Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

CHÙA PHƯỚC SƠN-ĐỒNG TRÒN

VĂN BIA CHÙA PHƯỚC SƠN
                                                                     Đồng Dưỡng
Nhân dịp viếng thăm các tổ đình của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại hai tỉnh Bình Định, Phú Yên, chúng tôi đã thu thập được một số tư liệu hán nôm có liên quan đến các ngôi chùa, hành trạng thiền sư và nhất là để tâm nghiên cứu sự truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Tại Phú Yên, chúng tôi viếng thăm chùa Từ Quang, Bảo Sơn, Khánh Sơn, Triều Tôn, Phước Sơn, Bát Nhã…và lưu ý đến văn bia tại đây. Lượng văn bia còn lại quá ít, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc đã công bố văn bia tại Châu Lâm và sử dụng văn bia chùa Phước Sơn để ghi chép về bổn tự cũng như các cao tăng. Nếu đem so sánh với các chùa thuộc đồng bằng Bắc Bộ thì cả tỉnh Phú Yên cũng không nhiều bằng một chùa miền bắc. Khảo sát trên các ngôi tháp cũng thấy ít có tháp nào có bia ghi chép rõ ràng. Tại chùa Bát Nhã, tháp tổ Tánh Thông Giác Ngộ cao chín tầng nhưng bia thì quá nhỏ, chỉ ghi lại tên thiền sư, trông rất sơ sài. Như thế, khu này tục làm văn bia không được chú trọng.

                                    Tổ đình Phước Sơn - Phú Yên
Khi đến chùa Phước Sơn, được sự cho phép của Thượng Tọa trụ trì, chúng tôi đã sao dập một tấm bia. Bia không được đặt vào một không gian trang nghiêm, mà bỏ bên hành lang phía phải ngôi chùa. Bia làm chất liệu đá non nước, thuộc loại bia dẹp, có kích thước chiều dài 103cm, chiều rộng 70cm. Cả hai mặt được đục loáng, phẳng, chỉ có mặt trước có chữ, mặt sau để trống. Bia có 14 dòng, mỗi dòng trung bình 34 chữ, khắc chân phương, đều, rõ đẹp, có hai dòng được đài lên là dòng thứ hai và một dòng đề niên hiệu. Ở dòng thứ hai và ba có bỏ một chữ, có thể chỉ tôn xưng chăng? Cách trang trí họa tiết trên văn bia rất giống các bia tại Quảng Nam. Nó có kết cấu hình chữ nhật, hai bên phần trên xụt vào và kẻ khung xung quanh để trang trí các họa tiết. Phần đầu có đôi rồng chấu mặt nhật, tua lửa, hai bên trang trí hình dây lá, phía dưới dạng hình dây, khoảng giữa có một hoa nhỏ. Ở phần trong có một đường chỉ chạy dài xung quanh trang trí hình chữ T. Có thể văn bia được các thợ khắc đá tại Non Nước thực hiện tại chỗ, sau vận chuyển về Phú Yên.
Theo văn bia, chùa Phước Sơn do thiền sư Đức Chất lập năm Gia Long thứ nhất (1802). Đến năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), chùa được nhị tổ Quảng Thiện trùng tu, rồi truyền đến các vị trụ trì như Huệ Nhãn, Pháp Tạng. Từ thiền sư Quảng Thiện trở về sau, chùa được truyền thừa theo kệ phái dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Do đó, chùa Phước Sơn là một tổ đình lớn của thiền phái Lâm tế Chúc Thánh có vai trò to lớn đến sự phát triển tông môn cũng như Phật Giáo tại Phú Yên. Văn bia do thiền sư Thiền Phương, đệ ngũ tổ viết vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Đây là một tấm bia có giá trị nhiều mặt, giúp ích cho công việc nghiên cứu về ngôi chùa, truyền thừa và các Phật sự do các đời trụ trì kiến lập.
Đọc văn bia, chúng ta thấy công đức to lớn của các vị trụ trì chùa Phước Sơn nhất là các vị được tôn xưng các chức danh như Đường Đầu, Yết Ma, Giáo Thọ, Tôn Chứng trong giới đàn. Đây là một phật sự không kém quan trọng nhằm chấn chỉnh tăng ni, một nhân tố phát triển Phật Giáo đương thời. Sau đây là phần phiên âm, dịch nghĩa.

                       Văn bia chùa Phước Sơn
夫碑者表記功德銘誌事蹟永垂後世使後人見而思思而尊敬感載終古不亡也。我福山寺嘉隆元年初德質祖師行錫尋就本轄定富社富美山構立伽藍修成善果。圓寂後傳廣善第二祖明命十七年丙申重修殿堂造買田土持經入室行滿功完楞嚴寺界壇尊為教授和尚。至嗣德十七年甲子傳慧眼第三祖廣行佛事鑄佛像印經宣律。戊寅年會山寺戒壇嗣德三十五年壬午寶山寺戒壇俱尊為教授和尚。諸山乃孰請往慈光祖寺傳法繼傳法藏第四祖積功累行佛法興崇增買田園廣行陰隙。癸巳年廣南省祝聖祖寺設大戒壇請為羯摩和尚。至成泰十一十二等年上京金光圓通二寺加持說法蒙恩敕賜金錢二枚0經衣帽貴項造洪鐘。成泰十六年甲辰寶山寺師尊大和尚。圓寂繼為住持。丙午年敕賜慈光寺設大戒壇尊為壇頭和尚。維新元年丁未回本寺設戒壇酬報四恩遺傳弟子芳繼宣佛法代代繼傳若能苦行真修崇奉道教前表揚歷代祖師之功德後永承臨濟禪譜於部洲誠非芳之至願乎。
時皇朝啟定二年丁巳孟春題。
右碑弟子禪芳拜立
Phiên âm:
Phù, bi giả biểu ký công đức minh ký sự tích, vĩnh thùy hậu thế, sử hậu nhân kiến nhi tư, tư nhi tôn kính, cảm tải chung cổ bất vong dã. Ngã Phước Sơn tự Gia Long nguyên niên sơ Đức Chất tổ sư hành tích tầm tựa bản hạt Định Phú xã, Phú Mỹ sơn cấu lập già lam, tu thành chính quả. Viên tịch hậu, truyền Quảng Thiện đệ nhị tổ. Minh Mệnh thập thất niên Giáp Thân, trùng tu điện đường, tạo mãi điền thổ, trì kinh nhập thất, hạnh mãn công hoàn. Lăng Nghiêm tự giới đàn tôn vi Giáo Thụ hòa thượng. Chí Tự Đức thập thất niên Giáp Tý truyền Huệ Nhãn đệ tam tổ, quảng hạnh Phật sự, chú Phật tượng, ấn kinh tuyên luật. Mậu Dần niên, Hội Sơn tự giới đàn, Tự Đức tam thập ngũ niên Nhâm Ngọ, Bảo Sơn tự giới đàn câu tôn vi Giáo Thụ Hòa Thượng. Chư sơn nãi thục thỉnh vãng Từ Quang tổ tự truyền pháp, kế truyền Pháp Tạng đệ tứ tổ. Tích công lũy hạnh, Phật Pháp hưng sùng, tăng mãi điền viên, quảng hạnh âm kích. Quí Tỵ niên, Quảng Nam tỉnh, Chúc Thánh tổ tự thiết đại giới đàn thỉnh vi Yết Ma Hòa Thượng. Chí Thành Thái thập nhất, thập nhị đẳng niên, thượng kinh Kim Quang, Viên Thông nhị tự gia trì, thuyết pháp mông ân sắc tứ kim tiền nhị mai, chí kinh y mão quí hạng, tạo hồng chung. Thành Thái thập lục niên Giáp Thìn, Bảo Sơn tự sư tôn đại hòa thượng. Viên tịch kế vi trụ trì. Bính Ngọ niên, sắc tứ Từ Quang tự thiết đại giới đàn tôn vi đàn đầu hòa thượng. Duy Tân nguyên niên Đinh Mùi, hồi bản tự thiết giới đàn, thù báo tứ ân, di truyền đệ tử Phương kế tuyên Phật pháp, đại đại kế truyền, nhược năng khổ hạnh chân tu, sùng phụng đạo giáo, tiền biểu dương lịch đại tổ sư chi công đức, hậu vĩnh thừa Lâm Tế thiền phổ ư Bộ Châu. Thành phi Phương chi chí nguyện hồ!
Thời Hoàng triều Khải Định nhị niên Đinh Tỵ mạnh xuân đề. Hữu đệ tử Thiền Phương bái lập.
Dịch Nghĩa:
Bia để ghi công đức, bài minh chí chép sự tích các đời, sau khiến cho hậu thế thấy mà suy nghĩ, nghĩ mà tôn kính, việc xưa nay đừng quên vậy. Chùa Phước Sơn được thiền sư Đức Chất lập năm Gia Long thứ nhất (1802). Ngài chống gậy tìm đến núi Phú Mỹ, xã Định Phú bản hạt xây dựng ngôi chùa, tu thành quả thiện. Sau khi ngài viên tịch, truyền cho tổ thứ hai là ngài Quảng Thiện. Năm Bính Thân niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836), ngài Quảng Thiện trùng tu chánh điện, mua ruộng đất, trì kinh, nhập thất công đức hoàn mãn. Chùa lăng Nghiêm[1] lập giới đàn tôn ngài làm hòa thượng giáo thọ. Năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức thứ 17, ngài truyền cho tổ thứ ba là ngài Huệ Nhãn. Ngài Huệ Nhãn rộng mở các phật sự, đúc tượng Phật, in kinh, tuyên dương giới luật. Năm Mậu Dần, chùa Hội Sơn lập giới đàn; Năm Nhâm Ngọ niên hiệu Tự Đức thứ 35, chùa Bảo Sơn lập giới đàn đều tôn ngài làm hòa thượng giáo thọ. Chư sơn cầu thỉnh qua chùa tổ Từ Quang[2] truyền pháp kế đăng, sau ngài truyền cho sư Pháp Tạng làm tổ đời thứ tư. Tổ Pháp Tạng góp công nhiều hạnh, phật pháp hưng sùng, mua thêm ruộng vườn, quảng hạnh âm kích. Năm Quí Tỵ, chùa Chúc Thánh[3] tại Quảng Nam thiết giới đàn, thỉnh ngài làm Yết Ma hòa thượng. Đến năm Thành Thái thứ 11, 12, ngài được mời ra Kinh Đô làm gia trì, thuyết pháp tại hai chùa Kim Quang, Viên Thông[4]. Nhờ công đó, ngài được triều đình ban thưởng hai đồng kim tiền, kinh sách, áo, mũ thuộc loại hạng quí, đúc quả Hồng chuông. Năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16, hòa thượng chùa Bảo Sơn[5] viên tịch, sư kế đăng trụ trì. Năm Bính Ngọ, chùa sắc tứ Từ Quang thiết đại giới đàn, tôn ngài làm hòa thượng đàn đầu. Năm Đinh Mùi niên hiệu Duy Tân thứ nhất, chùa Phước Sơn thiết giới đàn, báo đáp bốn ơn, truyền lại cho đệ tử Thiền Phương kế tuyên phật pháp, đời đời kế truyền. Nếu có thể chân tu khổ hạnh, tu sùng đạo giáo, trước biểu dương công đức của các đời tổ sư, sau kế thừa thiền phái Lâm Tế tại Bộ Châu[6]. Đó chẳng phải là chí nguyện của Thiền Phương chăng?
Đề bia vào đầu xuân năm Đinh Tỵ niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917). Đệ tử Thiền Phương bái lập.






CHÚ THÍCH:
[1] Chùa Lăng Nghiêm: tọa lạc thôn Triều Sơn đông, xã Xuân Đài, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Không rõ chùa lập khi nào. Theo một long vị được thờ tại tổ đường cho biết thiền sư Tế Ấn Huệ Chiếu thuộc đời Lâm Tế thứ 36. Sư sinh năm Mậu Tuất, mất ngày 19 tháng giêng năm Mậu Thân. Và một long vị của thiền sư Chơn Chí Vạn Thoại thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 40, sinh năm Bính Thân, mất năm Canh Dần. Trong vườn chùa còn hai ngôi tháp, khá nhiều bảo châu và các cổ mộ. Như thế, cho biết chùa ra đời khoảng thời chúa Nguyễn.
[2] Chùa Từ Quang: trên núi Đá Trắng (Bạch Thạch sơn) thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa do thiền sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm khai sơn năm Đinh Tỵ (1797). Chùa là tổ đình của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên, hiện đã trải qua 11 đời trụ trì.
[3] Chùa Chúc Thánh: tọa lạc phường Tân An, thành phố Hội An. Chùa do thiền sư Minh Hải Pháp Bảo khai sơn vào thời các chúa Nguyễn. Chùa là gốc tích của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, trải qua 12 đời trụ trì.
[4] Chùa Kim Quang, Viên Thông: Hai chùa thuộc thành phố Huế.
[5] Chùa Bảo Sơn: tọa lạc thôn Phong Thăng, xã An Định, huyện Tuy An, Phú Yên. Chùa do tổ Liễu Căn đời 37 phái Lâm Tế khai sơn vào năm Gia Long thứ 2 (1803). Chùa là một tổ đình lớn của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên.
[6] Bộ Châu: gọi cho đủ là Nam Thiện bộ châu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét