TÌM HIỂU CÁC THIỀN SƯ PHÁI LÂM TẾ CHÙA DÂU
Đồng Dưỡng
Chùa Dâu là một ngôi cổ tự ra đời khá sớm, từng là đạo tràng, nơi dừng chân hành đạo của các cao tăng Ấn Độ, Trung Hoa. Dấu ấn chùa Dầu còn được biết qua tín ngưỡng thờ tứ pháp, một tín ngưỡng phản ánh giao thoa văn hóa Phật Giáo và văn hóa bản địa. Vào thời Bắc Thuộc, thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi đã đến đây hành đạo, là tổ đình của thiền phái sau này. Đến thời Hậu Lê, chùa Dâu trở thành tổ đình của thiền phái Lâm Tế, nơi đây đã từng đứng in một số kinh sách có giá trị. Hiện nhà chùa còn ba bộ ván quí là Cổ Châu Pháp Vân phật bản hạnh, Cổ Châu phật bản hạnh và Cổ châu nghi. Công trình khắc ván in ba bộ sách, giữ dìn một số tư liệu quí của dân tộc thuộc về các đời trụ trì của bản tự. Qua một số bài nghiên cứu đã công bố, chúng tôi nhận thấy cần tiếp tục tìm hiểu thêm về tông phái cùng thế hệ trụ trì nơi đây, làm sáng tỏ một số vấn đề có liên quan đến sự phát triển của thiền phái Lâm tế tại nước ta.
1. Mạch dẫn truyền thừa thiền phái Lâm Tế chùa Dâu:
Thiền phái Lâm Tế được truyền vào nước ta khá sớm. Theo Lược dẫn thiền phái đồ trong Tuệ trung thượng sĩ ngữ lục cho biết: “Cư sĩ Thiên Phong từ Chương Tuyền đến đồng thời với Ứng Thuận, tự xưng tông Lâm tế, truyền cho quốc sư Đại Đăng, hòa thượng Nan Tư…”[1] Sau đó, phái Lâm tế hòa nhập vào phái Trúc lâm và từ đó chẳng thấy tư liệu nào bàn về phái Lâm Tế trong giai đoạn Trần, Hồ, Lê sơ.
Đến giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, tình hình trong nước biến động, xu hướng phục hưng Phật giáo có sự triển vọng nhờ sự ủng hộ của hai nhà Trịnh Nguyễn. Vì thế, một số thiền sư từ Trung Hoa sang hành đạo tại Đại việt như Nguyên Thiều, Thạch Liêm, Chuyết Công, Minh Hành…Trong đó, hòa thượng Chuyết Công Viên Văn qua Đàng Trong rồi lục tục theo sự thỉnh cầu tiếp ra hoằng hóa tại Đàng Ngoài. Văn bia Kết Liên hoa tuyển phật đồ cho biết dòng Lâm Tế miền bắc truyền thụ từ Chuyết Chuyết đến Minh Lương, rồi truyền cho Chân Nguyên Tuệ Đăng. Một chi chính phát triển tại chùa Bút Tháp, Phật Tích cũng truyền từ Chuyết Công đến sư Minh Hành, Minh Hành truyền cho Chân Trụ, Diệu Tuệ nhưng bị đứt khúc, nên dòng chính này trở thành bàng phái, mất vai trò chính phái.
Để nói lên công đức cao dày của vị sơ tổ Chuyết Công, Di Đà Cảnh giới hạnh ghi lại nơi đây vài dòng như sau:
“Lại ơn có tổ Chuyết Công
Viên Văn hòa thượng vốn dòng Thích Ca
Vân du phổ hóa Sa Bà
Túc duyên hội ngộ Lê gia Việt Hoàng
Người lại diễn giáo nam bang
Hiển dương tượng pháp tuệ quang muôn đời
Thiền lâm thích tử mỗi nơi
Ai ai cùng đội ơn người mới khôn
Thật dòng Lâm Tế tông môn
Liên phương tục diệm trường tồn dõng sinh
Phái truyền “Đạo đức viên minh”[2]
Chân Như Tính Hải từ hàng thủy chung
Toản thùy Tịch Chiếu Phổ Thông
Tâm Nguyên phái dõng thiền tông còn dài
Trước dẫn phó chúc hậu lai
Cho biết tông phái muôn đời thiệu long”[3]
Tác phẩm được trích dẫn trên do chính pháp tôn Chân Nguyên soạn ra để “chỉ thị hậu học”. Sư tự gắn kết dòng phái mình với dòng Trúc Lâm đời Trần. Theo thiền sử cho biết sư có nhiều đệ tử nổi tiếng, sau lập ra các chi phái như sư Như Trừng lập phái Liên Tông, Như Hiện lập phái Đông Khê, Như Chiêu lập phái Kim Liên và Như Trí lập phái Tiêu Sơn. Lần theo dấu vết, chúng ta sẽ biết được rất nhiều chùa thuộc các phái trên, tiêu biểu phái chùa Dâu cũng nằm trong sự truyền thừa đó.
Trong vườn tháp chùa Dâu, chúng tôi đọc được bài văn bia khá hay ghi chép về tiểu sử của thiền sư Hải Mộ. Bia đó đề Thừa Bình tháp ký tịnh minh do thiền sư Tính Quảng soạn. Trong đó có một đoạn nói về gốc tích dòng phái như sau: “Thật Đức Long nhị niên Nhâm Tý nãi qui tông thụ giáo bản sư ư Nhạn Tháp Ninh Phúc tự. Bản sư chính Ba Tiêu Thiên Tâm chi pháp tử, Trúc lâm Long Động chi pháp tôn, hệ Đông Đô thủy tổ chi chính mạch dã.
寔龍德元年壬子乃皈宗受教本師於雁塔寧福禪寺本師正芭蕉天心之法子竹林龍洞之法孫系東都始祖之正脈也.
Tạm dịch: Năm Long Đức 1, Nhâm Tý [1732], ngài qui tông thụ giáo bản sư ở chùa Ninh Phúc, Nhạn Tháp. Bản sư chính là pháp tử của chùa Thiên Tâm, Ba Tiêu, là pháp tôn của Trúc Lâm Long Động thuộc hệ chính mạch Đông đô Thủy tổ.
Diễn giải đoạn văn bia trên, chúng tôi có giải thích rõ trong bài viết Tông phái thiền sư Như Trí. Sư chính là đệ tử của thiền sư Như Chúc, chùa Bút Tháp, là pháp tôn của thiền sư Như Trí của Tiêu, là pháp điệt của thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng, chùa Long Động thuộc chính mạch Đông Đô thủy tổ, tức truyền thừa từ thiền sư Chuyết Công.
Từ Tiêu Sơn do thiền sư Như Trí kết duyên rồi lan về Bút Tháp, phát mạch chảy đến Diên Ứng. Vì thế, phái chùa Dâu xem mình là chính mạch của Đông Đô thủy tổ. Rà soát các sách đời Nguyễn chép về thiền phái Lâm Tế chùa Dâu, chúng ta đọc được một đoạn nhỏ do Phúc Điền ghi lại trong sách Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi như sau: “Bắc Ninh tỉnh Cổ Châu tự mạt hậu Thừa Bình Hải Nhân thiền sư hạ nhị truyền Bảo Đức Tịch Mật thiền sư, hạ tam truyền Bảo Hợp Chiếu Tân thiền sư, hạ tứ truyền Thông Nghĩa thiền sư[4].
北寧省古洲寺末後承平海仁禪師下二傳寶德寂密禪師下三傳寶合照賓禪師下四傳通義禪師 (Thiền sư Thừa Bình Hải Nhân giai đoạn sau của chùa Cổ Châu, Bắc Ninh truyền xuống đời thứ hai là thiền sư Báo Đức Tịch Mật, truyền xuống đời thứ ba thiền sư Bảo Hợp Chiếu Tân, truyền xuống đời thứ tư thiền sư Thông Nghĩa).
Đây là một nhánh nhỏ của dòng Lâm Tế được truyền thừa tại chùa Dâu. Nối kết tư liệu cho thấy phái này có nguồn gốc từ tổ đình Long Động, truyền xuống Tiêu Sơn, lan tỏa qua Bút Tháp, phát triển về Diên Ứng.
2. Giải thích một vài nghi vấn về đạo hiệu thiền sư Hải Mộ
Thiền sư Hải Mộ theo các tư liệu sư còn có đạo hiệu là Hải Nhân, Tính Mộ. Phúc Điền và tác giả bài văn bia Báo Đức tháp bi ký đều ghi tên sư là Hải Nhân hay Thừa Bình Hải Nhân. Còn Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục (Cổ châu lục) do thiền sư Viên Thái diễn nghĩa được khắc in năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) ở tờ 21b có ghi: “Trụ trì phụng phật đệ tử tỳ kheo tự pháp Tính Mộ hộ lai trùng san”. Văn bia Hòa Phong tháp bi ký[5] đồng quan niệm và bia ghi: “Trụ trì tăng tự Tính Mộ cập môn đồ chúng đẳng hộ công đức”. Như thế, Tính Mộ trụ trì chùa Dâu trong giai đoạn 1738-1752. Lưu Đình Tăng có lí khi cho Hải Mộ chính là Tính Mộ nhưng không lí giải gì. Theo văn bia tháp Thừa Bình cho biết thiền sư Hải Mộ, sư sinh năm Bính Tuất (1706) tại làng Bình Ngô huyện Gia Định, trấn Kinh Bắc. Năm Bính Ngọ niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726) thiền sư 21 tuổi, xuất gia đầu phật, đến nương nhờ sư tổ ở chùa Thành Đạo. Mãi đến năm Nhâm Tí niên hiệu Long Đức thứ 1 (1732), sư 27 tuổi mới qui theo bản sư ở chùa Ninh Phúc Nhạn Tháp (chùa Bút Tháp). Năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734), sư mới về trụ trì ở chùa Diên ứng Cổ Châu (tức chùa Dâu), liền thụ cụ túc giới với Hòa thượng Tính Huyên. Năm ất Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 16 (1755) thiền sư viên tịch tại bản tự.
Như Thế niên đại của hai sư Tính Mộ và Hải Mộ rất ăn khớp nhau và họ trụ trì chùa Dâu trong một giai đoạn. Từ đó, suy ra Tính Mộ chính là Hải Mộ là điều hợp lí. Tại sao sư lại có cùng tên mà lại đặt theo hai chữ trong cùng kệ phái? Lí giải điều này, chúng ta cần phải truy nguyên lại vị thầy của sư thì sẽ rõ. Theo văn bia tháp Thừa Bình cho biết năm 1732, sư đến thụ học với bản sư chùa Ninh Phúc Nhạn Tháp. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi trong bài viết Tông phái thiền sư Như Trí đã chỉ ra rằng sư Như Chúc[6] chính là bản sư của thiền sư Tính Mộ. Theo Văn bia tháp Tâm Hoa, thiền sư Như Chúc lúc đầu xuất gia với thiền sư Như Trí chùa Tiêu. Văn bia không cho biết Như Trí ban pháp danh cho sư, nhưng có thể phòng đoán phải là “Tính” gì đó theo kệ phái Lâm Tế miền bắc. Sau đó, sư tham học với tổ Chân Nguyên được Chân Nguyên ban pháp danh là Như Chúc. Như thế, thiền sư Như Chúc cũng có thể mang hai pháp danh với chữ đầu là Như Chúc và có thể lúc đầu được Như Trí cho là Tính Chúc. Nên sư Tính Mộ xuất gia với Như Chúc được Chúc cho chữ Tính nhưng cũng có thể cho với chữ Hải ở đầu. Điều này, chúng tôi tham khảo hành trạng thiền sư Như Tâm qua bài viết Ba vị trụ trì chùa Quang Ân thời Hậu Lê[7]. Thiền sư Như Tâm lúc xuất gia với thiền sư Như Liên được Liên ban pháp danh Tính Ân, sau lên Yên Tử tham học với Chân Nguyên được Nguyên ban pháp danh là Như Tâm. Việc sử dụng pháp danh để gọi là tùy theo từng sư nên cũng không có một trật tự cố định. Chúng ta biết sư Tính Mộ lúc còn sống thì dùng tên pháp này nhưng khi viên tịch được học trò ghi trong văn bia tháp ghi là Hải Mộ. Khi còn sống sư dùng pháp danh Tính Mộ thì các học trò đều ghi lại bằng tên pháp với chữ Hải đứng đầu như Hải Mật, Hải Tố…mà Cổ Châu lục, văn bia tháp Hòa Phong ghi lại. Khi viên tịch, các đệ tử ghi trên bia là Hải Mộ thì phần cuối văn bia đều ghi học trò với tên pháp đứng đầu là chữ Tịch như Tịch Mật, Tịch Lệ, Tịch Tố…Do đó mà thiền sư Tịch Mật cũng có một tên pháp khác là Hải Mật, sau này học trò ghi trong bia tháp là Tịch Mật. Hiện tượng này chỉ xuất hiện trong hai thế hệ đầu, còn đến đời thứ ba là thiền sư Chiếu Tuyên thì không lập lại. Chiếu Tuyên đứng in Cổ châu nghi vào năm Quang Trung thứ 5 thì đề “Thiền môn thích tử trụ trì Chiếu Tuyên trùng san” đến khi viên tịch, học trò vẫn dùng tên là Chiếu Tuyên để ghi vào bia tháp.
Còn sư Hải Mộ có tên pháp nữa là Hải Nhân đã được văn bia tháp Bảo Đức và Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi của Phúc Điền ghi lại thì giải thích ra sao? Chúng ta biết khi về trụ trì chùa Dâu, Hải Mộ mới còn sa di nên sư đến xin thụ giới tỳ kheo với thiền sư Tính Huyên. Do đó, tên pháp Hải Nhân có thể được Tính Huyên ban trong khi đắc giới. Điều này có thể xảy ra trong các đàn giới. Thông thường, các hòa thượng truyền giới thường ban đạo hiệu cho các giới tử nên trường hợp Hải Mộ được Tính Huyên ban cho pháp danh là Hải Nhân là điều có thể xảy ra.
Trên đây là phần lí giải tên pháp của thiền sư Hải Mộ, chúng tôi thống nhất gọi tên chung cho sư là Hải Mộ như trong văn bia tháp Thừa Bình ghi lại.
3. Sơ lược tiểu sử ba vị tổ sư chùa Dâu:
Trước hết là nguồn tư liệu để sử dụng tái hiện hành trạng các sư. Trong vườn tháp có 6 ngôi tháp cổ, trong đó còn được 4 bài ký ghi lại hành trạng 4 thiền sư là Hải Mộ, Tịch Mật, Chiếu Tuyên và Phổ Giác. Chúng tôi có tham khảo một số tư liệu văn khắc chùa như văn bia, văn chuông, mộc bản để tái hiện thêm một số Phật sự. Riêng thiền sư Hải Mộ thì được Lưu Đình Tăng công bố hành trạng một cách công phu, chúng tôi không viết lại làm gì. Dưới đây là hành trạng ba vị tổ kế đăng.
Thiền sư Tịch Mật (1722-1787): sư sinh tháng 11 năm Nhâm Dần (1722), húy Nghi, người Bảo Hợp, Gia Định. Cha tự là Phúc Bình, mẹ hiệu Từ Xuân. Thuở thỏ, sư mất song thân, tám tuổi xuất gia với thiền sư Như Chiếu. Đến khi trưởng thành, sư xin sang chùa Cổ Châu Diên Ứng học đạo với thiền sư Hải Nhân (tức Hải Mộ), được bản sư cho tự là Tịch Mật. Năm Ất Hợi (1755), bản sư thị tịch, đại chúng cử sư trưởng tọa chùa Diên Ứng, rồi kế đăng trụ trì đời thứ hai. Ở đây sư hết dòng dũng mãnh, làm các Phật sư như đúc bảo khánh, làm cầu, tu sửa chùa trở nên trang nghiêm. Sau đó, sư y hòa thượng Hiếu Tiết (Tính Ánh, sơ tổ chùa Bổ). Năm 60 tuổi, sư thụ giới cụ túc với đại lão (chỉ ngài Tính Ánh). Tháng 11 năm Đinh Mùi (1787), sư viên tịch, thọ 66 tuổi, được 6 tuổi hạ. Trong bản in Phật Quốc ký truyện, phần công đức có ghi tên sư như sau: “Diên Ứng tự Tịch Mật”[8]. Đệ tử tôn xưng: “Nam mô Bảo Đức tháp Lâm Tế thiền tông Trúc Lâm huệ tịnh Chính định sa môn ma ha tỳ kheo tự pháp Tịch Mật Dương Dương thiền sư hóa thân bồ tát”.
Văn Bia Hợp Bảo tháp bi ký lập năm Gia Long thứ 2 (1803) ghi lại hành trạng thiền sư Chiếu Tuyên (1754-1801). Sư sinh ngày lành tháng 2 năm Giáp Tuất (1754), họ Nguyễn húy Kính, người Bảo Khám Gia Định. Năm 24 tuổi, sư xuất gia tại chùa Cổ Châu Diên Ứng, pháp hiệu là Chiếu Tuyên. Được bản sư giao cho chức thủ tọa đạo tràng, kế đăng trụ trì đời thứ ba. Khi bản sư viên tịch, sư tu hành kham khổ, được bản đạo ủng hộ đúc hồng chung, bảo khánh, sửa chữa chùa trang nghiêm. Năm Giáp Thìn (1784), sư được ban chức tăng phó. Sư viên tịch giờ thìn ngày 25 tháng 12 năm Tân Dậu (1801), thọ 46 tuổi. Sư là người đứng in Cổ châu nghi vào năm Quang Trung thứ năm (1792). Đến năm sau (1793), sư cho đúc chuông đồng tự mình soạn bài văn với lời lẽ kiêm nhường. Cuối văn bia tháp có ghi đệ tử như Phổ Mãn, Phổ Khánh, Phổ Hương, Phổ Nhã, Phổ Lợi, Phổ Kỳ, Phổ Liên…Phúc Điền chép sai là Bảo Hợp Chiếu Tân, thực ra phải là Hợp Bảo Chiếu Tuyên.
Văn bia Thường An tháp tịnh minh ghi lại hành trạng thiền sư Phổ Giác (1785-1842). Sư họ Phan, người xã An Hợp, huyện Cẩm Giang, phủ Bình Giang. Năm 21 tuổi, sư từ bỏ song thân, xuất gia với Tuyên công tại chùa Diên Ứng. Trải qua mấy năm, lúc đó sư mới 27 tuổi thì bản sư viên tịch. Ngài được đạo tràng cử trụ trì chùa Diên Ứng. Sư khuyến hóa thập phương công đức để hoàn thành các phật sự như đúc bảo khánh, sửa chùa, làm cầu chín nhịp. Năm Nhâm Dần (1842), sư viên tịch, thọ 58 tuổi. Đệ tử tôn xưng: “Nam mô Lâm Tế thiền tông Trúc Lâm Huệ Thịnh Chính Tịnh sa môn ma ha sa di tự Phổ Giác Thích Hạo Hạo thiền sư tọa hạ”. Theo Phúc Điền trong Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi cho biết sau thiền sư Phổ Giác là thiền sư Thông Nghĩa. Như thế, sư Thông Nghĩa chính là pháp tử kế đăng trụ trì chùa Dâu đời thứ năm.
Tóm lại, qua tìm hiểu hành trạng các vị trụ trì chùa Dâu, chúng ta mở ra cái nhìn mới về sự truyền thừa dòng Lâm Tế tại Bắc Ninh. Các thiền sư nổi tiếng như Hải Mộ, Tịch Mật, Chiếu Tuyên đã đóng góp công sức của mình để duy trì chốn tổ, phát huy các giá trị văn hóa, nhất là đứng khắc in ba bộ ván Cổ Châu hạnh, Cổ Châu lục và Cổ châu nghi, bảo tồn một số tư liệu quí của nền Văn học Phật Giáo và xây dựng tháp Hòa Phong uy nghi. Họ là những truyền nhân kế thừa, phát huy, bảo tồn các giá trị của tín ngưỡng Tứ Pháp, một tín ngưỡng thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa dân tộc và văn hóa Phật Giáo. Như ý kiến của ông Nguyễn Duy Hinh khá hay: “Đây là một hiện tượng tiếp biến văn hóa mà tôn giáo là một bộ phận, rất đặc sắc, đánh dấu giai đoạn tiếp thu đạo Phật, vừa đượm hương sắc Phật Giáo, vừa giữ được những yếu tố đặc trưng của tôn giáo tiền Phật”[9]. Cuối cùng những học trò cũng không quên ghi lại những dấu ấn mà các tổ sư đi trước đã dày công tô đắp, để lại một số tư liệu về hành trạng các tổ sư mà tiêu biểu là bốn bài văn bia tháp tại chùa Dâu.
[1] Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục (A. 1963) Viện nghiên cứu Hán Nôm, tờ 3.
[2] Đoạn này trích theo kệ phái của dòng Đột Không Trí Bản. Bài kệ như sau: “Trí tuệ thanh tịnh, đạo đức viên minh. Chân như tính hải, tịch chiếu phổ thông…”
[3] Di Đà Cảnh giới hạnh ( AB. 371) Viện nghiên cứu Hán Nôm, tờ 3b.
[4] Phúc Điền ghi chép cũng chưa chính xác cho lắm. Chúng tôi sẽ nói rõ trong phần hành trạng các thiền sư.
[5] Văn bia Hòa Phong tháp bi ký lập năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) hiện gắn sau tháp Hòa Phong tại chùa Dâu.
[6] Thiền sư Như Chúc (1691-1736): sư người Khuyến Công Kim Bảng. Cha Nguyễn quí công, tự là Lộc, mẹ họ Đinh hiệu Diệu Cung. Sư sinh Giờ Tuất ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi (1691). Thuở nhỏ mất cha, chỉ còn mẹ già. Sư xin xuất gia với thiền sư Như Trí, chùa Tiêu. Ở đây, chấp lao phục dịch được năm năm thì bản sư viên tịch. Sư ra nhận trụ trì chùa Chân Khai Đông Sơn. Đến năm 1726, sư lên Yên Tử yết kiến thiền sư Chân Nguyên, được thụ giới cụ túc cùng bồ tát giới. Sau sư ứng duyên trụ trì chùa Ninh Phúc được 13 năm. Ngày 20 tháng 11 năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) sư viên tịch, thọ 46 tuổi. (Theo văn bia Tháp Tâm Hoa, chùa Bút Tháp)
[7] Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 6 năm 2009, tr. 49-51.
[8] Phật Quốc ký truyện (PĐ. 67) tủ sách Pháp Đăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét