bài kệ nên bài kệ không còn được nguyên vẹn.


Chúng tôi xin cung lục như sau, dòng thứ nhất đề: “Tự Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế, Phụng Thùy sơn thượng Bảo hạ Hạnh húy Thiệt Vinh lão hòa thượng nghê tọa 嗣臨濟正宗三十五世鳳垂山上寶下行諱實榮老和尚猊座”. Dòng thứ hai ghi: “Nguyên sinh Đinh Mùi niên thất nguyệt nhị thập thất nhật tuất thời lai 元生丁未年七月二十七日戌時來” và dòng tiếp ghép: “Mậu Thìn niên lục nguyệt sơ thất nhật sửu thời khứ戊辰年六月初七日丑時去 ”. Nghĩa là sinh giờ Tuất ngày 27 tháng 7 năm Đinh Mùi, Mất giờ sửu mồng 7 tháng 6 năm Nhâm Thìn. Đây chính là bản chép lại một long vị của một ngôi chùa nào đó thờ Thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh. Có thể người chép thuộc về pháp phái hoặc do tinh thần giữ dìn tư liệu chăng? Dòng đầu viết “Phụng Thùy sơn” mà không ghi tên chùa như long vị đề “Sắc tứ Viên Tịnh tự”. Đối chiếu niên đại ngài Liễu Quán, chúng ta xác định rõ được năm sinh, năm mất của ngài Bảo Hạnh. Tổ Liễu Quán sinh năm Đinh Mùi (1667) mất năm Nhâm Tuất (1742), suy ra tổ Bảo Hạnh sinh năm Đinh Mùi tức năm 1667, cùng năm với ngài Liễu Quán; mất năm Mậu Thìn, tức năm 1748. Như Thế, ngài Bảo Hạnh thọ hơn ngài Liễu Quán 6 tuổi và ngài mất năm 82 tuổi.
Ba dòng tiếp theo ghi chép một bài kệ như sau: “Xuất phái kệ:
Minh thiệt tế an thiền
Tâm đoan tính lãng nhiên
Hải trừng châu tự hiện
Vân…
Nhất cự đằng quang viễn
Vạn đăng tục diệm liên
Thánh hiền hưng thiệu thuật
Đại pháp vĩnh di truyền".
Ba chữ “xuất phái kệ” đây được hiểu là xuất kệ truyền thừa pháp phái tức bài kệ truyền thừa. Xưa nay, chúng ta chỉ biết có mấy vị xuất kệ hoặc tục kệ như ngài Minh Hải Pháp Bảo, Liễu Quán. Qua tư liệu này, chúng ta biết được một bài kệ truyền thừa nữa do ngài Bảo Hạnh viết. Tuy bài kệ không còn nguyên vẹn nhưng nó cung cấp một tư liệu quí hiếm. Trong các vị đệ tử của ngài Minh Hoằng Tử Dung, đã biết được hai ngài Bảo Hạnh và Liễu Quán xuất kệ truyền thừa. Vì thế, pháp phái này có xu hướng phân tông lập phái khá mạnh. Tiếc rằng sự truyền thừa pháp phái do ngài Bảo Hạnh truyền xuống không còn kế đăng nên các tư liệu đi dần vào quên lãng.
Trong Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức cho biết ở cuối văn bản của bản Chính Pháp Nhãn Tạng[3] (có nơi gọi là Pháp Quyển) mà ngài Bảo Hạnh ban cho đệ tử Linh Phù Tế Cảm có ghi niên đại là giữa hạ năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), nhờ vậy nên xác định được là Thiền sư Bảo Hạnh thị tịch sau khi phú pháp cho ngài Tế Cảm không bao lâu.
Cuộc đời thiền sư Bảo Hạnh gắn bó với hai nơi là Thuận Đô và Diên Ninh. Theo ông Nguyễn Hiền Đức, chùa Viên Tịnh nằm về núi Phụng Thùy. Núi Phụng Thùy vào thời chúa Nguyễn thuộc phủ Diên Ninh. Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Khánh Hòa cho biết Phủ Diên Ninh sau đổi sang tên Diên Khánh, lệ vào dinh Bình Khang, kiêm lí ba huyện: Hoa Châu, Phước Điền và Vĩnh Xương. Do địa giới rộng lớn và chưa có điều kiện điền dã về đây nên chưa xác định núi Phụng Sơn nằm về thôn, xã, huyện nào bây giờ. 

Một tư liệu nữa có ghi chép một phật sự của thiền sư Bảo Hạnh. Đó là bản in Qui sơn cảnh sách cú thích ký. Ở cuối quyển hạ cho biết: “Diên Ninh phủ Thiên Hỉ sơn Quảng Phước tự tỳ kheo Thiệt Vinh, đệ tử Tạng Châu, Phụng Tiên, Lập Kiệt, Văn Cử, Thiên Giáng, Đạo Tuyết, Đạo Kiểu đồng trữ Cảnh sách cú thích thượng hạ nhị quyển bản tàng lưu thông. Dĩ tư công đức, tứ ân tổng báo, tam hữu câu tư, phúc tuệ viên minh, tảo đăng giác địa. Vĩnh Hựu Kỷ Mùi xuân nhật, tỳ kheo Bảo Hạnh Vinh huân mộc hòa nam cẩn thức
Tạm dịch:
Tỳ kheo Thiệt Vinh chùa Quảng Phước, núi Thiên Hỉ, phủ Diên Ninh cùng các đệ tử Tạng Châu, Phụng Tiên, Lập Kiệt, Văn Cử, Thiên Giáng, Đạo Tuyết, Đạo Kiểu khắc ván Cảnh sách cú thích gồm hai quyển thượng hạ để lưu thông. Lấy công đức này đền đáp bốn ơn, cứu giúp ba cõi, phúc tuệ tròn đầy, sớm lên bờ giác. Tỳ kheo Bảo Hạnh Vinh tắm gội, cúi đầu kính cẩn cho biết vào ngày xuân năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu (1739).
Dựa vào thông tin trên, xác định, ngoài công tác trụ trì chùa Viên Tịnh trên núi Phụng Thùy, Thiền sư Bảo Hạnh còn trụ tại chùa Quảng Phước trên núi Thiên Hỉ. Cả hai địa danh này cũng thuộc phủ Diên Ninh mà ta nói ở trước. Bản in được sự giúp đỡ đặc biệt của hàng môn đồ thiền sư, các vị sư này đều chỉ biết tên mà chưa xác định rõ lai lịch từng vị. Không biết họ sau này hành đạo ở đâu? Bản in được thực hiện vào năm Kỷ Mùi (1739) niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5, lúc đó ngài cũng đã lớn tuổi.
Một nghi vấn đặt ra cho chúng ta là tại sao sư được lập tháp và thờ tại chùa Từ Đàm (nguyên là Ấn Tông tự). Không lẽ sao khi tổ Minh Hoằng Tử Dung viên tịch, sư kế đăng trụ trì mà sao không phải là ngài Liễu Quán. Bởi vì, lúc đó, sư Liễu Quán đang hành đạo tại Thuận Đô nên việc trông nom chùa chiền dễ hơn ngài nhiều. Văn bia tháp, long vị đều ghi ngài gắn liền với ngôi chùa Sắc tứ Viên Tịnh mà không đề “trụ trì Ấn Tông tự” để dễ xác định chức danh. Trước khi viên tịch, sư đã phó chúc trao truyền pháp quyển cho ngài Linh Phù Tế Cảm. Có thể sư viên tịch tại núi Phụng Thùy, theo di chúc của ngài, một phần được đưa về chùa tổ lập tháp phụng thờ, một phần được an tàng trong khuôn viên bổn tự. Điều này cũng có thể xảy ra đối với các vị thiền sư sống thời chúa Nguyễn. Các ngài sau khi viên tịch, môn đồ hỏa táng là chính, chứ không địa táng như bấy giờ.
Tóm lại, qua phát hiện một số bản khắc in kinh thời các chúa Nguyễn, chúng ta đã từng phần công bố một số tư liệu có liên quan đến thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh. Đầu tiên xác định được niên đại sống, các ngôi chùa có liên quan, một số phật sự do sư đứng ra khắc ván in kinh. Chúng ta còn chưa xác định thiền sư quê quán ở đâu, và các ngôi chùa Viên Tịnh, Quảng Phước hiện còn hay mất. Đành phải bỏ dấu hỏi vì chưa có điều kiện khảo sát kỹ vùng đất Khánh Hòa, chờ một dịp khác, chúng ta sẽ tiếp nghiên cứu về ngài nhiều hơn.


Tài liệu tham khảo:
1.     Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb KHXH, H. 1971.
2.     Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Nxb Lá Bối, S. 1970.
3.     Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, Nxb TP HCM.
4.     Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn, Chư Tôn thiền đức Phật Giáo Thuận Hóa, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2010.
5.     Vu lan bồn tân sớ, bản in năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), thư viện chùa Viên Giác-Hội An.
6.     Qui sơn cảnh sách cú thích, bản in năm Vĩnh Hựu Kỷ Mùi (1739).



Chú Thích:
[1] Ông Nguyễn Hiền Đức là người đầu tiên phát hiện về thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh. Còn sách Chư Tôn thiền đức Phật Giáo Thuận Hóa kế thừa tư liệu của nguyễn Hiền Đức và có ý kiến cho ngài Bảo Hạnh khai sơn chùa Vạn Thiên ở núi Phụng Thùy sơn. Trên thực tế, tại chùa Vạn Thiện có long vị thờ ngài đều đề “Sắc tứ Viên Tịnh truyền Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế, thượng Bảo hạ Hạnh húy Thiệt Vinh lão hòa thượng giác linh” mà không đề “khai sơn Vạn Thiện tự”. Thựa ra, khai sơn chùa Vạn Thiện là ngài Ân Tùy mà long vị có ghi chép và chùa Vạn Thiện ở trên núi Hoàng Ngưu. Hai tác giả nhầm cho chùa Vạn Thiện ở núi Phụng Thùy sơn, thực ra chùa sắc tứ Viên Tịnh mới nằm về núi này. Cần phải đính chính sự sai lầm này.
[2] Dựa theo tư liệu trong sách Chư Tôn thiền đức Phật Giáo Thuận Hóa, tr. 92.
[3] Bảng Chính pháp nhãn tạng cho biết thầy của ngài Minh Hoằng Tử Dung là Đại Sa Như Trường chứ không phải ngài Nguyên Thiều Siêu Bạch. 

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

CHÙA PHƯỚC SƠN-ĐỒNG TRÒN

VĂN BIA CHÙA PHƯỚC SƠN
                                                                     Đồng Dưỡng
Nhân dịp viếng thăm các tổ đình của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại hai tỉnh Bình Định, Phú Yên, chúng tôi đã thu thập được một số tư liệu hán nôm có liên quan đến các ngôi chùa, hành trạng thiền sư và nhất là để tâm nghiên cứu sự truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Tại Phú Yên, chúng tôi viếng thăm chùa Từ Quang, Bảo Sơn, Khánh Sơn, Triều Tôn, Phước Sơn, Bát Nhã…và lưu ý đến văn bia tại đây. Lượng văn bia còn lại quá ít, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc đã công bố văn bia tại Châu Lâm và sử dụng văn bia chùa Phước Sơn để ghi chép về bổn tự cũng như các cao tăng. Nếu đem so sánh với các chùa thuộc đồng bằng Bắc Bộ thì cả tỉnh Phú Yên cũng không nhiều bằng một chùa miền bắc. Khảo sát trên các ngôi tháp cũng thấy ít có tháp nào có bia ghi chép rõ ràng. Tại chùa Bát Nhã, tháp tổ Tánh Thông Giác Ngộ cao chín tầng nhưng bia thì quá nhỏ, chỉ ghi lại tên thiền sư, trông rất sơ sài. Như thế, khu này tục làm văn bia không được chú trọng.

                                    Tổ đình Phước Sơn - Phú Yên
Khi đến chùa Phước Sơn, được sự cho phép của Thượng Tọa trụ trì, chúng tôi đã sao dập một tấm bia. Bia không được đặt vào một không gian trang nghiêm, mà bỏ bên hành lang phía phải ngôi chùa. Bia làm chất liệu đá non nước, thuộc loại bia dẹp, có kích thước chiều dài 103cm, chiều rộng 70cm. Cả hai mặt được đục loáng, phẳng, chỉ có mặt trước có chữ, mặt sau để trống. Bia có 14 dòng, mỗi dòng trung bình 34 chữ, khắc chân phương, đều, rõ đẹp, có hai dòng được đài lên là dòng thứ hai và một dòng đề niên hiệu. Ở dòng thứ hai và ba có bỏ một chữ, có thể chỉ tôn xưng chăng? Cách trang trí họa tiết trên văn bia rất giống các bia tại Quảng Nam. Nó có kết cấu hình chữ nhật, hai bên phần trên xụt vào và kẻ khung xung quanh để trang trí các họa tiết. Phần đầu có đôi rồng chấu mặt nhật, tua lửa, hai bên trang trí hình dây lá, phía dưới dạng hình dây, khoảng giữa có một hoa nhỏ. Ở phần trong có một đường chỉ chạy dài xung quanh trang trí hình chữ T. Có thể văn bia được các thợ khắc đá tại Non Nước thực hiện tại chỗ, sau vận chuyển về Phú Yên.
Theo văn bia, chùa Phước Sơn do thiền sư Đức Chất lập năm Gia Long thứ nhất (1802). Đến năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), chùa được nhị tổ Quảng Thiện trùng tu, rồi truyền đến các vị trụ trì như Huệ Nhãn, Pháp Tạng. Từ thiền sư Quảng Thiện trở về sau, chùa được truyền thừa theo kệ phái dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Do đó, chùa Phước Sơn là một tổ đình lớn của thiền phái Lâm tế Chúc Thánh có vai trò to lớn đến sự phát triển tông môn cũng như Phật Giáo tại Phú Yên. Văn bia do thiền sư Thiền Phương, đệ ngũ tổ viết vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Đây là một tấm bia có giá trị nhiều mặt, giúp ích cho công việc nghiên cứu về ngôi chùa, truyền thừa và các Phật sự do các đời trụ trì kiến lập.
Đọc văn bia, chúng ta thấy công đức to lớn của các vị trụ trì chùa Phước Sơn nhất là các vị được tôn xưng các chức danh như Đường Đầu, Yết Ma, Giáo Thọ, Tôn Chứng trong giới đàn. Đây là một phật sự không kém quan trọng nhằm chấn chỉnh tăng ni, một nhân tố phát triển Phật Giáo đương thời. Sau đây là phần phiên âm, dịch nghĩa.

                       Văn bia chùa Phước Sơn
夫碑者表記功德銘誌事蹟永垂後世使後人見而思思而尊敬感載終古不亡也。我福山寺嘉隆元年初德質祖師行錫尋就本轄定富社富美山構立伽藍修成善果。圓寂後傳廣善第二祖明命十七年丙申重修殿堂造買田土持經入室行滿功完楞嚴寺界壇尊為教授和尚。至嗣德十七年甲子傳慧眼第三祖廣行佛事鑄佛像印經宣律。戊寅年會山寺戒壇嗣德三十五年壬午寶山寺戒壇俱尊為教授和尚。諸山乃孰請往慈光祖寺傳法繼傳法藏第四祖積功累行佛法興崇增買田園廣行陰隙。癸巳年廣南省祝聖祖寺設大戒壇請為羯摩和尚。至成泰十一十二等年上京金光圓通二寺加持說法蒙恩敕賜金錢二枚0經衣帽貴項造洪鐘。成泰十六年甲辰寶山寺師尊大和尚。圓寂繼為住持。丙午年敕賜慈光寺設大戒壇尊為壇頭和尚。維新元年丁未回本寺設戒壇酬報四恩遺傳弟子芳繼宣佛法代代繼傳若能苦行真修崇奉道教前表揚歷代祖師之功德後永承臨濟禪譜於部洲誠非芳之至願乎。
時皇朝啟定二年丁巳孟春題。
右碑弟子禪芳拜立
Phiên âm:
Phù, bi giả biểu ký công đức minh ký sự tích, vĩnh thùy hậu thế, sử hậu nhân kiến nhi tư, tư nhi tôn kính, cảm tải chung cổ bất vong dã. Ngã Phước Sơn tự Gia Long nguyên niên sơ Đức Chất tổ sư hành tích tầm tựa bản hạt Định Phú xã, Phú Mỹ sơn cấu lập già lam, tu thành chính quả. Viên tịch hậu, truyền Quảng Thiện đệ nhị tổ. Minh Mệnh thập thất niên Giáp Thân, trùng tu điện đường, tạo mãi điền thổ, trì kinh nhập thất, hạnh mãn công hoàn. Lăng Nghiêm tự giới đàn tôn vi Giáo Thụ hòa thượng. Chí Tự Đức thập thất niên Giáp Tý truyền Huệ Nhãn đệ tam tổ, quảng hạnh Phật sự, chú Phật tượng, ấn kinh tuyên luật. Mậu Dần niên, Hội Sơn tự giới đàn, Tự Đức tam thập ngũ niên Nhâm Ngọ, Bảo Sơn tự giới đàn câu tôn vi Giáo Thụ Hòa Thượng. Chư sơn nãi thục thỉnh vãng Từ Quang tổ tự truyền pháp, kế truyền Pháp Tạng đệ tứ tổ. Tích công lũy hạnh, Phật Pháp hưng sùng, tăng mãi điền viên, quảng hạnh âm kích. Quí Tỵ niên, Quảng Nam tỉnh, Chúc Thánh tổ tự thiết đại giới đàn thỉnh vi Yết Ma Hòa Thượng. Chí Thành Thái thập nhất, thập nhị đẳng niên, thượng kinh Kim Quang, Viên Thông nhị tự gia trì, thuyết pháp mông ân sắc tứ kim tiền nhị mai, chí kinh y mão quí hạng, tạo hồng chung. Thành Thái thập lục niên Giáp Thìn, Bảo Sơn tự sư tôn đại hòa thượng. Viên tịch kế vi trụ trì. Bính Ngọ niên, sắc tứ Từ Quang tự thiết đại giới đàn tôn vi đàn đầu hòa thượng. Duy Tân nguyên niên Đinh Mùi, hồi bản tự thiết giới đàn, thù báo tứ ân, di truyền đệ tử Phương kế tuyên Phật pháp, đại đại kế truyền, nhược năng khổ hạnh chân tu, sùng phụng đạo giáo, tiền biểu dương lịch đại tổ sư chi công đức, hậu vĩnh thừa Lâm Tế thiền phổ ư Bộ Châu. Thành phi Phương chi chí nguyện hồ!
Thời Hoàng triều Khải Định nhị niên Đinh Tỵ mạnh xuân đề. Hữu đệ tử Thiền Phương bái lập.
Dịch Nghĩa:
Bia để ghi công đức, bài minh chí chép sự tích các đời, sau khiến cho hậu thế thấy mà suy nghĩ, nghĩ mà tôn kính, việc xưa nay đừng quên vậy. Chùa Phước Sơn được thiền sư Đức Chất lập năm Gia Long thứ nhất (1802). Ngài chống gậy tìm đến núi Phú Mỹ, xã Định Phú bản hạt xây dựng ngôi chùa, tu thành quả thiện. Sau khi ngài viên tịch, truyền cho tổ thứ hai là ngài Quảng Thiện. Năm Bính Thân niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836), ngài Quảng Thiện trùng tu chánh điện, mua ruộng đất, trì kinh, nhập thất công đức hoàn mãn. Chùa lăng Nghiêm[1] lập giới đàn tôn ngài làm hòa thượng giáo thọ. Năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức thứ 17, ngài truyền cho tổ thứ ba là ngài Huệ Nhãn. Ngài Huệ Nhãn rộng mở các phật sự, đúc tượng Phật, in kinh, tuyên dương giới luật. Năm Mậu Dần, chùa Hội Sơn lập giới đàn; Năm Nhâm Ngọ niên hiệu Tự Đức thứ 35, chùa Bảo Sơn lập giới đàn đều tôn ngài làm hòa thượng giáo thọ. Chư sơn cầu thỉnh qua chùa tổ Từ Quang[2] truyền pháp kế đăng, sau ngài truyền cho sư Pháp Tạng làm tổ đời thứ tư. Tổ Pháp Tạng góp công nhiều hạnh, phật pháp hưng sùng, mua thêm ruộng vườn, quảng hạnh âm kích. Năm Quí Tỵ, chùa Chúc Thánh[3] tại Quảng Nam thiết giới đàn, thỉnh ngài làm Yết Ma hòa thượng. Đến năm Thành Thái thứ 11, 12, ngài được mời ra Kinh Đô làm gia trì, thuyết pháp tại hai chùa Kim Quang, Viên Thông[4]. Nhờ công đó, ngài được triều đình ban thưởng hai đồng kim tiền, kinh sách, áo, mũ thuộc loại hạng quí, đúc quả Hồng chuông. Năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16, hòa thượng chùa Bảo Sơn[5] viên tịch, sư kế đăng trụ trì. Năm Bính Ngọ, chùa sắc tứ Từ Quang thiết đại giới đàn, tôn ngài làm hòa thượng đàn đầu. Năm Đinh Mùi niên hiệu Duy Tân thứ nhất, chùa Phước Sơn thiết giới đàn, báo đáp bốn ơn, truyền lại cho đệ tử Thiền Phương kế tuyên phật pháp, đời đời kế truyền. Nếu có thể chân tu khổ hạnh, tu sùng đạo giáo, trước biểu dương công đức của các đời tổ sư, sau kế thừa thiền phái Lâm Tế tại Bộ Châu[6]. Đó chẳng phải là chí nguyện của Thiền Phương chăng?
Đề bia vào đầu xuân năm Đinh Tỵ niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917). Đệ tử Thiền Phương bái lập.






CHÚ THÍCH:
[1] Chùa Lăng Nghiêm: tọa lạc thôn Triều Sơn đông, xã Xuân Đài, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Không rõ chùa lập khi nào. Theo một long vị được thờ tại tổ đường cho biết thiền sư Tế Ấn Huệ Chiếu thuộc đời Lâm Tế thứ 36. Sư sinh năm Mậu Tuất, mất ngày 19 tháng giêng năm Mậu Thân. Và một long vị của thiền sư Chơn Chí Vạn Thoại thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 40, sinh năm Bính Thân, mất năm Canh Dần. Trong vườn chùa còn hai ngôi tháp, khá nhiều bảo châu và các cổ mộ. Như thế, cho biết chùa ra đời khoảng thời chúa Nguyễn.
[2] Chùa Từ Quang: trên núi Đá Trắng (Bạch Thạch sơn) thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa do thiền sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm khai sơn năm Đinh Tỵ (1797). Chùa là tổ đình của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên, hiện đã trải qua 11 đời trụ trì.
[3] Chùa Chúc Thánh: tọa lạc phường Tân An, thành phố Hội An. Chùa do thiền sư Minh Hải Pháp Bảo khai sơn vào thời các chúa Nguyễn. Chùa là gốc tích của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, trải qua 12 đời trụ trì.
[4] Chùa Kim Quang, Viên Thông: Hai chùa thuộc thành phố Huế.
[5] Chùa Bảo Sơn: tọa lạc thôn Phong Thăng, xã An Định, huyện Tuy An, Phú Yên. Chùa do tổ Liễu Căn đời 37 phái Lâm Tế khai sơn vào năm Gia Long thứ 2 (1803). Chùa là một tổ đình lớn của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên.
[6] Bộ Châu: gọi cho đủ là Nam Thiện bộ châu.

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

VĂN BIA NGŨ UẨN SƠN CỔ TÍCH PHẬT TỊCH DIỆT LẠC TẠI NGŨ HÀNH SƠN

VỀ TẤM BIA NGŨ UẨN SƠN CỔ TÍCH PHẬT TỊCH DIỆT LẠC
                                                                           Đồng Dưỡng
Trong các văn bia cổ tại Ngũ Hành Sơn, chúng ta được biết tới mấy văn bia có giá trị như Thái Bình tự thạch bi, Phổ Đà sơn linh trung Phật, Ngũ uẩn sơn cổ tích phật tịch lạc bi. Cả ba văn bia đều được ông ALBERT SALLET dịch ra Pháp văn đưa vào trong tác phẩm Les montagnes de marbre (Ngũ Hành Sơn). Vị học giả này cũng chỉ mới giới thiệu sơ qua, chưa có nghiên cứu công phu. Lần theo lời giới thiệu, chúng tôi viếng thăm Ngũ Hành sơn và phát hiện chỉ còn hai văn bia ma nhai được tạc trên hai động Hoa Nghiêm và Vân Phong. Tại động Hoa Nghiêm có văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật còn khá đẹp. Động Vân Phong thì bảo tồn tấm văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc.
        Bản dập văn bia tại động Vân Phong, Ngũ Hành Sơn.

Nếu đi vào động Vân Phong, chúng ta sẽ thấy một tấm bia nằm về mé phải, được tạc ngay trên đá mà các nhà nghiên cứu gọi là bia ma nhai. Quan sát bia, chúng tôi thấy có một số dị biệt trong việc trang trí họa tiết. Điều dễ thấy là trên đầu bia được trang trí hình mái chùa. Trên đỉnh mái có hình uốn móc cũng như phía dưới. Mái chùa không dùng ngói âm dương để lợp mà trang trí theo mái ngói các chùa thuộc đồng bằng bắc bộ. Phía dưới được trang trí hình khung, có 9 khung, mỗi khung được khắc một đại tự và đây chính là đề tên trong văn bia. Dây leo chạy hai bên. Phía đế bia cũng kẻ khung, có tám khung, mỗi khung trang trí một hoa thị. Văn bia có một số bị vỡ tạo nên các lỗ thủng nhỏ. Lòng bia có 14 dòng, dòng có số chữ nhiều nhất là 20 chữ, chữ khắc chân phương, hơn to. Do không được bảo quản tốt, một số du khách thiếu văn hóa đã khắc một số hàng chữ Việt vào bia. Khi đối chiếu với văn bia Phổ đà sơn linh trung Phật, chúng ta nhận thấy hai văn bia có một số họa tiết giống nhau như cùng có dây leo chạy xung quanh, đế bia được kết cấu khung, trang trí hình hoa thị. Cả hai văn bia đều do thiền sư Huệ Đạo Minh lập và chính ngài đã soạn văn bia. Bia Phổ đà sơn linh trung Phật được lập năm Canh Thìn tức năm 1640. Thế thì, năm Tân Mùi phải là năm 1631 mà thiền sư cho lập tại Động Vân Phong. Bia có niên đại khá lớn đối với các văn bia phát hiện thuộc Đàng Trong xưa.
Đoạn đầu bia cho biết quê hương của thiền sư như: “大越國廣南處醴陽縣瑜川社比丘惠道明重修開創住持 Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Thăng Hoa phủ, Lễ Dương huyện, Du Xuyên xã tỳ kheo Huệ Đạo Minh trùng tu, khai sáng, trụ trì”. Như thế, thiền sư Huệ Đạo Minh người xã Du Xuyên huyện Lễ Dương đã từng trùng tu, khai sáng và trụ trì. Trong khi đó, Bia Phổ Đà sơn linh trung phật ghi: “Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Tĩnh Gia phủ, Ngọc Sơn huyện, Du Xuyên xã, Phạm Văn Nhân tự Huệ Đạo Minh thiền sư”. Bia Phổ đà sơn có một số chi tiết khá rút gọn về quê quán thiền sư, nhất là ghi từ xứ Quảng nam rồi đến huyện Ngọc Sơn. Điều tra lại sách địa dư tỉnh Quảng Nam không có huyện nào là huyện Ngọc Sơn, chỉ có xuất hiện ở trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa sau này).
Bản dịch trong Cơ sở ngữ văn hán nôm có một cách hiểu hợp lý như sau: “Phạm văn Nhân tự Huệ Đạo Minh thiền sư người xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia [hiện trú tại] xứ Quảng Nam, nước Đại Việt”. Có thể các tác giả này có đối chiếu tên làng xã, địa danh mới dám chú thích thêm mấy chữ được bỏ trong dấu [] và dịch giả đã hiểu rằng sư Huệ Đạo Minh có nguyên quán tại Thanh Hoa và trú quán tại Quảng Nam. Nếu như chúng ta tham khảo văn bia Ngũ Uẩn sơn thì sẽ khá rõ ràng. Vì nguyên quán và trú quán đều có cùng tên là xã Du Xuyên, nhưng huyện thì khác nhau. Nguyên quán thuộc huyện Ngọc Sơn còn trú quán thuộc huyễn Lễ Dương (Quảng Nam) nên trong bia Phổ Đà sơn, sư có cách viết tắt hơn khó hiểu. Do đó, văn bia Ngũ Uẫn sơn sẽ bổ túc cứ liệu cho văn bia Phổ đà sơn. Hiện vẫn chưa xác định xã Du Xuyên thuộc huyện nào tại tỉnh Quảng Nam, có thể tên làng xã này đã bị thay đổi mà chúng ta chưa có tư liệu nghiên cứu.
Bia viết tiếp: “焚香祝聖回向三寳有永流傳之萬代。普願父母法界多生. Phần hương chúc thánh, hồi hướng Tam Bảo hữu vĩnh lưu truyền chi vạn đại. Phổ nguyện phụ mẫu pháp giới đa sinh. Nghĩa là đốt hương cầu chúc quốc vương, hồi hướng tam bảo để mãi lưu truyền muôn đời. Phổ nguyện đa sinh phụ mẫu trong pháp giới…Đoạn này thường thấy xuất hiện trong các văn bia nhằm báo đến tứ ân mà người xuất gia hay nói đến.
Đoạn tiếp theo, thiền sư cho cung lục bài văn phát nguyện của thiền sư Từ Vân Tôn Thức, Trung Quốc. Văn bia khắc nguyên bài văn như sau: “一心歸命極樂世界阿彌陀佛,願以淨光照我,慈誓攝我;我今正念,稱如來名,為菩提道求生淨土.佛昔本誓:若有眾生欲生我國,志心信樂,乃至十念,若不生者,不取正覺;以此念佛因緣,得入如來大誓海中,承佛慈力,眾罪消滅,善根增長. 若臨命終,自知時至,身無病苦,心不貪戀,意不顛倒,如入禪定;
佛及聖眾手執金臺,來接我,於一念頃,生極樂國;花開見佛,即聞佛乘,頓開佛慧,廣度眾生,滿菩提願。
Phiên âm: Nhất tâm qui mạng cực lạc thế giới A Di Đà phật. Nguyện dĩ tịnh quang chiếu ngã, từ thệ nhiếp ngã, ngã kim chánh niệm, xưng Như lai danh, vị bồ đề đạo, cầu sinh tịnh độ. Phật tích bản thệ, nhược hữu chúng sinh dục sinh ngã quốc, chí tâm tín nhạo, nãi chí thập niệm, nhược bất sinh giả, bất thủ chánh giác, dĩ thử niệm phật nhân duyên, đắc nhập như lai, đại thệ hải trung, thừa phật từ lực, chúng tội tiêu diệt, thiện căn tăng trưởng. Nhược lâm dục mạng chung, dự tri thời chí, thân vô bệnh khổ, tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo, như nhập thiền định, Phật cập thánh chúng, thủ chấp kim đài, lai nghinh tiếp ngã, ư nhất niệm khoảng, sinh cực lạc quốc, hoa khai kiến phật, tức văn phật thừa, đốn khai phật tuệ, quảng độ chúng sinh, mãn bồ đề nguyện, quảng độ chúng sinh, mãn bồ đề nguyện”.
Bài văn phát nguyện đã được thiền sư Huệ Lưu[1] diễn nghĩa theo thể thơ lục bát. Bài diễn nghĩa được đưa vào trong tập Chư sám quốc âm yếu lược do thiền sư Từ Huệ[2] chùa Long Huê đứng in vào năm Bính Ngọ (1906). Bài sám Phát Nguyện này nằm từ tờ 4a8 đến tờ 5b3. Sau đây là phần phiên nôm của chúng tôi:
TỪ VÂN SÁM CHỦ PHÁT NGUYỆN VĂN
Từ Vân phước đức lớn thay
làm văn phát nguyện truyền nay sâu dày
một lòng mỏi mệt không nài
cầu về cực lạc ngồi đài liên hoa
cha lành vốn thiệt Di Đà
soi hào quang tịnh chói lòa thân con
thẩm sâu ơn Phật hằng còn
tôi nay chánh niệm lòng son một bề
nguyện làm nên đạo Bồ đề
chuyên lòng niệm Phật cầu về tây phương
Phật xưa lời thệ tỏ tường
bốn mươi tám nguyện dẫn đường chúng sanh
thệ rằng ai phát lòng lành
nước ta bảo vật để dành các ngươi
thiện nam tín nữ mỗi người
chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra
ta không rước rở nước ta
thệ không làm Phật chắc đà không sai
bởi vì tin tưởng Như Lai
có duyên tưởng Phật sống dai không cùng
lời thệ biển rộng mênh mông
nhờ nương đức Phật thoát vòng trần lao
tội mòn như đá mài dao
phước lành thêm lớn càng cao càng dài
cầu cho tôi chết biết ngày
biết giờ biết khắc biết rày tánh linh
cầu tôi bịnh khổ khỏi mình
lòng không triều mến chuyện tình thế gian
cầu tôi thần thức nhẹ nhành
In như thiền định họ Bàng thuở xưa
đài vàng tay Phật bưng chờ
các ông Bồ Tát bây giờ đứng trông
đưa tôi thiệt đã nên đông
nội trong giây phút thảy đồng về tây
xem trong cõi Phật tốt thay
hoa sen đua nở tánh nay sạch trần
hội này thấy Phật chân thân
đặng nghe phép nhiệm tâm thần sáng trưng
quyết tu độ chúng phàm dân
đủ lời thệ nguyện Phật ân rộng dày
Phật thệ chắc thiệt không sai
cầu về tịnh độ ai ai tin lòng
Từ Vân lời sám nhiệm dòng
Huệ Lưu diễn sáng học đồng với nhau.
Thông qua nội dung bài văn Phát nguyện, chúng ta biết được tư tưởng tịnh độ đã được truyền bá sâu rộng tại vùng đất xứ Quảng, để thiền sư Huệ Đạo Minh tuyển vào văn bia.
Đoạn cuối ghi lài người công đức làm tượng Phật và niên đại văn bia. Bia ghi: “Phụng hành Phật bảo. Cẩm Phô xã tín cúng Trần Thị Thay hiệu Diệu Lễ cúng tam thập quán tác Phật tượng”. nghĩa là phụng hành Phật Bảo. Bà Trần Thị Thay hiệu Diệu Lễ người xã Cẩm Phô cúng 30 quán để làm tượng Phật. Hàng ghi niên đại: “Tuế thứ Tân Mùi niên thập nguyệt lương nhật thời trùng tu” nghĩa là trùng tu ngày lành tháng 10 năm Tân Mùi. Năm Tân Mùi như chúng tôi đề xuất là năm 1631.
Qua bài văn bia, chúng ta đã từng bước xác định được nguyên quán và trú quán của thiền sư Huệ Đạo Minh. Thứ hai, văn bia cung lục một bài sám nguyện mang tư tưởng tịnh độ do thiền sư Từ Vân soạn, giúp ích cho công tác nghiên cứu các văn bản Trung Quốc có ảnh hưởng đến sinh hoạt trong các khóa tụng tại Đại việt lúc đó và nhận ra tại Quảng Nam nhiều thiền sư đã ý thức giá trị của pháp môn tịnh độ, pháp môn của quần chúng nhân dân. Cuối văn bia cho biết một tín chủ người Cẩm Phô đã cúng tiền để lo công tác làm tượng Phật. Đây là một cứ liệu sớm có ghi lại tên làng Cẩm Phô giúp cho công tác nghiên cứu địa danh học lịch sử tại Hội An.





Chú thích:
[1] Thiền sư Huệ Lưu -   Đạt Lý: Sư sinh ngày   mùng 1 tháng Chạp  năm Đinh Tỵ (1857) tại làng Nhựt Tảo, tỉnh Định Tường (nay là xã Nhựt Tảo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình nông dân tín mộ đạo Phật. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia thọ giáo tại chùa Giác Viên, tỉnh Gia Định và thủ lễ với Thiền sư Liễu Khiêm - Hoằng Ân (hoặc Minh Khiêm), đưực ban pháp danh là Đạt Lý - pháp hiệu Huệ Lưu. Năm Kỷ Sửu (1889), sau khi Thiền sư Liễu Xuân - Minh Chí trụ trì chùa Huê Nghiêm viên tịch, ngài được cử về kế thế trụ trì, khi ấy ngài được 32 tuổi. Sau khi tiếp nhận cương vị trụ trì chùa Huê Nghiêm, ngài đã trùng kiến ngôi Tổ đình Huê Nghiêm của Tổ sư Thiệt Thoại - Tánh Tường thêm phần trang nghiêm xán lạn. Trong thời gian này, ngài cũng góp phần sao lục và khắc bản cuốn "Trường hàng luật nghi”, cũng gọi là "Trưởng hạnh Luật nghi”, được Thiền sư Hoằng Ân chú giải, in năm Giáp Ngọ (1894).  Noi theo bước chân hoằng hóa của Tôn sư Liễu Khiêm - Hoằng Ân, năm 1895, Thiền sư Huệ Lưu phát nguyện 3 năm vân du hoằng hóa Phật pháp tại miền Lục tỉnh Nam Bộ (vùng đất Thất Sơn, Châu Đốc, An Giang là nơi ngài thường lui tới). Đến năm Đinh Dậu (1897), ngài trở lại chùa Huê Nghiêm. Cuối năm Đinh Dậu (1897), ngài phát nguyện nhập thất tu thiền. Đến giờ Tý, ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1898), ngài phát nguyện thiêu thân cúng dường Phật Tổ. Đồ chúng thâu nhặt xá lợi, xây bảo tháp thờ ngài tại khuôn viên chùa Huê Nghiêm.
[2] Theo long vị thờ tại chùa Long Huê cho biết đại sư Từ Huệ húy Không Hạc đời Lâm Tế thứ 41, trụ trì hai chùa Long Quang, Long Huê. Sư sinh giờ Ngọ ngày 15 tháng giêng năm Canh Ngọ (1870), tịch giờ Mùi ngày 2 tháng 4 năm Bính Thìn (1916).