VỀ VĂN BẢN LÝ SỰ DUNG THÔNG
Đồng Dưỡng
Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) là một tác gia văn học Phật Giáo thời Hậu Lê. Ngữ lục cho biết sư biên soạn, biên dịch được 20 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm này đều viết theo hai thể chữ hán và Nôm, vừa dịch giải vừa biên soạn. Trong số sách dịch giải, hiện nay chỉ tìm lại được các bản như Diệu Pháp Liên Hoa kinh thích giải, Kim Cương kinh lý mục, Giải Tâm kinh ngũ chỉ, Giải Tâm kinh Đại Điên, Giải Di Đà kinh, Giải Pháp Bảo đàn kinh. Còn phần soạn thuật chỉ mới phát hiện được bản Lý sự dung thông. Xem ra lượng tác phẩm còn lại cũng khá nhiều, đủ giúp ích công tác nghiên cứu văn học và ngôn ngữ dân tộc, nhất là công việc nghiên cứu dịch thuật từ chữ Hán sang chữ Nôm và nền văn xuôi thế kỷ XVIII.
Lý sự dung thông là một tác phẩm do Thiền sư Minh Châu Hương Hải soạn theo lối thơ nôm, thể song thất lục bát, gồm 162 câu. Tuy ngắn gọn nhưng nó có một giá trị nhất định như quan niệm hòa đồng tam giáo, quan niệm về lối sống của Phật tử Việt Nam mà học giả Lê Mạnh Thát đã bàn: “Một lối sống trượng phu trung hiếu” và “một thời kỳ mà cuộc sống đạo và đời hòa quyện chặt vào nhau, đúng như yêu cầu Cư trần lạc đạo mà Trần Nhân Tông đã đề ra”[i]. Người Phật tử phải hiểu đạo, thông suốt cả sự và lý để nắm bắt và uyển chuyển trong cuộc sống.
Văn bản được công bố đầu tiên trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải (viết tắt TTMCHH) bởi tác giả Lê Mạnh Thát. Theo như tác giả Lê Mạnh Thát cho biết, văn bản Lý sự dung thông nó nằm trong bộ Việt Nam Phật điển trùng san, quyển thứ tư do Hội Phật Giáo Bắc Kỳ đứng in năm 1943. Bản này in lại từ một bộ ván khác mà chúng tôi sẽ nói dưới đây.
Khi mở rộng và tham chiếu các tư liệu Hán Nôm Phật Giáo, chúng tôi còn thấy một bản in Nhất thời lễ tụng nhật dụng hành trì tập yếu chư nghi (tên thông thường được chư sơn Bắc hà gọi là bộ Nhật Tụng chùa Yên Ninh). Sách này bao gồm hai phần, phần thứ nhất đề Lễ tụng hành trì tập yếu và phần thứ hai gồm Hành trì tập yếu chư nghi. Có lúc văn bản được tách ra làm đôi, tức chia ra theo hai phần rõ ràng. Chúng tôi hiện sở hữu một bản gọp chung cả hai phần. Phần thứ hai Hành trì tập yếu chư nghi bao gồm nhiều phần nhỏ, trong đó, người biên soạn đã cung lục một số tác phẩm của các tổ sư đời Hậu Lê viết bằng chữ Nôm như Ngũ Giới quốc âm và Thập Giới quốc âm của Như Trừng Lân Giác (1696-1728), Uy nghi quốc ngữ của hòa thượng Như Thị, Ni luật quốc âm của thiền sư Tính Quảng (1694-1768), và Sự lý dung thông. Bộ Nhật tụng chùa Yên Ninh sau được Hội Phật Giáo Bắc Kỳ đưa vào Việt Nam Phật Điển Tùng san, quyển thứ tư mà học giả Lê Mạnh Thát đã từng nói đến trong TTMCHH. Trong phần Tình trạng văn bản, tác giả TTMCHH đã nói rõ về văn bản và ông cho biết: “Vì hiện tại, chúng tôi sở hữu một văn bản duy nhất, nên không biết văn bản này còn có những dị bản nào nữa không”[ii]. Như thế, tác giả này chỉ sở hữu có một bản duy nhất nên không thể mở ra công việc đối chiếu để tìm một văn bản gần với nguyên tác được.
Tờ đầu bản AB.177
Trong quá trình đọc tư liệu Hán Nôm Phật Giáo, chúng tôi còn thấy bản Sự lý dung thông được khắc in hiện được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Tại thư viện có ba bản đề Lý sự dung thông, nằm trong các kí hiệu AB 177, AB 322, AB 374. Hầu hết đều được đóng chung với các văn bản khác. Bản AB 177 được đóng với các văn bản nôm Phật Giáo như Phật thuyết Nhân quả bản hạnh, Tây phương tịnh độ ca, Ni bát kính pháp phương ngôn, Đạt Na thái tử hạnh, Giới thần bản hạnh. Các bản in có niên đại từ Cảnh Thịnh cho đến Minh Mệnh. Bản AB 322, AB 374 đóng chung với hai sách khác là Đạt Na thái tử hạnh và Hồng Mông tạo hóa chư duyên bản hạnh (gọi tắt là Hồng mông hạnh). Hai sách trên được sư Giác Lâm chùa Hồng Phúc (tức chùa Hòe Nhai) khắc in vào năm Minh Mệnh, riêng bản Đạt Na thái tử hạnh được khắc ván năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Bản AB 322 và bản AB 374 giống nhau từ văn bản cho đến cách sắp xếp các tác phẩm được đóng lại với nhau. Chúng tôi cho đối chiếu Lý sự dung thông trong ba tập văn bản này thì thấy rằng chúng có cùng một ván in. Lí do thứ nhất là nó có tên là Lý sự dung thông mà bản của học giả Lê Mạnh Thát ghi là Sự Lý dung thông. Lí do thứ hai, nó bố cục trang trí giống nhau như gồm có 4 tờ, mỗi tờ hai trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 17 chữ, nét chữ không đẹp nhưng rõ. Lí do thứ ba là văn bản không có chữ húy, cuối sách đề chữ “Tất” tức hết một văn bản. Các bản cũng không ghi lại niên đại và lai lịch khắc in, lại nữa, chúng được đóng chung với hai văn bản là Đạt Na thái tử hạnh và Hồng Mông hạnh. Riêng bản A 177 chỉ thấy Đạt Na thái tử hạnh đóng trước mà không thấy Hồng mông hạnh. Có người nhận thấy sách được đóng chung với hai văn bản khác có ghi rõ do Giác Lâm, chùa Hồng Phúc đứng in vào năm Minh Mệnh nên cũng cho Lý sự dung thông cũng được in trong khoảng đó. Như thế, qua việc phát hiện mấy bản Lý sự dung thông còn lại, chúng ta vẫn chưa biết tông tích của bản in đợt đầu tiên. Hầu như các bản đều không đưa lại thông tin về bản nền mà nó sử dụng để khắc in. Một công việc cần tiến hành là xem trong các bản trên, bản nào gần với nguyên bản nhất để từ đó mới khảo sát, công bố tư liệu cho thật chính xác nhằm cung cấp một tư liệu văn học Phật Giáo giai đoạn Hậu Lê.
Khi có trong tay các bản Lý sự dung thông, chúng tôi tiến hành đối chiếu so sánh với nhau. Trước hết, về ba văn bản của viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi chọn bản AB 177 để đối chiếu với bản Nhật tụng chùa Yên Ninh, còn bản in trong Việt nam Phật Điển tùng san dùng để tham khảo. Đây là hai văn bản chính có giá trị dùng làm cứ liệu nghiên cứu.
Tờ cuối bản AB.177
Cái khác nhau đầu tiên mà chúng ta bắt gặp là cái tên tác phẩm. Bản AB 177 thì đề Lý sự dung thông còn bản chùa Yên Ninh đề là Sự lý dung thông. Tác giả Lê Mạnh Thát gọi tên là Sự Lý dung thông như văn bản mà ông sử dụng. Ông viết: “Căn cứ vào Hương Hải thiền sư ngữ lục, ta thấy có ghi Soạn Sự lý dung thông, 1 quyển, trong số 20 tác phẩm của Minh Châu Hương Hải”[iii]. Chúng tôi đọc lại nguyên tác Hương Hải thiền sư ngữ lục thấy ghi: “Nhất soạn Lý sự dung thông quyển”[iv]. Như thế, theo Ngữ lục thì tên tác phẩm phải là Lý sự dung thông như bản AB 177 đã ghi. Có thể, khi soạn Nhật Tụng chùa Yên Ninh, sư Viên Giác đã đảo hai chữ đầu theo quan niệm riêng của mình. Do đó, chúng tôi thống nhất cách đọc là Lý sự dung thông.
Lí do thứ hai là so sánh niên đại hai bản in. Do bản Lý sự dung thông trong AB 177 không ghi lại năm khắc in và không cho biết bản nền để khắc nên chúng ta không có một chứng cứ nào. Một điều có thể xảy ra là trong tập này gồm nhiều văn bản đều được khắc in khá xưa, niên đại lớn nhất là niên hiệu Cảnh Thịnh đến niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838). Do đó, bản này có thể nằm trong cột mốc trên. Xét các bản AB 322, AB 374 có đóng chung với Đạt Na thái tử hạnh, Hồng mông hạnh do sư Giác Lâm chùa Hồng Phúc khắc in năm Minh Mệnh giúp ta có thêm chứng cứ đoán định niên đại của bản in có thể là trong khoảng niên hiệu Minh Mệnh. Như thế bản này in trước bản Nhật Tụng chùa Yên Ninh khá lâu.
Lí do thứ ba là chúng tôi tiến hành so sánh cấu trúc chữ nôm trong hai bản. Đây chính là chứng cứ nội tại giúp ta hiểu sâu về hai bản in này. Theo học giả Đào Duy Anh thì thông thường tỷ lệ chữ giả tá nhiều hơn tỉ lệ chữ hình thanh thì bản có số chữ giả tá sẽ có niên đại lớn hơn. Kết luận này khá chính xác về nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm ở ta. Qua đối chiếu, chúng tôi nhận thấy hai bản có sự dị biệt về tự dạng, sơ bộ khảo sát thấy có 74 chữ khác nhau. Ví dụ như sau, chữ Tỏ, bản AB 177 mượn chữ tố 訴,bản Nhật tụng thêm bộ hỏa 火vào. Tức bản AB 177 theo lối giả tá, còn bản Nhật tụng theo lối hình thành, sáng tạo chữ mới. Chữ No, bản AB 177 mượn Nô奴, bản Nhật tụng thêm bộ thực食. Chữ Sao mượn chữ Lao牢 còn bản kia thêm chữ hà何 vào. Chữ đêm, bản AB 177 mượn điếm店, còn bản Nhật tụng thêm bộ nhật 日vào chữ điếm店. Chữ Há, bản AB 177 lấy chữ Ha 呵, còn bản Nhật tụng thì thêm chữ khởi豈 vào với chữ Ha. Chữ Bóng, bản AB 177 dùng chữ 俸 bổng để đọc, bản Nhật tụng viết theo lối hình thanh một bên bộ Nguyệt với chữ bổng nhưng bỏ bộ nhân. Trường hợp này khá nhiều, chúng tôi đơn cử một vài chữ để ví dụ minh chứng.
Một số chữ cùng âm nhưng bản AB 177 có tính cổ xưa hơn như chữ Một trong bản AB 177 viết 蔑 tức mượn miệt đọc thành một, còn bản Nhật tụng viết 沒. Chữ Ra, bản AB 177 cấu tạo gồm bộ khẩu口 với chữ la羅, còn bản Nhật tụng thì phía trên chữ la dạng viết tắt, dưới thêm chữ xuất出. Cùng đọc là Chữ nhưng bản AB 117 mượn Tự字, còn bản Nhật tụng viết theo lối nhà Nguyễn sau này.
Có một kiểu đọc tuy cùng một âm đọc nhưng hai bản sử dụng hai chữ khác nhau như chữ Thật, bản AB 177 dùng實, bản Nhật tụng dùng 寔, có thể bản Nhật tụng ghi theo kiểu viết húy đời Nguyễn. chữ Hoa, bản AB ghi 花, bản Nhật tụng ghi 華.Chữ vóc, bản AB 177 ghi bốc theo kiểu chữ 仆, còn bản Nhật tụng ghi 僕.
Qua khảo sát cấu trúc chữ nôm trong hai văn bản, chúng tôi nhận thấy bản Lý sự dung thông trong AB 177 có tính cổ xưa hơn bản Nhật Tụng chùa Yên Ninh. Có thể khi biên soạn sách, sư Viên Giác đã “dọn” chữ nôm đời Lê cho hợp với lối đọc thời Nguyễn. Do đó, bản AB 177 gần nguyên bản hơn và bản này dùng để nghiên cứu khi chưa tìm ra bản in đợt đầu. Còn bản Nhật tụng chùa Yên Ninh dùng trong việc khảo dị, đối chiếu các bản với nhau.
Nhân đây, xin nói thêm về Luật sư Viên Giác, người biên soạn bộ Nhật Tụng chùa Yên Ninh mà tác giả TTMCHH đưa ra chưa thật chính xác. Theo văn bia được đặt trong tháp Viên Giác ở chùa Bổ Bắc Giang và chùa Yên Ninh Hải Dương cho biết: “Nam mô Viên Giác tháp ma ha sa môn Thanh Lịch tự Phổ Tiến hiệu Tuệ Phụng Thích Vĩnh Vĩnh luật sư hóa thân bồ tát thiền tòa hạ, bản mệnh Ất Dậu niên thất nguyệt nhị thập thất nhật tý thời đản sinh; thích ư Ất Dậu niên cửu nguyệt thập tứ nhật Hợi thời viên tịch”[v]. Thiền sư Thanh Lịch tự Phổ Tiến, hiệu là Tuệ Phụng Thích Vĩnh Vĩnh. Sinh thời trong các bản khắc in sư có đề hiệu là Luật sư Viên Giác. Sau khi sư viên tịch, đệ tử lập tháp lấy hiệu Viên Giác đặt tên cho ngôi tháp. Sư sinh giờ Tý ngày 27 tháng 7 năm Ất Dậu (, viên tịch giờ Hợi ngày 14 tháng 9 năm Ất Dậu, vừa tròn một hoa giáp tức 60 tuổi. Có thể sư soạn xong sách vào năm Tự Đức thứ 16 (1863) mà bài ký bạt có ghi lại, nhưng bản này chưa kịp khắc in thì sư viên tịch nên được các học trò đứng ra khắc ván vào năm Thành Thái thứ 14 tại chùa Yên Ninh. Sư còn soạn hai bộ Giới đàn tăng, Giới đàn ni dùng làm tư liệu cho công tác truyền giới và hai bản này rất thông dụng ở nước ta. Sư kiêm trụ trì hai chùa là chùa Tứ Ân trên núi Bổ Đà (còn gọi là chùa Bổ) ở Việt Yên, Bắc Giang và chùa Vĩnh Khánh (còn gọi là chùa Yên Ninh, chùa Trăm Gian) Nam Sách, Hải Dương. Sư chính là người gầy dựng, mở rộng sự truyền thừa xuống vùng Hải Dương, Hải Phòng. Nhiều chùa hiện nay thuộc về Sơn môn Bổ Đà. Bổ Đà là một chốn tổ có một vai trò không nhỏ, chùa là nơi kết hạ an cư của các sư thuộc về dòng phái, cũng là nơi khắc nhiều bộ ván có giá trị, làm tư liệu tu học cho các thế hệ sau này. Khi ngài Viên Giác về trụ trì Yên Ninh thì nơi đây trở thành một chi phái của sơn môn Bổ Đà tại Hải Dương. Ở Bổ Đà còn ván các bộ như Yết Ma hội bản, Lăng Nghiêm chính mạch, Qui nguyên trực chỉ, Tây phương công cứ, Giới đàn ni. Còn chốn tổ Yên Ninh thì có các bộ như Nhật Tụng, Giới Đàn tăng, Khóa hư lục, Dược sư đề cương, Viên Giác kinh cận thích…
Tóm lại, qua việc khảo sát đối chiếu các bản Lý sự dung thông với nhau, chúng ta tìm được một bản có giá trị dùng để nghiên cứu. Bản đó nằm trong một tập văn bản chữ Nôm Phật Giáo, kí hiệu AB 177 được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Bản này tuy không ghi lại lai lịch và niên đại khắc ván nhưng chúng ta có thể biết được nó phải được khắc vào giai đoạn Nguyễn Sơ, có thể chính xác nhất là đời vua Minh Mệnh. Niên đại đưa ra không phải là một ước đoán mà nó có lí do xuất xứ cùng sự tập hợp các văn bản nôm cổ xưa nên chúng ta có thể đề xuất như thế. Bản này giữ nhiều cấu trúc chữ Nôm thế kỷ XVIII, có thể nó được in nguyên lại từ một bản đời cuối Lê. Còn văn bản trong bộ Nhật Tụng chùa Yên Ninh thì được sư Viên Giác sửa lại nhiều chữ hay “dọn” lại để thích hợp trong cách đọc thời bấy giờ. Bản này dùng để hiệu kiểm và khảo dị bản trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét