PHÁT HIỆN SÁCH THÁNH ĐĂNG NGỮ LỤC IN TẠI NINH BÌNH
Đồng Dưỡng
Thánh đăng ngữ lục là một tập sách thuật lại hành trạng tu tập của năm vị vua đời Trần, trong đó, lịch sử của vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông được ghi chép đầy đủ. Sách có nhiều giá trị về tư liệu sử học, văn học, nhất là sách ghi chép nhiều thơ văn của các vua Trần có độ chính xác cao giúp cho công việc bổ sung và đính chính một số nhầm lẫn của các tập Việt âm thi tập, Toàn việt thi lục…. Vì những lí do đó mà tập sách đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Thánh Đăng ngữ lục hiện nay còn hai bản được lưu trữ tại viện nghiên cứu Hán Nôm[1]. Một bản in do sư Tính Quảng viết tựa năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), sư Tính Lãng đứng ra lo công việc khắc ván[2]. Bản này đầu đề khá dài Việt quốc Yên Tử sơn Trúc Lâm chư tổ Thánh đăng ngữ lục kí hiệu A. 2569[3]. Qua bài tựa, chúng ta biết sách này đã từng in vào thời Mạc, sau đó đến năm Vĩnh Thịnh Ất Dậu (1705), sư Chân Nguyên in lại. Trong bài viết Đi tìm bài tựa, bạt của thiền sư Chân Nguyên[4], chúng tôi đã chứng minh trong lần in năm 1750 vẫn còn giữ bài hậu bạt của sư Chân Nguyên viết mà không có một dòng nào nói về tác giả và năm soạn. Một bản in khác được in vào năm Tự Đức thứ nhất (1848) mang kí hiệu AC. 604, Chùa Thuần Mỹ tàng bản. Bản này có in thêm vào trước ba bản kinh văn Phật Giáo. Bài tựa đề Trùng san Thánh Đăng lục tịnh tuyển Phật đồ tự do sư Chân Nghiêm ở chùa Sùng Quang viết. Bài tựa trên được viết vào thời Mạc nhưng không ghi lại năm cùng niên hiệu.
Trong quá trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm Phật Giáo, chúng tôi được thầy Giác Thành[5] tặng cuốn Thánh Đăng ngữ lục nội dung chép truyện năm vua đời Trần giống với hai bản trên nhưng có sự thêm vào sách nhiều nội dung khác. Bản này in vào thời cuối Nguyễn tại Ninh Bình mà chưa ai nói đến. Do đó, chúng tôi sẽ tiến hành mô tả văn bản cùng khảo sát một số vấn đề có liên quan đến bản in.
1. Trình trạng văn bản
Sách có tất cả 67 tờ, phần nội dung chiếm 64 tờ chia làm hai quyển thượng hạ, có một tờ đầu và hơn 2 tờ sau cùng ghi công đức. Mỗi tờ chia làm hai mặt tương đương với hai trang, mỗi trang 10 dòng, kẻ theo chiều dọc, mỗi dòng trung bình 20 chữ, khắc đẹp rõ ràng, sách còn nguyên vẹn. Trên gáy sách chia làm ba phần, phần trên ghi Thánh đăng ngữ lục, phần giữa gáy ghi số tờ, phần cuối cũng ghi số nhưng không hiểu thứ tự thế nào. Như tờ đầu quyển thượng, phần cuối ghi Tam bách lục thập tam tức 363, số thứ tự lùi dần chứ không tăng tiến như số tờ.
Mở đầu sách được trang trí giống tờ bìa, đề ba chữ lớn Bàn Long động 蟠龍峒 xung quanh đóng khung, phía trên đề Đại Nam Hoàng Đế Bảo Đại, bên trái có lạc khoản Bính Dần mạnh xuân chi cát hựu trùng san khắc Thánh đăng ngữ lục nghĩa là ngày lành giữa xuân năm Bính Dần (1926) in lại sách Thánh đăng ngữ lục, bên phải đề Ninh Bình tỉnh Gia Khánh huyện Vũ Lâm tổng Khê Đầu xã bản lưu nghĩa là bản lưu tại xã Khê Đầu tổng Vũ Lâm huyện Gia Khánh tỉnh Ninh Bình. Thôn Khê Đầu nay thuộc xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Như thế tờ đầu cung cấp năm trùng san cùng nơi tàng ván, nhiều lúc tưởng tên sách là Bàn Long động vì ba chữ in rất lớn nên dễ nhầm.
Mặt sau ghi danh sách các thiền sư gồm có mười hàng. Tờ sau có đề Chư quốc lịch đại thánh tổ ngữ lục thượng quyển trùng san tân tự dẫn tức bài tự dẫn được viết nhân việc in lại sách. Tờ này chính là tờ đầu quyển thượng, chứ không phân biệt và đánh số tờ riêng cho bài tựa. Bài tự dẫn không ghi lại niên hiệu, năm viết cùng người soạn. Đọc mấy trang đầu, chúng tôi nhận thấy bài tự dẫn này có thể chiếm nguyên một tờ. Nó đến câu: “Thị cố phổ khuyến thiện hữu hưng công san bản, vĩnh bảo lưu thông. Kỳ tăng Phật nhật, dĩ quang tổ ấn. Nguyện dĩ thử thiện căn, hồi hướng tứ ân tam hữu đồng trượng vãng sinh liên hoa cửu phẩm vân nhĩ” thì dứt bài tự dẫn. Quyển thượng bao gồm 32 tờ, cuối tờ 32 ghi “Thánh đăng ngữ lục quyển thượng chung” tức hết quyển thượng.
Sau quyển thượng là đến quyển hạ, số tờ được đánh thứ tự lại từ đầu. Tờ 1a dòng thứ nhất ghi “Thánh đăng ngữ lục quyển hạ” tức quyển hạ sách Thánh đăng ngữ lục. Quyển này cũng có 32 tờ như quyển thượng. Tờ 32a4 ghi “Thánh đăng ngữ lục quyển hạ chung” tức hết quyển hạ. Dòng thứ 5 cùng mặt a ghi lại niên đại cùng một bài thơ do sư Thông Đạt viết. Tờ 32b đến tờ 34 là danh sách công đức của chư tăng cùng thập phương tín thí ủng hộ tài chính trong công việc khắc in.
Trong bài tự dẫn có đoạn ghi thông tin về người đứng in, viết tựa và duyên khởi khi có bản Thánh đăng ngữ lục. Bài tựa dẫn viết: “Nay đệ tử Trần Kim Liên tự Thông Đạt chùa Khánh Long, xã Phù Dực, tổng Trịnh Xá, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An kiêm chủ động Bàn Long tại tỉnh Ninh Bình. Ngày trước, sư vân du tến chùa Yên Vệ được tự chủ nghênh tiếp, cùng bàn đạo vị, rồi đưa cho một cuốn kinh, lấy ra đem xem thấy tên đề là Thánh đăng ngữ lục, lắng lòng mà kính cẩn, tỉnh niệm tư duy…” Sư Thông Đạt thế danh Trần Kim Liên trụ trì chùa Khánh Long kiêm chủ động Bàn Long được tự chủ chùa Yên Vệ tặng cho một tập Thánh đăng lục và sư đã hé mở cho chúng ta một vài thông tin về văn bản: “Lúc trước sách được san khắc tại chùa Long Động núi Yên Tử. Bản khắc cũ từ đời Trần, Lê, Mạc, Trịnh, Tây Sơn đến bản triều đã bảy, tám trăm năm. Nay được sách không biết nơi tàng bản, còn mất như thế nào? Thân lên núi Yên Tử hỏi chư tăng. Chư tăng kiểm duyệt rồi nói đã thất lạc, bỏ quyển xuống than rằng: “Nếu không được trùng san, Thánh Đăng sẽ ẩn. Vì thế hội tập thiện hữu hưng công san khắc”. không biết bản mà sư chùa Yên Vệ tặng có phải là bản Long Động do Chân Nguyên đứng in hay không? Nếu không phải thì sao sư biết được chùa Long Động từng in Thánh đăng lục để sư lên đến Yên Tử chấp vấn chư tăng.
2. Khảo cứu văn bản Thánh đăng ngữ lục mới phát hiện
Qua sự khảo sát, đối chiếu các bản Thánh đăng ngữ lục hiện hành, chúng tôi nhận thấy mỗi bản có nhiều sự thêm vào trong các lần in. Trần Thị Băng Thanh có lí khi nhận định tình hình sách Hán Nôm của ta như sau: “Nhưng nay cả sách in, cũng chưa phải ổn định. Do quan niệm khá linh động của một số người sưu tập, do hiện tượng rách nát hoặc mất mát thường xuyên xảy ra sau mỗi lần in, nên chúng ta cũng thấy có không ít những quyển sách, mặc dầu đã có tên, có mục lục lời tựa, lời bạt hẳn hoi, vậy mà sau mỗi lần trùng san, chúng lại có ít nhiều thay đổi. Có khi quyển nọ được ghép với quyển kia một cách tùy tiện, nhưng người biên soạn cùng không quên không ghi lại cho một lời chú thích nào”[6]. Ý kiến đó khá đúng với sách Thánh đăng ngữ lục. Các lần trùng san sau này, các bản hầu hết đều có in thêm một số tác phẩm vào như bản A. 2569 có in kèm với Viên dung tứ thổ tuyển Phật đồ (còn gọi là Tuyển Phật đồ) của Trung Quốc. Khi cho in kèm tác phẩm này, sách vẫn để trên gáy tên Thánh đăng ngữ lục, số tờ theo thứ tự, cuối sách có đề “Thánh đăng ngữ lục chung tất”. Bản AC. 604 in kèm phía trước ba bản kinh, sau mới đến sách Thánh đăng ngữ lục. Bản này có in bài tựa 重刊聖登錄并選佛圖序Trùng san Thánh đăng lục tịnh tuyển Phật đồ tự do Chân Nghiêm soạn. Đầu đề bài tựa nói trùng san Thánh đăng lục và Tuyển Phật đồ nhưng trong bản in thời Nguyễn lại không thấy Tuyển Phật đồ mà có in thêm ba kinh sách Phật Giáo. Như thế, có thể bản in xưa nhất bao gồm Thánh đăng lục và Tuyển Phật đồ mà lần in năm 1750 còn giữ được.
Còn bản mà chúng ta giới thiệu đây lại có cơ cấu khác với hai bản trên. Sư Thông Đạt có nói về qui cách biên tập của mình như sau: “Nay, sách Thánh đăng lục trước liệt bảy Phật Thế Tôn, thứ đến 28 tổ Tây Thiên, sáu tổ Đông Độ, sau mới đến sử Trần quốc (Thánh đăng lục)”. Soạn giả có nói về sự thêm những tư liệu mới vào trong lần trùng san này. Chúng tôi có điều kiện khảo sát một số tư liệu Hán Nôm Phật Giáo thấy trong sách này trích lại một số đoạn, lúc thì chép nguyên, lúc có sự biến đổi cho hợp nội dung. Những đoạn được chúng tôi chỉ ra dưới đây.
Quyển thượng tờ 2a đoạn “Nguyên phù Phật chi thụ ký, tổ chi kế đăng, quốc chi thanh sử, tộc chi gia phả, kế vãng khai lai…dĩ tồn cổ bản” lấy một đoạn từ tờ 1a4 đến 1b7 trong bài tựa San khắc truyền đăng thủ trần gia bản của sách Kế đăng lục. Bài tựa do sư Phúc Điền soạn vào năm Tự Đức thứ 12 (1858). Chỉ có một đoạn nhỏ, sư Thông Đạt thêm vào cho hợp nội dung của sách. Sách có chép kệ phái truyền thừa dòng Lâm Tế miền bắc. Bài kệ này được tổ sư Chuyết Công truyền xuống và sách Kiến tính thành Phật của sư Chân Nguyên ghi lại đầu tiên tại Việt Nam, sau đó là Thiền uyển truyền đăng lục quyển hạ của sư Phúc Điền.
Trong quyển thượng có hai đoạn và hai bài kệ lấy từ sách Kiến tính thành Phật (A. 2570) của sư Chân Nguyên. Đoạn thứ nhất sau bài kệ truyền thừa dòng Lâm Tế, bắt đầu từ: “Tích Đường Thuận Tông hoàng đế vấn Phật Quang đại sư vân: “Phật tùng hà phương lai, diệt hướng hà phương khứ, ký ngôn thường trụ thế, Phật kim hà sở xứ?” Phật Quang đại sư đối viết: “Phật tùng vô vi lai, diệt hướng vô vi khứ. Pháp thân đẳng hư không, thường trụ vô tâm xứ, hữu niệm qui vô niệm, hữu trụ qui vô trụ…tùy cơ phó cảm mỵ bất chu, tự như ứng hiện lực vô ngại” nằm ở tờ 3a2 đến tờ 4a4 của sách. Trong khi đó, đoạn này xuất hiện trong Kiến tính thành Phật từ tờ 33a3 đến tờ 34b4. Còn hai bài kệ tiếp theo đề là “Lãm phá tam giáo sắc tướng pháp kệ” xuất hiện trong Kiến tính thành Phật ở tờ 31a7 đến tờ 31b4. Bài kệ thứ hai như sau:
“Thân đồng hư không giới,
Thị đẳng hư không pháp.
Chứng đắc hư không thời,
Vô thị vô phi pháp”.
Đây chính là bài kệ Tâm ấn của tổ thứ bảy Bà Tu Mật Đa được Chân Nguyên chép lại ở tờ 45a trong phần kệ tâm ấn của chư tổ.
Đoạn thứ hai như sau “Phù thường trụ thế gian, thể tính như như, viên giác không tịch, vị chi Phật; Minh Phật tâm tông, hành giải tương ưng vị chi tổ…thục hội tâm tông, chân thị Phật tử, thiệu đăng tự pháp, tiếp độ quần sinh, niết bàn diệu tâm, vô tương ấn dã” nằm ở tờ 4b2 đến tờ 5b2 của sách giống với đoạn ở tờ 41b2 đến tờ 42b9 của sách Kiến tính thành Phật, chỉ khác chữ đầu là ở bản Kiến tính thành Phật ghi là chữ “Nhiên” thì trong bản này ghi là chữ “Phù”.
Câu tiếp theo của đoạn trên là “Phật ứng thế, cẩm lịch vô cùng, bất khả dĩ chu tri nhi tất số dã…Liệt trần thất Phật” rồi sách chép đến bảy Phật quá khứ, 28 tổ Tây Thiên đều lấy tư liệu từ Ngũ Đăng hội nguyên quyển nhất hoặc có thể lấy tư liệu từ Kế đăng lục. Bởi vì, Kế đăng lục quyển nhất của thiền sư Như Sơn đã chép nguyên các truyện bảy Phật quá khứ cùng 28 tổ Ấn Độ của sách Ngũ Đăng hội nguyên của Trung Quốc. Như Sơn có cung lục hình ảnh chư tổ nhưng trong bản Thánh đăng lục thì lại không có hình ảnh. Chỉ có một vài xuất nhập sai khác nhỏ, còn hầu như chép nguyên lại sách trên. Sáu tổ Đông độ là Bồ Đề Đạt ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng là có chép khác với sách Ngũ đăng hội nguyên và Kế đăng lục, có thể tác giả sử dụng tư liệu Trung Quốc khác, phác họa rõ nét sáu vị tổ sư này. Như thế, quyển thượng này do chính sư Thông Đạt biên tập từ các tư liệu như Kiến tính thành Phật, Ngũ đăng hội nguyên, Kế đăng lục. Sư chỉ sắp sếp theo qui cách của mình chứ không có soạn phần gì mang tính sáng tạo.
Quyển hạ tờ 1 đến tờ 17b5 thì in giống với các bản trên, tức phần chính của sách là Thánh đăng ngữ lục, ghi chép truyện năm vua đời Trần. Tờ 17b6 đến tờ 22a5 là phần tiểu truyện của ba thiền sư Chân Nguyên, Như Trừng, Như Hiện. Ba tiểu truyện này chép lại từ sách Kế đăng lục quyển tả. Hầu như chép nguyên, chỉ thêm một vài từ ở đầu các truyện. Từ tờ 22a6 đến 26a5 là bài văn nói về tam qui ngũ giới, không rõ tác giả. Phần tiếp theo là bài Vô Tế đại sư tam dược phương khuyến nhân niệm Phật nguyện sinh tịnh độ chiếm từ tờ 26a6 đến tờ 27a2. Bài Khuyến hành nhẫn nhục tối yếu nhất tâm niệm Phật nguyện sinh tịnh độ từ tờ 27b3 đến tờ 28a9. Phần cuối cùng của quyển hạ là Thi Già la việt lục phương lễ kinh từ tờ 28a9 đến hết. Sau đó là phần danh sách công đức. Như thế, quyển hạ ngoài phần Thánh đăng ngữ lục giống như hai bản giới thiệu ở trên còn có thêm một số các phần khác.
Qua công việc rà soát tư liệu, chúng tôi mới tiến hành đối chiếu các bản Thánh Đăng ngữ lục với nhau. Phần đối chiếu này chính là nội dung của sách ghi chép tiểu truyện năm vua đời Trần tu đạo, phần thêm vào trong các lần in đã được chúng tôi chỉ ra ở trên. Theo bài tựa Trùng tuyên Thánh đăng ngữ lục tự, thiền sư Tính Quảng có nói đến một sự sai khác của bản in đời Mạc do sư Chân Nghiêm và bản in chùa Long Động do sư Chân Nguyên đứng khắc. Sư chỉ ra rằng: “Trước kia khoảng hai trăm năm, Đại sư Chân Nghiêm khắc bản ngữ lục này ở chùa Sùng Quang tại Cẩm Giang có thấy một đoạn Đại sĩ Trúc Lâm chỉ dạy cho công chúa Thiên Thụy bệnh, ở am Bình Dương tại Chí Linh trao phó bài kệ:
Thế số nhất sách mạc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thắng xuân.
Tạm dịch:
Số đời thật tẻ nhạt,
Lòng người hai biển vàng.
Cung ma dồn quá lắm,
Cõi Phật vui nào hơn.
Đến khi thấy bản khắc ở Long Động đổi hai chữ “sách mạc”, thành “tức mặc”, thì điều vướng ngại trong lòng từ ba mươi năm trước, nay mới được cởi mở mà hiểu thông với người đương thời”[7].
Đây là một sự dị biệt giữa hai bản đời Mạc và bản đời Lê của sư Chân Nguyên. Bản Long Động do sư Chân Nguyên đứng in, sau được pháp tôn Tính Lãng trùng san và bài kệ trên vẫn đề là “Tức mặc”. Bản đời Mạc không còn giữ được nhưng sang đời Nguyễn, chùa Thuần Mỹ đã trùng san vào năm Tự Đức thứ nhất (1848). Bản này được lưu trữ tại viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 604 mà chúng tôi có nói ở trên. Câu đầu bài kệ trong bản này như sau: “Thế số nhất sách mạc”[8] như thế nó vẫn trung thành với bản đời Mạc mà Sư Tính Quảng đã chỉ ra. Còn bản in tại Ninh Bình thì câu thứ nhất bài thơ vẫn dùng chữ “Tức mặc” như bản trùng san năm 1750. Do đó, theo chúng tôi nghĩ bản này có nguồn gốc từ bản Long Động hay bản in năm 1750. Dù sư Thông Đạt có lên Yên Tử hỏi thăm về bản in của mình nhưng đều thất vọng vì tư liệu trên Yên Tử đã bị mất mát quá nhiều nhất là những trận chiến tranh xảy ra thời cuối Lê, Tây Sơn. Khi sư Chân Nguyên khắc ván in các tư liệu Phật Giáo thời Trần được mang về cất tại Quỳnh Lâm thì đến thời Tây Sơn, chùa Quỳnh Lâm bị cháy trụi nên không còn gì. Như thế, bản mà sư Thông Đạt đứng in hầu như dựa vào hệ bản Long Động là chính và có thể bản của sư cũng không còn nguyên vẹn nên sư mới ra công biên tập thêm tạo thành hai cuốn thượng hạ, rồi để phần Thánh đăng lục vào quyển hạ. Công việc của sư cũng có ý nghĩa về mặt truyền thừa. Sư muốn xác định lại dòng phái Trúc Lâm truyền từ thất Phật, 28 tổ Ấn Độ, 6 tổ Trung Hoa rồi mới đến Việt Nam qua sự tu tập của các vua đời Trần cùng ba vị tổ dòng Lâm Tế là Chân Nguyên, Như Trừng, Như Hiện. Cách làm này trước đây đã được thiền sư Chân Nguyên phác họa trong Kiến tính thành Phật. Có thể sư Thông Đạt bắt chước theo qui cách trên.
Tóm lại, qua việc phát hiện bản in Thánh đăng ngữ lục được khắc ván vào năm Bảo Đại thứ nhất (1926) tại thôn Khê Đầu thuộc tỉnh Ninh Bình, chúng ta có dịp phân tích một số vấn đề về văn bản học tác phẩm, chỉ ra được gốc gác các bản và nhận thấy trong lần in này có sự bổ sung từ người biên tập. Ý tứ đó đã xuất hiện qua các bản đời Mạc, Lê cho đến Nguyễn. Mỗi lần trùng san là mỗi lần có sự thêm vào bớt ra, không theo thể thức như chúng ta hiện nay nhưng điều đáng quí là vẫn in nguyên phần chính Thánh đăng ngữ lục, tức phần chép năm vua Trần tu đạo. Phần này hầu như không có sự sai dị cho lắm.
Tài liệu tham khảo:
1. Thánh đăng ngữ lục (AC. 604) của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
2. Thánh đăng ngữ lục, bản in năm Bảo Đại thứ nhất (1926), bản lưu tại động Bàn Long.
3. Việt quốc Yên Tử sơn Trúc Lâm chư tổ Thánh đăng ngữ lục (Thánh đăng ngữ lục) (A. 2569) của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
4. Kế đăng lục, bản in năm Duy tân thứ nhất (1907), chùa Nguyệt Quang tàng bản.
5. Kiến tính thành Phật (A. 2570) của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
6. Thích Thanh Từ, Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb TP HCM, 1999.
7. Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản trong Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb KHXH, H. 1977.
8. Trần Thị Băng Thanh, “Một số tìm tòi bước đầu về văn bản Thơ văn Lý Trần” Tạp chí Văn Học, số 5, năm 1972, tr. 57-69.
9. Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, TP HCM, 1980.
10. Đồng Dưỡng, “Đi tìm bài tựa, bạt của thiền sư Chân Nguyên”, Văn Hóa Phật Giáo, số 113, ra ngày 15 tháng 9 năm 2010, Tr. 16 – 20.
(Đã đăng trong Văn Hóa Phật Giáo, số 115, năm 2010)
[1] Lê Mạnh Thát trong Chân Nguyên Thiền sư toàn tập có nói ông sở hữu một bản giống với bản AC. 604, nhưng sách không ghi niên đại, nơi tàng ván cùng người khắc in. Đây có thể là một bản khác của Thánh đăng ngữ lục. Chúng tôi vẫn chưa biết về bản in này nên không bàn gì ở đây.
[2] Có nhiều người phiên âm sai hai tên vị thiền sư này như Việt Nam Phật Giáo Sử Luận gọi Tính Lãng thì phiên là Tính Lương, phần Khảo Luận văn bản trong Thơ Văn Lý Trần, tập 1, sư Tính Quảng phiên thành Quảng Đức.
[3] Hòa Thượng Thanh Từ có dịch giải bản in này nhưng bỏ qua công tác khảo cứu văn bản và không dịch phần Hậu bạt in sau sách. Xem Thích Thanh Từ, Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb TP HCM, 1999.
[4] Đồng Dưỡng, “Đi tìm bài tựa, bạt của thiền sư Chân Nguyên”, Văn Hóa Phật Giáo, số 113, ra ngày 15 tháng 9 năm 2010, Tr. 18.
[5] Nhân đây, con xin cám ơn Đại Đức Giác Thành trụ trì chùa Hói, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã cung cấp tư liệu.
[6] Trần Thị Băng Thanh, “Một số tìm tòi bước đầu về văn bản Thơ văn Lý Trần” Tạp chí Văn Học, số 5, năm 1972, tr.57.
[7] Thích Thanh Từ, Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb TP HCM, 1999, Tr. 4-5.
[8] Thánh đăng ngữ lục (Bản AC. 604) tờ 36b3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét