Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Hai văn bia tháp chùa Quang Minh

HAI VĂN BIA THÁP CHÙA BẰNG LAI
                                                                                 Đồng Dưỡng
Chùa Bằng Lai (Quang Minh thiền tự) tọa lạc thôn Bằng Lai, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Theo các tư liệu còn giữ lại được thì cũng không xác định niên đại lập chùa. Văn bia xưa nhất là Hậu Phật Bi Ký lập năm Chính Hòa 6 (1685) ghi lại danh sách các sãi vãi cúng ruộng đất vào chùa, được nhà chùa bầu hậu cũng không mang lại thông tin nào quan trọng. Các văn bia sau này thì lại bỏ không, hầu như chú ý đến phần công đức của thập phương bá tánh. Trong vườn chùa hiện còn mấy cây tháp, có tháp được làm bằng đá, có tháp xây bằng gạch rất công phu. Tựu trung, những cây tháp này chứa xá lị của các bậc tổ sư trụ trì ngôi chùa từ thời hậu Lê đến nhà Nguyễn[1]. Qua việc khảo sát, chúng tôi nhận thấy chùa còn hai bài văn bia tháp có giá trị, ghi lại hành trạng hai vị thiền sư đã từng đến đây khai tràng thuyết pháp, xây dựng chùa cảnh. Một bài văn bia đề là Báo Ân tháp ký, để tách biệt với ngôi tháp. Sau được nhà chùa đặt một hàng với các văn bia khác. Bài văn bia tháp thứ hai đặt phía sau tháp Tịnh Đức, văn bia không ghi tên, vì đặt trong tháp Tịnh Đức nên tạm gọi là Tịnh Đức tháp ký.

Văn bia Báo Ân Tháp Ký ghi lại vài nét về thiền sư Tịch Nhuận (1771-1839) lập năm Thiệu Trị thứ ba (1842) do thiền sư Vô Ngu soạn, Thanh Thư viết chữ để khắc vào đá. Văn bia có tất cả 12 hàng, hàng nhiều nhất là 25 chữ, số chữ trong các hàng không nhất định. Văn bia không trang trí hoa văn, được đặt tách biệt ngôi tháp. Có thể văn bia này được gắn sau thân tháp Báo Ân nhưng trong quá trình trùng tu ngôi tháp, nhà chùa đã tách biệt văn bia ra, rồi đặt cùng một số bia hậu. Cách đó không xa, chúng tôi đọc một vài chữ hán trong lòng ngôi tháp cổ có đề: “Lâm Tế chính tông Báo Ân tháp hoằng pháp độ nhân ma ha sa môn tự Tịch Nhuận Thích Minh Minh hóa thân bồ tát thiền tọa hạ”. Như thế, đây là tháp Báo Ân thờ thiền sư Tịch Nhuận mà bài ký ghi lại. Nội dung bài ký như sau: “Tôn sư quê làng Kim Bảng, Kiến Xương, Nam Định. Sư sinh năm Tân Mão (1771), họ Đỗ, húy Nhuận, đặt theo kệ phái chữ “Tịch”. Sư xuất gia qui y với hai vị tổ sư chùa Quang Khánh là Vô Biệt Hải Luật và Vô Ngại Hải Thâm. Sư trụ trì chùa Quang Minh xã Bằng Lai, kinh doanh tự vũ, tượng giáo trang nghiêm. Sư tịch vào ngày 28 tháng 3 năm 1839, thọ 69 tuổi. Đệ tử Thanh Trai người trong làng, đồng tử xuất gia, được ngộ đạo với sư,  cảm ân đức nên xây tháp phụng thờ”. Sau đó là bài minh bốn câu, cùng niên đại lập tháp, người soạn, người viết chữ cùng danh sách học trò của sư. Bài văn bia khá ngắn gọn, đơn giản, không chi tiết cầu kỳ. Qua đó, chúng ta biết được một vài thông tin về thiền sư Tịch Nhuận Thích Minh Minh.
Theo thế thứ trụ trì, trước thiền sư Tịch Nhuận là hai thiền sư Tính Không và Tịch Niêm. Hai vị này đều có tháp thờ tại chùa. Tháp thiền sư Tính Không được xây dựng bằng chất liệu đá, niên đại Chính Hòa thứ 22 (1699). Không thấy tư liệu nào ghi chép về thiền sư Tính Không và Tịch Niêm. Có thể thiền sư Tịch Niêm chính là huynh đệ với thiền sư Tịch Nhuận.
Theo Báo Ân tháp ký cho biết thiền sư Tịch Nhuận từng tham học với hai tổ Vô Biệt và Vô Ngại chùa Muống. Chùa Muống, tự là Quang Khánh, là một ngôi chùa được lập ra từ đời Trần, cũng chính là quê hương của tổ Non Đông[2]. Nó nằm cùng xã khác thôn với chùa Bằng Lai nên việc giao lưu thuận lợi. Đến đời hậu Lê có thiền sư Như Văn (1655-1724) thuộc dòng truyền thừa Lâm Tế xuất phát từ Hoa Yên, núi Yên Tử. Theo Tịnh Hạnh Tháp Ký Thật Lục Tịnh Minh, phần Truyền Đăng Tục Diệm ghi lại cội nguồn thiền sư Như Văn như sau: “Đông đô thủy tổ Báo Nghiêm tháp hoằng pháp độ nhân Viên Văn Chuyết Chuyết Hòa thượng tặng phong Minh Việt Quảng Tế Đại đức thiền sư nhục thân bồ Tát truyền đại đệ tử Mãn Giác hòa thượng Minh Lương thiền sư hóa thân Bồ tát truyền Trúc Lâm Liễu Nhất Trường Nguyên Chân Hiền thế thế thiết tuyến thiền sư truyền bản sư tăng phó Như Văn Thích Huệ Tư thiền sư
東都始祖報嚴塔弘法度人圓炆拙拙和尚贈封明越廣濟大德禪師肉身菩傳大弟子滿覺和尚明良禪師肉身菩傳竹林了一長源真賢世世鐵線禪師傳本師僧副如聞釋惠思禪師[3]
Tạm dịch: Hòa thượng Viên Văn Chuyết Chuyết Hoằng pháp độ nhân, tháp Báo Nghiêm, [sắc tứ thụy] Đông Đô Thủy Tổ, tặng phong Minh Việt Quảng Tế Đại đức thiền sư nhục thân bồ Tát truyền cho đại đệ tử hòa thượng Mãn Giác Minh Lương thiền sư hóa thân Bồ tát truyền Trúc Lâm Liễu Nhất Trường Nguyên Chân Hiền thế thế thiết tuyến thiền sư truyền bản sư tăng phó Như Văn Thích Huệ Tư thiền sư.
Bắt đầu từ thiền sư Như Văn, tổ khai phái chùa Muống truyền cho thiền sư Tính Y, Tính Quảng. Hai vị này chính là thầy của hai thiền sư Vô Biệt Hải Luật và Vô Ngại Hải Thâm[4]. Dưới góc độ truyền thừa, chúng ta nhận thấy sơn môn Muống có một sự ảnh hưởng lớn đến Phật Giáo Hải Dương. Hệ truyền thừa của sơn môn lan tỏa khắp nơi, nhiều tu sĩ đã từng đến đây học đạo rồi lại vân du giáo hóa, làm cho chi phái thịnh hành, truyền thừa trãi qua nhiều thế hệ.
Bài văn bia thứ hai được lắp sau tháp Tịnh Đức ghi hành trạng Thiền sư Thanh Trai, tự Tịch Ngân (1796 - 1867). Ngôi tháp này được làm bằng chất liệu đá, mang phong cách mỹ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Tháp cao ba tầng, tầng giữa để cửa khắc bài vị đá ghi tên thiền sư như sau: “Nam mô bản sư Lâm Tế chính tông truyền giới hòa thượng Thanh Trai sa môn tự Tịch Ngân Thích Uông Uông thiền sư hóa thân bồ tát”. Phía sau tháp tạc bài văn bia ca ngợi công đức tu hành của thiền sư Thanh Trai. Văn bia không trang trí hoa văn, khắc chữ nhỏ, rõ đẹp. Văn bia có 21 hàng, mỗi hàng có số chữ là 34, số chữ trong các hàng không nhất định. Văn bia không đề tên, hàng đầu ghi niên đại lập tháp như sau: “Tự Đức nhị thập niên, tuế thứ Đinh Mão thập nhất nguyệt cát tạo tháp” nghĩa là tạo tháp ngày lành tháng 11 năm Đinh Mão niên hiệu Tự Đức thứ 20.
Văn bia viết khá hay, chúng tôi chỉ ghi lại một vài thông tin hành trạng có giá trị sử liệu. Văn bia cho biết sư sinh năm Bính Thìn (1796), người làng Bằng Lai. Cha Nguyễn Văn Nghiên, mẹ Nguyễn Thị Yết, hiệu Diệu Phương. Khoảng 7, 8 tuổi, thiền sư  đến xuất gia thụ giáo với tổ Tịch Nhuận. Sau một thời gian, sư du phương tham học với thiền sư Thanh Tiết, hiệu Vô Mộc[5], khế hội nhân duyên, thầy trò hợp nhau. Năm 16 tuổi, sư được thăng đường nhập thất, giữ dìn tam học mà chứng tam qui, hành thập khoa mà y thập giới. Lại được gặp thiền sư Tính Tĩnh[6], chùa Nguyệt Quang-Đông Khê. Năm 20 tuổi, sư đăng đàn thụ giới cụ túc. Khi tổ sư Tịch Nhuận viên tịch, sư về trụ trì chùa Bằng Lai, xây dựng và tiếp dẫn đồ chúng. Đệ tử của tổ sư ngoài hàng chữ “Chiếu” cộng có hàng cháu chữ “Phổ” rất nhiều. Theo văn bia, chùa Bằng Lai lúc này gọi là “Quang Minh Thiền Viện”. Vào ngày mồng 7 tháng giêng năm Đinh Mão (1867), thiền sư viên tịch, thọ 71 tuổi. Trong văn bia cho biết thiền sư được tôn xưng là truyền giới hòa thượng tức ngài được các giới tử cung thỉnh làm hòa thượng giới sư truyền trao giới pháp trong các đàn giới.
Qua tư liệu văn bia tháp chùa Bằng Lai, chúng ta được biết hành trạng hai vị thiền sư Tịch Nhuận, Tịch Ngân. Bản hành trạng đưa ra rất đơn giản nhưng nó bổ sung vào một mảng tư liệu hiếm viết về các thiền sư thời Nguyễn và hệ truyền thừa tại bổn tự. Các thiền sư ở đây thuộc dòng Lâm Tế phái Chuyết Công đã từng đến đây xây dựng chùa cảnh, mở mang đạo tràng, hướng dẫn nhân dân Phật tử tu tập. Công đức của các ngài là những tấm gương sáng để hàng hậu học chúng ta noi theo.  
(Đã đăng Văn hóa Phật Giáo, số 114, năm 2010)






Chú thích:
[1] Về thứ thế trụ trì, bảng gỗ được đặt trên ban tổ cho biết: “Nam mô Đức Quang tháp Lâm tế chính tông truyền giới Hòa thượng ma ha sa môn Giác ngộ minh tâm Tính Không tổ sư hóa thân bồ tát thiền tọa hạ, cửu nguyệt sơ ngũ nhật chính kị.
Nam mô Tường Quang tháp Mật hạnh chính tâm ma ha sa môn tự Tịch Niêm tổ sư hóa thân bồ tát thiền tọa hạ, ngũ nguyệt nhị thập ngũ nhật chính kị.
Nam mô Báo Ân tháp Hoằng pháp độ nhân ma ha sa môn tự Tịch Nhuận Thích Minh Minh luật sư hóa thân bồ tát thiền tọa, tam nguyệt nhị thập bát nhật chính kị.
Nam mô Tịnh Đức tháp ma ha sa môn Thanh Trai tỳ kheo tự Tịch Ngân thích Uông Uông luật sư hóa thân bồ tát thiền tọa, chính nguyệt sơ lục nhật chính kị.
Nam mô Tịnh Tạng tháp ma ha sa môn tự Chiếu Tuyên, hiệu Thanh Huyên ứng vô sở trụ nhi sinh kì tâm hóa thân bồ tát thiền tọa, thập nhất nguyệt thập nhất nhật chính kị”. Hầu hết các thiền sư trên đều có tháp an trí trong vườn chùa. Trong đó có ngôi tháp bằng đá lập năm Chính Hòa thứ 22 (1699) thờ thiền sư Tính Không, tổ khai phái bản tự là đẹp nhất, có khắc chữ nhưng chỉ ghi danh sách cúng dường, không có giá trị về sử liệu nên chúng tôi không đưa vào bài nghiên cứu.
[2] Theo Quang Khánh Tự Bi Minh Tự cho biết thiền sư Huệ Nhẫn còn gọi là tổ Non Đông, người làng Mông, Trà Xuyên (làng Dưỡng Mông, Kim Thành). Sư họ Vương, hiệu Khái Viên. Thuở nhỏ mất bố, mẹ hiền không tái giá nuôi con ăn học. Năm 10 tuổi cho đi học, 19 tuổi học rộng các sách, có chí xuất trần. Sư đến đỉnh lễ đại sư Kiên Huệ, chùa Báo Ân, Siêu Loại cầu xin xuất gia. Năm 21 tuổi, thọ giới cụ túc với hai thầy Nghĩa Trụ và Chân Giám. Sau đó, có người thỉnh về Đông Sơn. Ở đây, sư hoằng hóa phật đạo, nổi tiếng một vùng, được mọi người xưng là “Đông Sơn Hòa Thượng”. Ngài được mọi người cung phụng nhưng ngài từ chối, chỉ cày cấy tự sống. Lúc này khắp nơi trong nhân dân có tệ nạn ma quái, đồng cốt hoàng hành. Sư tự nghĩ việc thay đổi phong tục là cái đức của người quân tử, là năng lực của lòng từ bi, muốn bỏ tà tư để quay về chính đạo. Sư cùng học trò xuống núi, thuyết pháp khuyên bảo mọi người. Từ đó, đạo phong ngài lan rộng khắp vùng.
Vua Anh Tông thường đến thăm viếng chùa, ban cho ngài hiệu Huệ Nhẫn Quốc Sư. Mỗi khi có việc trọng đại quốc gia, thiền sư vào cung góp ý cùng vua. Sau một thời gian, thiền sư lập am riêng, lấy tên là “Minh Tịnh Liên Xã”, từ đó không trở ra nữa. Nửa đêm ngày 27 tháng giêng năm Khai Thái 2 (1404), thiền sư thị tịch, thọ 79 tuổi, tăng lạp 51.
[3] Văn bia do Tính Quảng Thích Điều Điều soạn, lập năm Cảnh Hưng 18 (1757), thác bản tủ sách Pháp Đăng.
[4] Tham khảo Thiền uyển truyền đăng lục quyển hạ và Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi, phần Bản quốc chư tổ kế đăng của hòa thượng Phúc Điền.
[5] Thiền sư Thanh Tiết hiệu Vô Mộc chưa xác định hành trạng, chờ tìm hiểu sau. Văn bia ghi Tịnh Trí tháp tức sau khi sư viên tịch được đồ chúng xây tháp, lấy tên là Tịnh Trí. Có thể sư có tên tự ở hàng chữ “Hải” trong kệ phái. Tên pháp của thiền sư Tịch Ngân do sư an lập, chứ thiền sư Tịch Nhuận phải cho đến chữ “Chiếu” hay thiền sư Tính Tĩnh cho xuống chứ “Hải” trong kệ phái.

[6] Thiền sư Tính Tĩnh họ Trần, sinh năm Giáp tuất (1754), quê ở Đông Khê. Năm 22 tuổi, sư đến thọ giáo với Hòa thượng Như Hiện tại chùa Nguyệt Quang. Sư thâm đạt yếu chỉ, ngộ được tâm tông. Sư là đệ tử út của tổ Thuần Giác nhưng lại được kế đăng trụ trì các ngôi tổ đình như Nguyệt Quang, Quỳnh Lâm. Đệ tử sư khá nhiều nên truyền bá rộng tông môn Lâm Tế. Sư chỉ chuyên tịnh nhất tâm, mà đã xây dựng lại được các ngôi cổ tự như Nguyệt Quang, Phước Quang, Quỳnh Lâm, Hương Hải, Côn Sơn. Sư đã từng làm Hòa thượng truyền giới cho 15 đàn giới. Đến cuối mùa xuân năm Quí Tỵ (1833), Sư từ giã đại chúng thị tịch, thọ 80 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét