VỀ TẤM BIA NGŨ UẨN SƠN CỔ TÍCH PHẬT TỊCH DIỆT LẠC
Đồng Dưỡng
Trong các văn bia cổ tại Ngũ Hành Sơn, chúng ta được biết tới mấy văn bia có giá trị như Thái Bình tự thạch bi, Phổ Đà sơn linh trung Phật, Ngũ uẩn sơn cổ tích phật tịch lạc bi. Cả ba văn bia đều được ông ALBERT SALLET dịch ra Pháp văn đưa vào trong tác phẩm Les montagnes de marbre (Ngũ Hành Sơn). Vị học giả này cũng chỉ mới giới thiệu sơ qua, chưa có nghiên cứu công phu. Lần theo lời giới thiệu, chúng tôi viếng thăm Ngũ Hành sơn và phát hiện chỉ còn hai văn bia ma nhai được tạc trên hai động Hoa Nghiêm và Vân Phong. Tại động Hoa Nghiêm có văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật còn khá đẹp. Động Vân Phong thì bảo tồn tấm văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc.
Bản dập văn bia tại động Vân Phong, Ngũ Hành Sơn.
Nếu đi vào động Vân Phong, chúng ta sẽ thấy một tấm bia nằm về mé phải, được tạc ngay trên đá mà các nhà nghiên cứu gọi là bia ma nhai. Quan sát bia, chúng tôi thấy có một số dị biệt trong việc trang trí họa tiết. Điều dễ thấy là trên đầu bia được trang trí hình mái chùa. Trên đỉnh mái có hình uốn móc cũng như phía dưới. Mái chùa không dùng ngói âm dương để lợp mà trang trí theo mái ngói các chùa thuộc đồng bằng bắc bộ. Phía dưới được trang trí hình khung, có 9 khung, mỗi khung được khắc một đại tự và đây chính là đề tên trong văn bia. Dây leo chạy hai bên. Phía đế bia cũng kẻ khung, có tám khung, mỗi khung trang trí một hoa thị. Văn bia có một số bị vỡ tạo nên các lỗ thủng nhỏ. Lòng bia có 14 dòng, dòng có số chữ nhiều nhất là 20 chữ, chữ khắc chân phương, hơn to. Do không được bảo quản tốt, một số du khách thiếu văn hóa đã khắc một số hàng chữ Việt vào bia. Khi đối chiếu với văn bia Phổ đà sơn linh trung Phật, chúng ta nhận thấy hai văn bia có một số họa tiết giống nhau như cùng có dây leo chạy xung quanh, đế bia được kết cấu khung, trang trí hình hoa thị. Cả hai văn bia đều do thiền sư Huệ Đạo Minh lập và chính ngài đã soạn văn bia. Bia Phổ đà sơn linh trung Phật được lập năm Canh Thìn tức năm 1640. Thế thì, năm Tân Mùi phải là năm 1631 mà thiền sư cho lập tại Động Vân Phong. Bia có niên đại khá lớn đối với các văn bia phát hiện thuộc Đàng Trong xưa.
Đoạn đầu bia cho biết quê hương của thiền sư như: “大越國廣南處醴陽縣瑜川社比丘惠道明重修開創住持 Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Thăng Hoa phủ, Lễ Dương huyện, Du Xuyên xã tỳ kheo Huệ Đạo Minh trùng tu, khai sáng, trụ trì”. Như thế, thiền sư Huệ Đạo Minh người xã Du Xuyên huyện Lễ Dương đã từng trùng tu, khai sáng và trụ trì. Trong khi đó, Bia Phổ Đà sơn linh trung phật ghi: “Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Tĩnh Gia phủ, Ngọc Sơn huyện, Du Xuyên xã, Phạm Văn Nhân tự Huệ Đạo Minh thiền sư”. Bia Phổ đà sơn có một số chi tiết khá rút gọn về quê quán thiền sư, nhất là ghi từ xứ Quảng nam rồi đến huyện Ngọc Sơn. Điều tra lại sách địa dư tỉnh Quảng Nam không có huyện nào là huyện Ngọc Sơn, chỉ có xuất hiện ở trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa sau này).
Bản dịch trong Cơ sở ngữ văn hán nôm có một cách hiểu hợp lý như sau: “Phạm văn Nhân tự Huệ Đạo Minh thiền sư người xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia [hiện trú tại] xứ Quảng Nam , nước Đại Việt”. Có thể các tác giả này có đối chiếu tên làng xã, địa danh mới dám chú thích thêm mấy chữ được bỏ trong dấu [] và dịch giả đã hiểu rằng sư Huệ Đạo Minh có nguyên quán tại Thanh Hoa và trú quán tại Quảng Nam . Nếu như chúng ta tham khảo văn bia Ngũ Uẩn sơn thì sẽ khá rõ ràng. Vì nguyên quán và trú quán đều có cùng tên là xã Du Xuyên, nhưng huyện thì khác nhau. Nguyên quán thuộc huyện Ngọc Sơn còn trú quán thuộc huyễn Lễ Dương (Quảng Nam ) nên trong bia Phổ Đà sơn, sư có cách viết tắt hơn khó hiểu. Do đó, văn bia Ngũ Uẫn sơn sẽ bổ túc cứ liệu cho văn bia Phổ đà sơn. Hiện vẫn chưa xác định xã Du Xuyên thuộc huyện nào tại tỉnh Quảng Nam , có thể tên làng xã này đã bị thay đổi mà chúng ta chưa có tư liệu nghiên cứu.
Bia viết tiếp: “焚香祝聖回向三寳有永流傳之萬代。普願父母法界多生. Phần hương chúc thánh, hồi hướng Tam Bảo hữu vĩnh lưu truyền chi vạn đại. Phổ nguyện phụ mẫu pháp giới đa sinh. Nghĩa là đốt hương cầu chúc quốc vương, hồi hướng tam bảo để mãi lưu truyền muôn đời. Phổ nguyện đa sinh phụ mẫu trong pháp giới…Đoạn này thường thấy xuất hiện trong các văn bia nhằm báo đến tứ ân mà người xuất gia hay nói đến.
Đoạn tiếp theo, thiền sư cho cung lục bài văn phát nguyện của thiền sư Từ Vân Tôn Thức, Trung Quốc. Văn bia khắc nguyên bài văn như sau: “一心歸命極樂世界阿彌陀佛,願以淨光照我,慈誓攝我;我今正念,稱如來名,為菩提道求生淨土.佛昔本誓:若有眾生欲生我國,志心信樂,乃至十念,若不生者,不取正覺;以此念佛因緣,得入如來大誓海中,承佛慈力,眾罪消滅,善根增長. 若臨命終,自知時至,身無病苦,心不貪戀,意不顛倒,如入禪定;
佛及聖眾手執金臺,來接引我,於一念頃,生極樂國;花開見佛,即聞佛乘,頓開佛慧,廣度眾生,滿菩提願。
Phiên âm: Nhất tâm qui mạng cực lạc thế giới A Di Đà phật. Nguyện dĩ tịnh quang chiếu ngã, từ thệ nhiếp ngã, ngã kim chánh niệm, xưng Như lai danh, vị bồ đề đạo, cầu sinh tịnh độ. Phật tích bản thệ, nhược hữu chúng sinh dục sinh ngã quốc, chí tâm tín nhạo, nãi chí thập niệm, nhược bất sinh giả, bất thủ chánh giác, dĩ thử niệm phật nhân duyên, đắc nhập như lai, đại thệ hải trung, thừa phật từ lực, chúng tội tiêu diệt, thiện căn tăng trưởng. Nhược lâm dục mạng chung, dự tri thời chí, thân vô bệnh khổ, tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo, như nhập thiền định, Phật cập thánh chúng, thủ chấp kim đài, lai nghinh tiếp ngã, ư nhất niệm khoảng, sinh cực lạc quốc, hoa khai kiến phật, tức văn phật thừa, đốn khai phật tuệ, quảng độ chúng sinh, mãn bồ đề nguyện, quảng độ chúng sinh, mãn bồ đề nguyện”.
Bài văn phát nguyện đã được thiền sư Huệ Lưu[1] diễn nghĩa theo thể thơ lục bát. Bài diễn nghĩa được đưa vào trong tập Chư sám quốc âm yếu lược do thiền sư Từ Huệ[2] chùa Long Huê đứng in vào năm Bính Ngọ (1906). Bài sám Phát Nguyện này nằm từ tờ 4a8 đến tờ 5b3. Sau đây là phần phiên nôm của chúng tôi:
TỪ VÂN SÁM CHỦ PHÁT NGUYỆN VĂN
Từ Vân phước đức lớn thay
làm văn phát nguyện truyền nay sâu dày
một lòng mỏi mệt không nài
cầu về cực lạc ngồi đài liên hoa
cha lành vốn thiệt Di Đà
soi hào quang tịnh chói lòa thân con
thẩm sâu ơn Phật hằng còn
tôi nay chánh niệm lòng son một bề
nguyện làm nên đạo Bồ đề
chuyên lòng niệm Phật cầu về tây phương
Phật xưa lời thệ tỏ tường
bốn mươi tám nguyện dẫn đường chúng sanh
thệ rằng ai phát lòng lành
nước ta bảo vật để dành các ngươi
thiện nam tín nữ mỗi người
chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra
ta không rước rở nước ta
thệ không làm Phật chắc đà không sai
bởi vì tin tưởng Như Lai
có duyên tưởng Phật sống dai không cùng
lời thệ biển rộng mênh mông
nhờ nương đức Phật thoát vòng trần lao
tội mòn như đá mài dao
phước lành thêm lớn càng cao càng dài
cầu cho tôi chết biết ngày
biết giờ biết khắc biết rày tánh linh
cầu tôi bịnh khổ khỏi mình
lòng không triều mến chuyện tình thế gian
cầu tôi thần thức nhẹ nhành
In như thiền định họ Bàng thuở xưa
đài vàng tay Phật bưng chờ
các ông Bồ Tát bây giờ đứng trông
đưa tôi thiệt đã nên đông
nội trong giây phút thảy đồng về tây
xem trong cõi Phật tốt thay
hoa sen đua nở tánh nay sạch trần
hội này thấy Phật chân thân
đặng nghe phép nhiệm tâm thần sáng trưng
quyết tu độ chúng phàm dân
đủ lời thệ nguyện Phật ân rộng dày
Phật thệ chắc thiệt không sai
cầu về tịnh độ ai ai tin lòng
Từ Vân lời sám nhiệm dòng
Huệ Lưu diễn sáng học đồng với nhau.
Thông qua nội dung bài văn Phát nguyện, chúng ta biết được tư tưởng tịnh độ đã được truyền bá sâu rộng tại vùng đất xứ Quảng, để thiền sư Huệ Đạo Minh tuyển vào văn bia.
Đoạn cuối ghi lài người công đức làm tượng Phật và niên đại văn bia. Bia ghi: “Phụng hành Phật bảo. Cẩm Phô xã tín cúng Trần Thị Thay hiệu Diệu Lễ cúng tam thập quán tác Phật tượng”. nghĩa là phụng hành Phật Bảo. Bà Trần Thị Thay hiệu Diệu Lễ người xã Cẩm Phô cúng 30 quán để làm tượng Phật. Hàng ghi niên đại: “Tuế thứ Tân Mùi niên thập nguyệt lương nhật thời trùng tu” nghĩa là trùng tu ngày lành tháng 10 năm Tân Mùi. Năm Tân Mùi như chúng tôi đề xuất là năm 1631.
Qua bài văn bia, chúng ta đã từng bước xác định được nguyên quán và trú quán của thiền sư Huệ Đạo Minh. Thứ hai, văn bia cung lục một bài sám nguyện mang tư tưởng tịnh độ do thiền sư Từ Vân soạn, giúp ích cho công tác nghiên cứu các văn bản Trung Quốc có ảnh hưởng đến sinh hoạt trong các khóa tụng tại Đại việt lúc đó và nhận ra tại Quảng Nam nhiều thiền sư đã ý thức giá trị của pháp môn tịnh độ, pháp môn của quần chúng nhân dân. Cuối văn bia cho biết một tín chủ người Cẩm Phô đã cúng tiền để lo công tác làm tượng Phật. Đây là một cứ liệu sớm có ghi lại tên làng Cẩm Phô giúp cho công tác nghiên cứu địa danh học lịch sử tại Hội An.
[1] Thiền sư Huệ Lưu - Đạt Lý: Sư sinh ngày mùng 1 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1857) tại làng Nhựt Tảo, tỉnh Định Tường (nay là xã Nhựt Tảo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình nông dân tín mộ đạo Phật. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia thọ giáo tại chùa Giác Viên, tỉnh Gia Định và thủ lễ với Thiền sư Liễu Khiêm - Hoằng Ân (hoặc Minh Khiêm), đưực ban pháp danh là Đạt Lý - pháp hiệu Huệ Lưu. Năm Kỷ Sửu (1889), sau khi Thiền sư Liễu Xuân - Minh Chí trụ trì chùa Huê Nghiêm viên tịch, ngài được cử về kế thế trụ trì, khi ấy ngài được 32 tuổi. Sau khi tiếp nhận cương vị trụ trì chùa Huê Nghiêm, ngài đã trùng kiến ngôi Tổ đình Huê Nghiêm của Tổ sư Thiệt Thoại - Tánh Tường thêm phần trang nghiêm xán lạn. Trong thời gian này, ngài cũng góp phần sao lục và khắc bản cuốn "Trường hàng luật nghi”, cũng gọi là "Trưởng hạnh Luật nghi”, được Thiền sư Hoằng Ân chú giải, in năm Giáp Ngọ (1894). Noi theo bước chân hoằng hóa của Tôn sư Liễu Khiêm - Hoằng Ân, năm 1895, Thiền sư Huệ Lưu phát nguyện 3 năm vân du hoằng hóa Phật pháp tại miền Lục tỉnh Nam Bộ (vùng đất Thất Sơn, Châu Đốc, An Giang là nơi ngài thường lui tới). Đến năm Đinh Dậu (1897), ngài trở lại chùa Huê Nghiêm. Cuối năm Đinh Dậu (1897), ngài phát nguyện nhập thất tu thiền. Đến giờ Tý, ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1898), ngài phát nguyện thiêu thân cúng dường Phật Tổ. Đồ chúng thâu nhặt xá lợi, xây bảo tháp thờ ngài tại khuôn viên chùa Huê Nghiêm.
[2] Theo long vị thờ tại chùa Long Huê cho biết đại sư Từ Huệ húy Không Hạc đời Lâm Tế thứ 41, trụ trì hai chùa Long Quang, Long Huê. Sư sinh giờ Ngọ ngày 15 tháng giêng năm Canh Ngọ (1870), tịch giờ Mùi ngày 2 tháng 4 năm Bính Thìn (1916).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét