Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Tháp ngài Đương Khánh chùa Nghĩa Trủng

VĂN BIA THÁP THIỀN SƯ ĐƯƠNG KHÁNH
                                                                Đồng Dưỡng
Chùa Nghĩa Trủng xưa thuộc thôn La Qua, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nguyên là một miếu thờ âm linh cô hồn, sau được chuyển đổi thành một ngôi chùa thờ Phật. Công việc này phải nhờ đến một vị quan họ Từ, đã nghĩ đến việc nghĩa, cho rằng muốn những hương linh cô mộ có nơi nương tựa thì không gì bằng thiết lập nơi thờ Phật, thánh để tiếp độ âm linh. Vị quan đó đã đến chùa Tam Thai xin một đại sư về trụ trì. Vị đó chính là Thiền sư Đương Khánh, người được xem là vị tổ đầu tiên của bổn tự, còn văn bia tháp mộ ghi rõ ngài là vị khai sơn trụ trì[1].
             Chánh điện chùa Nghĩa Trũng, Điện Bàn

Đại sư Đương Khánh, thế danh Phan Viết Mai, sinh ra trong một gia đình thấm thuần giáo pháp của Đức Phật. Sư có hai anh và hai em đều xuất gia đầu Phật. Năm 12 tuổi, sư đến chùa Linh Ứng lạy hòa thượng Từ Trí làm thầy. Từ đó, Sư đêm ngày học tập, chấp lao phục dịch và được tiến cử giữ chức tăng mục chùa Tam Thai. Đến năm Thành Thái Ất Tỵ (1905), sư thọ giới tại đại giới đàn chùa Long Sơn, Phú Yên và đậu thủ sa di trong đàn giới này. Năm Nhâm Tuất (1922), sư về chùa Nghĩa Trủng trụ trì, thiết lập đạo tràng, và từ một ngôi miếu nhỏ trở thành ngôi chùa khang trang, vừa thờ Phật vừa thờ âm linh cô mộ, tức chùa đóng hai vai trò vừa chùa vừa miếu. Năm Bảo Đại thứ 3 (1930), sư được thình về trụ trì chùa Thiền Lâm. Thời gian không lâu thì sư bị bệnh rồi xin được hưu dưỡng. Chưa kịp về chốn tổ Tam Thai thì sư đã viên tịch vào ngày 15 tháng 9 năm Quí Mùi (1943), thọ 63 tuổi. Sư là người đã tạo nên cơ sở vững chắc cho chùa Nghĩa Trủng, biết linh hoạt trong việc thiết lập các Phổ để duy trì chùa cảnh và cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử thời bấy giờ. Hành trạng của sư được khắc vào đá, gắn vào tường bên phải trước ngôi bảo tháp.
        Tháp thiền sư Đương Khánh chùa Nghĩa Trủng
Bia thuộc loại nhỏ, chiều dài 66cm, chiều rộng 35cm, xung quanh không trang trí hoa văn, chỉ kẻ đường viềng nổi. Lòng bia kết cấu 21 dòng, mỗi dòng 16 chữ, khắc mỏng, nét chữ chưa thật rõ, chữ viết chân phương, có tuân thủ cách viết húy như chữ thời viết sang chữ thìn. Bia do trưởng phổ Chương Tín Trần Sách[1] pháp danh Chơn Y soạn năm Bảo Đại thứ 19 (1944). Nội dung ghi chép sơ lược hành trạng thiền sư Đương Khánh.
Tại Quảng Nam, văn bia tháp ghi nhận hành trạng hay tiểu sử các bậc cao tăng chỉ thấy có mấy tấm như văn bia tháp thiền sư Vĩnh Gia, văn bia tháp thiền sư Phổ Bảo, Văn bia Hành trạng bi ký nói về tăng cang Huệ Duyệt và tấm văn bia này. Văn bia hành trạng các tổ nhưng không để tại mộ tháp thì có bài Thái Bình tự thạch bi, văn bia hành trạng hai tổ Ân Triêm, Minh Giác chùa Phước Lâm. Ý thức lập văn bia tháp bắt đầu từ thiền sư Vĩnh Gia, khi ngài về chốn tổ Phước Lâm, nhận thấy chùa trải qua sự hành đạo của các bậc cao tăng nhưng không được lập bia lưu truyền. Lần theo những tư liệu còn được biết, sư Vĩnh Gia đã cung lục hai bài văn. Một bài do chúng đệ tử soạn để ghi lại dấu tích thiền sư Ân Triêm và bài kia ghi nhận về hành trạng tổ Minh Giác. Hai bài văn này được ngài Vĩnh Gia cho khắc vào đá dựng tại nhà bia bên phải trước chùa Phước Lâm. Khi ngài viên tịch, ý thức đó được tiếp tục và học trò ngài đã dựng một tấm văn bia để sau tháp. Như thế, văn bia tháp tổ ở vùng Bắc Quảng Nam cũng chỉ mới xuất hiện cách đây 100 năm. Điều này quá chậm đối với khu vực Phú Xuân (Huế). Tại Huế, vào thời các chúa Nguyễn đã xuất hiện các văn bia như bia tháp tổ Nguyên Thiều, Liễu Quán. Đến đời Nguyễn, xuất hiện văn bia tháp tại chùa Từ Hiếu, Tường Vân, Tây Thiên, Linh Quang, Hải Đức, Thiền Tôn…Các bài văn bia tháp để lại nhiều tư liệu quí trong việc nghiên cứu các nhân vật lịch sử, nhất là truyện các cao tăng. Sau đây là phần phiên âm, dịch nghĩa của chúng tôi.
              Tấm văn bia viết về ngài Đương Khánh
Phiên âm:
Trụ trì Đương Khánh nãi thiền sư Phan Đại Lão chi tử, Phổ Đồng, Diệu Lý nhị đại sư chi đệ, Tăng cang Thiện Trung, Yết Ma Thiện Ân chi huynh, Thi Nhơn nhân dã. Niên Tân Tỵ, sơ thụ gia giáo, niên thập nhị xuất gia đầu vu Linh Ứng tự tăng cang Từ Trí lão hòa thượng, nhật tắc học tập luật luận; dạ tắc trì tụng kinh văn, mông đắc Tam Thai tăng mục ngạch. Thành Thái Ất Tỵ niên, Phú Yên tỉnh Long Sơn tự lão hòa thượng khai đại giới đàn, Đương Khánh đắc suy vi Thủ Sa Di. Khải Định thất niên, hoán hồi Nghĩa tự tự trưởng. Đương thử nhất sơ kiến thiết bách sự gian lao. Đương Khánh hương đăng phụng Phật, tương thể dưỡng tăng, hiển khuyến hạt nội quan thân, thiện tín. Do tỉnh khất bằng, thiết lập danh phổ. Bảo Đại tam niên, thừa tỉnh cấp bằng trụ trì Thiên Lâm tự viện, nhật tựu trang nghiêm, tăng xá đông đường thìn tăng sảng khải. Khứ niên, tích lao thành bệnh, do tỉnh bẩm cáo thối, dưỡng lão thừa sức sĩ, bệnh thuyên hoán hồi Tam Thai tự, bất đồ bản niên cửu nguyệt thập ngũ nhật hợi khắc viên tịch tại tự, tự tăng hợp thập cửu nhật thìn bài, đạo đồ tương táng tự viên chi tây. Y! cát ái từ thân, ly hương khứ lý, thập ngũ niên tâm trai khiết phạn, bỉnh tính bất tham, vi nhân bất siểm, chung lão vu thiền lâm, thật tăng già trung ương chi bất khả thiểu dã. Tư bổn đạo tịnh tăng đồ thiết tác bảo tháp, thỉnh thuật vu sách. Sách lược quyền kỳ nhất, nhị cạnh khái chi khả, quán giả thứ cơ đắc A Nậu Đa La Tam Niệu Tam Bồ Đề.
Bảo Đại thập cửu niên nhị nguyệt thập ngũ nhật.
Chương Tín phổ phổ trưởng Trần Sách pháp danh Chơn Y cẩn thuật.
Dịch nghĩa:
Trụ trì Đương Khánh quê xã Thi Lai tổng An Nhơn trung[2] là con của thiền sư Phan Đại Lão, em của hai đại sư Phổ Đồng, Diệu Lý[3] và anh của tăng cang Thiện Trung, Yết Ma Thiện Ân[4]. Năm Tân Tỵ (1821), ngài theo học lớp gia giáo. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia với hòa thượng tăng cang Từ Trí[5] chùa Linh Ứng. Ban ngày ngài học tập luật luận, ban đêm trì tụng kinh văn, vâng giữ ngạch tăng mục chùa Tam Thai. Năm Tân Tỵ niên hiệu Thành Thái (1881), Lão hòa thượng chùa Long Sơn, Phú Yên[6] có mở đại giới đàn, ngài đạt được thủ sa di. Năm Khải Định thứ 7 (1922), ngài trở lại làm tự trưởng Nghĩa Tự. Lúc đầu xây dựng gặp trăm việc gian nan. Ngài hương hỏa thờ Phật, tương rau nuôi tăng chúng, kuyến hóa các bậc viên quan, thiện tín trong hạt trình đơn bằng, thiết lập các Phổ. Năm Bảo Đại thứ 5(1929), tỉnh cấp bằng trụ trì chùa Thiền Lâm[7], chùa ngày một trang nghiêm, nhà tăng, nhà đông ngày càng khang trang. Năm ngoái, ngài gặp nhiều lao khổ nên thành bệnh. Ngài xin tỉnh đường cáo lui, đợi bệnh thuyên giảm, rồi về chùa Tam Thai dưỡng lão. Không ngờ, giờ Hợi ngày 15 tháng 9 năm nay, ngài viên tịch tại bổn tự. Giờ thìn ngày 19, chư tăng, tín đồ cùng đệ tử đem táng phía tây trong vườn chùa.
Ôi! Cát ái từ thân, rời làng bỏ xóm; năm mươi năm trường trì trai giới, giữ tánh không tham, không nịnh với người, suốt đời ở cảnh thiền lâm, thật là không thể thiếu trong giới tăng già. Nay tăng đồ và bổn đạo lập bảo tháp, xin ta bài văn. Ta đại lược một hai điều khảng khái để xem. Thế mới được thành bậc chính đẳng chính giác.
Ngày 5 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 19. Trưởng phổ Chương Tín Trần Sách pháp danh Chơn Y kính cẩn thuật.  



[1] Trần Sách còn gọi là Trần Huỳnh Sách, ông vốn họ Huỳnh-Qui Nhơn, sau ra trú tại làng La Qua đổi sang họ Trần.
[2] Thi Lai là một thôn xã thuộc tổng An Nhơn trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn.
[3] Sư Diệu Lý thế danh Phan Viết Sừng, pháp danh là Chơn Cần, pháp tự Đạo Niệm. Sư xuất gia với ngài Vĩnh Gia, sau về trụ trì chùa làng Thi Lai. Sư Phổ Đồng thế danh Phan Viết Cảnh, pháp danh Chơn Phước, tự Đạo Điền. Ngài xuất gia với ngài Vĩnh Gia chùa Phước Lâm, sau trụ trì chùa Thi Lai. Cả hai đều không biết năm sinh, năm mất, tháp mộ ở đâu.
[4] Sư Thiện Ân (1883-1945) thế danh Phan Viết Liễu, pháp danh Chơn Đạt, tự Đạo Vận, xuất gia với ngài Từ Nhẫn. Ngài vào nam hoằng hóa nhưng chưa rõ. Sư Thiện Trung thế danh Phan Viết Trúc, pháp danh Chơn Phương, tự Đạo Cân xuất gia với tổ Từ Nhẫn. Ngài từng trụ trì chùa Linh Ứng, Tam Thai, được sắc phong Tăng cang.
[5] Tăng cang Từ Trí (1852-1921) thế danh Nguyễn Viết Lô, hiệu Thức Trai, quán xã Bình An, huyện Lễ Dương. Năm 15 tuổi, sư xuất gia với thiền sư Mật Hạnh, chùa Linh Ứng. Năm Bính Tuất (1886), sư được bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Ứng. Năm Ất Mùi (1895) sư được sắc phong tăng cang kiêm quản hai chùa Tam Thai, Linh Ứng. Năm Nhâm Dần (1902), tại trai đàn tại chùa Linh Ứng, được ban ca sa.
[6] Chùa Long Sơn còn gọi là Long Sơn Bát Nhã, chùa do thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ khai sơn thời Nguyễn sơ. Chùa là một tổ đình lớn của thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên.
[7] Chùa Thiền Lâm hiện chưa xác định được vị trí chỗ nào của tỉnh Quảng Nam.


[1] Theo văn bia mộ tháp ghi: “Phụng vì sắc tứ nghĩa Trủng khai sơn trụ trì Phan tính thượng Chơn hạ Lăng tự Đạo Linh hiệu Đương Khánh chi mộ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét