Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

ĐI TÌM MỘT SỐ BÀI TỰA, BẠT CỦA THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN

 ĐI TÌM MỘT SỐ BÀI TỰA, BẠT CỦA THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN
                                                                                            Đồng Dưỡng
Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) là một cao tăng sống vào thời Lê Trung Hưng. Sư là người phục hưng thiền phái Trúc Lâm, là một tác gia văn học Phật Giáo cũng như văn học dân tộc. Một số tác phẩm của sư như Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Thiền tông bản hạnh, Thiền tịch phú, Kiến tính thành Phật, Ngộ đạo nhân duyên đẳng kệ có giá trị triết học, thiền học, ngôn ngữ. Ngoài ra, sư còn có một số tác phẩm tuy không nổi trội nhưng giúp chúng ta tìm hiểu một số vấn đề về tư tưởng, sinh hoạt thiền môn, âm nhạc Phật Giáo Việt Nam thời Lê-Nguyễn.

Vì thế, đề tài nghiên cứu về con người và sự nghiệp của thiền sư Chân Nguyên đã được các công trình hướng đến. Tiêu biểu là Lê Mạnh Thát với Chân Nguyên thiền sư toàn tập[1] (CNTSTT). Bộ sách này mới in Roneo được hai tập, sưu tầm rất nhiều tác phẩm của Chân Nguyên, nhưng do tình hình lúc đó công việc sưu tầm chưa đầy đủ để hoàn thành bộ toàn tập. Ngoài ra, các học giả như Hoàng Xuân Hãn, Thanh Từ, Hoàng Thị Ngọ, Thích Phước An đều có công trình nghiên cứu về tác phẩm thiền sư Chân Nguyên. Năm 2007, Phạm Văn Tuấn bảo vệ luận văn với đề tài Kiến tính thành Phật của Chân Nguyên thiền sư giới thiệu và khảo cứu. Trong luận văn cao học, Phạm Văn Tuấn đã sưu tầm được một số tác phẩm[2], nhất là cho nghiên cứu văn bản Kiến tính Thành Phật mà trước đó chưa ai làm tốt các vấn đề về văn bản học.
Đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy có một số bài tựa, bạt do Chân Nguyên viết vẫn còn trong các bản in kinh sách mà chưa nhà nghiên cứu nào nói đến. Tác giả CNTSTT trong phần Giới thiệu về tựa bạt của Chân Nguyên mới chỉ phác thảo vài ý và chỉ đưa ra được bài tựa và bài bạt trong Long thư tịnh độ văn. Tác giả có nói đến bài tựa trong Kim cương kinh chú giải[3], bản in chùa Linh Quang nhưng còn do dự vì văn bản không ghi năm in cùng tác giả bài tựa.
Trong quá trình đọc sách tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi tìm được bản Kim cương kinh tập chú, kí hiệu AC. 510. Văn bản AC. 510 được in năm Chính Hòa thứ 21 (1700), chùa Quỳnh Lâm tàng bản (gọi tắt là bản Quỳnh Lâm). Cuối bài tựa cho biết sư Chân Nguyên phó chúc cho sa di Như Chúc[4] trùng san. Bài tựa và bạt có ghi rõ do Chân Nguyên viết, riêng bài tựa mất một tờ đầu. Khi đối chiếu với bản Linh Quang, chúng tôi nhận thấy bản Linh Quang lấy bản Quỳnh Lâm làm bản nền để khắc ván. Bản Linh Quang lấy bài hậu bạt, có bỏ phần truyền đăng trong bản Quỳnh Lâm làm bài tựa. Có thể người đứng in sở hữu một bản mất bài tựa và lạc khoản năm in nên họ mới lấy bài hậu bạt làm bài tựa và không ghi lại xuất xứ của người soạn cùng năm khắc in.

Đọc trong Lý tướng công minh ty lục[5], bản do Tỳ Kheo Phổ Hưng, chùa Phổ Am, xã Cát Bí, huyện thượng phúc, phủ Thượng Tín, tỉnh Hà Nội in năm Tự Đức thứ nhất (1848), ta biết bản này được trùng san lại từ một bản do tỳ kheo Như Đẳng[6] và thiện sĩ Lương Đình Bảng tự Đạo Trung khắc in, ván để tại chùa Quỳnh lâm. Trong đó, có cung lục bài Lí tướng công minh ty lục trùng san Chân Nguyên lược dẫn tự viết do Chân Nguyên viết vào Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708).

Chúng tôi tìm được một bài tựa Bát nhã ba la mật đa tâm kinh vô cấu thiền sư chú giải tự viết[7] (gọi tắt là Tâm kinh chú giải tự viết) của sư Chân Nguyên viết năm Bảo Thái thứ 5 (1724). Bản Tâm Kinh chú giải được sư Tính Tuyên (?-1747)[8], chùa Quang Ân đứng in dưới sự giáo hóa của Chân Nguyên. Cuối bài tựa có hai bài kệ và một câu đối của Chân Nguyên. Hai bài kệ này từng xuất hiện trong phụ hậu Ngộ đạo nhân duyên đẳng kệ của sách Thiền tông bản hạnh. Bài kệ thứ hai là Tự tính ứng dụng kệ có một số chữ khác với bản Ngộ đạo nhân duyên.
Trong bản in Ngũ Chủng bồ đề yếu nghĩa[9] có một bài tựa của Chân Nguyên viết năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Bài tựa Ngũ chủng bồ đề yếu nghĩa trùng san tự viết cho biết tác phẩm này của hòa thượng Chuyết Công được sư Chân Nguyên trùng san. Sư giao công việc khắc ván cho sa di Như Tùy (1696 – 1733)[10]. Trong bản in này, sư Như Tùy đã in thêm “Phụ hậu Liên tông thiền tông chư vấn diệu lý, dĩ thị hậu học tảo đắc giác ngộ sự lý cứu cánh tốc đắc thành Phật” của sư Chân Nguyên vào sau tác phẩm của Chuyết Công. Đoạn đầu, Chân Nguyên trích lại một số đoạn trong Long thư tịnh độ văn, sau đó là sư nêu ra những câu hỏi có liên quan đến tịnh độ tông rồi tự trả lời. Cách làm này giống với sách Kiến tính thành Phật.
Một bản trùng san Ngũ chủng bồ đề yếu nghĩa được đóng sau kinh Vô Lượng Thọ do bí sô ni Diệu Thụy, chùa Địa Linh Tây Hồ[11] đứng in năm Tự Đức thứ 13. Bản in này dựa trên bản in của thiền sư Tính Tuyên chùa Quang Ân khắc ván năm 1747. Tính Tuyên đã tự mình viết bài tựa mới cho lần in này. Bài tựa rất giống bài tựa của Chân Nguyên viết ra trước đó mấy chục năm. Cuối tựa cho biết: “Tăng thống Tuệ Đăng Chính Giác hòa thượng, tỳ kheo Chân Nguyên đã phó chúc cho tôn thừa Tính Tuyên phụng hành kính in”. Trong bản in năm Bảo Thái 7 (1726), cuối tựa có câu: “Tăng thống Chính Giác hòa thượng tỳ kheo Chân Nguyên phó chúc đệ tử sa di Như Tùy phụng hành san bản”. Như thế, Chân Nguyên đã phú chúc cho hai vị là Như Tùy, Tính Tuyên đứng in tác phẩm của Chuyết Công. Như Tùy đứng in lúc Chân Nguyên còn sống, Tính Tuyên đứng in lúc sư viên tịch đã hai mươi mấy năm. Bản in của sư Như Tùy có in thêm “Phụ hậu Liên tông thiền tông chư vấn diệu lý, dĩ thị hậu học tảo đắc giác ngộ sự lý cứu cánh tốc đắc thành Phật”. Bản in của Tính Tuyên có in thêm Tịnh Độ Yếu Nghĩa với phần nhan đề ghi theo kiểu nội dung “Phụ hậu thiện ác báo ứng, phả khuyến niệm Phật, lâm chung chính niệm”. Lê Mạnh Thát có lí khi ông nhận định: “Một trong những hạn chế đó là Tịnh Độ yếu nghĩa đã sử dụng những tài liệu khác nhau để xây dựng và phát biểu quan niệm của mình, nên thật sự không phải một sáng tác phẩm thuần túy của Chân Nguyên. Nếu có chăng thì chỉ là phần cuối của tác phẩm đó thôi[12]. Bản in của Như Tùy thì ghi rõ xuất xứ, còn bản của sư Tính Tuyên thì không ghi lại xuất xứ nên khi đọc chúng ta tưởng lời văn của Chân Nguyên. Bản in của Như Tùy chỉ ghi ba đoạn trong hai quyển là quyển hai và quyển bốn của Sách Long thư tịnh độ văn, rồi đến những câu hỏi do Chân Nguyên tự đặt ra, cùng lời giải đáp những nghi vấn. Văn bản có giá trị học thuật cao, giúp chúng ta nghiên cứu về tư tưởng Tịnh độ của Chân Nguyên.
Xuất xứ của bản in Kinh Vô lượng nghĩa cùng Bồ đề tịnh độ yếu nghĩa đã ghi lại trong bản Mật chú viên nhân vãng sinh tập, đóng sau tập Hiển Mật Viên thông. Tờ 34a cho chúng ta thông tin như sau: “Vào ngày tốt tháng 8 năm Canh Thân niên hiệu Tự Đức thứ 13, Bí sô ni Diệu Thùy chùa Địa Linh phường Tây Hồ huyện Vĩnh Thuận phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội nhân thấy Nguyễn Huy Côn người thôn Hạ Đình, xã Nhân Mục cựu, huyện Thanh Trì giữ chức Tá Nhị huyện Hoài An, cùng sư  pháp danh An Trụ  người thôn nội xã La Vân bản huyện trụ trì chùa Giải Oan thôn thượng xã Yến Vỹ huyện hạt cùng khuyến hóa san khắc vào tháng 10 năm Tân Hợi [niên hiệu Tự Đức] thứ 4 các bản Hiển mật viên thông tập, Mật chú viên nhân vãng sinh tập, Vô lượng thọ kinh, Bồ đề tịnh độ yếu nghĩa khắc tại chùa Hương Trản xã Hội Xá đã thành 104 tấm ván, tất cả được 192 tờ, còn bảng phương danh công đức chưa được san khắc mà An Trụ tôn giả viên tịch. Thiết nghĩ pháp bảo cùng phương danh công đức có liên quan. Nay kinh bản đã được đưa đến tỉnh thành muốn tìm danh lam lưu trữ để tiện in ấn rộng lưu truyền…[13] Như thế, lúc đầu các bản do sư An Trụ khắc in, sau khi An Trụ viên tịch các ván được đưa lên chùa Địa Linh và cho in ấn lưu thông. Sư An Trụ trụ trì chùa Giải Oan thuộc xã Yến Vỹ, nay nằm trong khu di tích chùa Hương chứ không như Lê Mạnh Thát cho “Chùa Giải Oan nằm trong vùng núi Yên Tử, căn cứ địa của thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng[14].
Theo bản in Phật thuyết tây phương di đà như lai bản nhân tu hành tứ thập bát nguyện kinh[15] (gọi tắt là Tứ thập bát nguyện kinh) được khắc in năm Bảo Thái thứ 7 (1726), bản lưu tại chùa Quang Ân, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Bản in này có đóng chung với Tịnh độ sám nguyệnTịnh độ quyết nghi. Trong đó có in một bài tựa và một bài hậu bạt do sư Chân Nguyên soạn. Bài tựa đề “Tây phương Di Đà Như Lai bản nhân tu hành tứ thập bát nguyện kinh trùng san tự viết” và bài bạt đề “Tây phương Di Đà Như Lai bản nhân tu hành tứ thập bát nguyện kinh bạt hậu tự”. Cuối bài tựa cho biết: “Lê triều Bảo Thái thất niên tuế thứ Bính Ngọ thu tiết cốc nhật soạn lai trùng san. Tăng thống Chính Giác hòa thượng tự Chân Nguyên phó chúc tôn thừa sa di tự Tính Tuyên san bản ấn tán” nghĩa là ngày tốt tiết thu năm Bính Ngọ niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726) triều Lê soạn để trùng san, Tăng thống chính giác hòa thượng tự Chân Nguyên phó chúc cho tôn thừa sa di tự Tính Tuyên khắc bản lưu thông. Như thế, thiền sư Chân Nguyên đã phó chúc cho sa di Tính Tuyên khắc bản kinh.
Về bản in Thánh đăng ngữ lục[16], tác giả CNTSTT có nói đến việc Chân Nguyên có đứng in sách và tác giả này đoán là sư có soạn bài tựa và bạt nhưng chưa tìm ra được. Theo chỉ dẫn trên, chúng tôi tiến hành xem xét lại bản in Thánh Đăng ngữ lục năm 1750 và chỉ biết một bài tựa của sư Tính Quảng cùng một bài bạt hậu không ghi lại tác giả. Có một số nhà nghiên cứu cho bài đó là của sư Tính Lãng, am Trí Nhàn soạn, vì sau bài bạt có ghi tên sư cung tiến cho hai vị thầy của mình. Chúng tôi lần đọc nguyên tác thấy trong đó có chất dọng của sư Chân Nguyên. Sự nghi vấn của chúng tôi rồi cũng có câu trả lời khi đối chiếu với bài tựa của sách Kiến Tính thành phật. Qua khảo sát, chúng tôi đưa ra mấy lí do để kết luận đó là bài viết của sư Chân Nguyên.
Lí do thứ nhất, theo bài tựa cho biết vào năm Vĩnh Thịnh Ất Dậu (1705), sư Chân Nguyên chùa Long Động có trùng san bản sách. Chân nguyên khi in sách thường có soạn bài tựa và hậu bạt. Địa vị sách Thánh đăng ngữ lục đối với sư rất quan trọng, khi soạn Thiền tông bản hạnh, sư lấy Thánh đăng ngữ lục làm tài liệu chính để viết nên. Thứ hai ngôn ngữ viết bài hậu bạt rất giống bài tựa Kiến tính thành phật. Bài hậu bạt có đoạn: “Cố Xuyên lão thiền sư vân: Mạt hậu nhất cú, thủy đáo lao quan, trực đắc tam thế chư Phật, tứ mục tương cố. Lục tổ đại sư, thối thân hữu phần, hà vị thị giang hà triệt đống, thủy thệ bất thông, cực mục kinh trăn, nan vi thác túc, đáo giá lý thiêm ti mao, như nhãn trung khán tốc, giảm nhất ti mao tợ nhục thượng … tụng viết:
Đắc ưu du xứ thả ưu du
Vân tự cao phi thủy tự lưu.
Chỉ kiến hắc phong phiên đại lãng,
Vị văn trầm khước điếu ngư chu”.
So với bài tựa Kiến tính thành phật từ tờ 6b3-14 đến tờ 7b1-13 thì chỉ khác một vài chữ như trong bài tụng câu thứ 3 chữ “Phong” thì bài tựa Kiến tính thành Phật là chữ “Vân”. Những đoạn khẩu khí của Chân Nguyên như: “Trí giả tu tri, đối nhãn linh nguyên trạm trạm, hiện tiền pháp tính như như, viên đồng thái hư, tịch quang phổ chiếu, nhân nhân bản cụ, cá cá viên thành…”. Do đó, điều chắc rằng bài hậu bạt phải do sư Chân Nguyên soạn. Như thế, trong khi trùng san Thánh Đăng lục, sư Tính Lãng đã sử dụng một bản thiếu mất bài tựa nên sư mới lục tục lên Tử Trầm nhờ sư Tính Quảng viết bài tựa mới cho lần trùng san và cung lục bài hậu bạt của sư Chân Nguyên vào cuối sách.
Việc phát hiện tác giả bài hậu bạt trong Thánh Đăng lục đã giúp chúng tôi có nhân duyên khảo sát tiếp văn bản Tuệ trung thượng sĩ ngữ lục[17].  Hiện nay, chúng ta được biết có mấy bản Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, trong đó bản in do sư Tuệ Nguyên chùa Long Động trùng san năm Chính Hòa thứ 4 (1683) là xưa nhất. Trong bản in này, sư Tuệ Nguyên đứng ra viết bài tựa sách. Nhiều nhà nghiên cứu không biết tông tích của sư Tuệ Nguyên, chỉ biết sư ở chùa Long Động. Việc sư Tuệ Nguyên ở chùa Long Động đã hé mở cho chúng tôi thấy được mối quan hệ giữa Tuệ Nguyên và Chân Nguyên. Như thế, họ có quan hệ như thế nào hay họ chỉ là một người.
Chúng tôi cho rằng sư Tuệ Nguyên đây chính là sư Chân Nguyên và bài tựa đó do sư Chân Nguyên viết. Cách lập luận của chúng tôi cũng chỉ bám sát các tư liệu hán nôm còn bảo tồn. chúng tôi đưa ra mấy lí do sau. Lí do thứ nhất tên Tuệ Nguyên chính là cách viết tắt của Tuệ Đăng hòa thượng Chân Nguyên thiền sư. Lí do thứ hai là niên đại, năm Chính Hòa thứ 4 sư Tuệ Nguyên in sách tại chùa Long Động thì sư Chân Nguyên (1647-1726) đi đâu. Mà lúc đó, sư Chân Nguyên đang trụ trì Long Động, tông trưởng của dòng Trúc Lâm. Chúng ta biết trong niên hiệu Chính Hòa, Vĩnh Thịnh triều Lê, sư Chân Nguyên đứng in nhiều kinh sách. Trong các bài tựa, sư hay ca ngợi giai đoạn này như sự thịnh hành của đạo Phật. Bài tựa Kiến tính thành Phật ca ngợi như sau: “Triều Lê niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đức Giác Hoàng cổ Phật sinh trở lại để mở bày hiển rõ tạng kinh. Mây từ nhuần khắp, mưa pháp thấm đều, từ hàng Thích tử cho đến muôn dân đồng được hưởng ân huệ…” hay trong Thiền tông bản hạnh có câu:
Bụt sinh hoàng giác Lê gia,
Thánh chúa vỗ trị gần xa lai hàng
Bốn phương khói tắt lửa lang
Phong điều vũ thuận dân an thái bình…”
Lí do thứ ba là ngôn ngữ sử dụng trong bài tựa giống với khẩu khí của sư Chân Nguyên. Bài tựa có đoạn: “Viên đồng thái hư, vô khiếm vô dư, nhân nhân bản cụ, cá cá viên thành dã. Lương do chúng sinh bất ngộ tự kỷ chân Phật…” hay: “Chỉ thị thiền tông, bát tự đả khai, lưỡng thủ phân phó. Như hà phân phó, vị thị Bính Đinh đồng tử, hỏa bản cùng minh, bất dụng tha cầu, phản quan tự tính. Phật Phật duy truyền tâm ấn, tổ tổ mật phó ấn tâm, chỉ lệnh chúng sinh, ngộ tự kỷ Phật…”. Những đoạn chúng tôi trích dẫn ở trên, cách sử dụng ngôn từ, cú pháp rất giống sư Chân Nguyên viết trong Kiến tính thành Phật. Chân Nguyên tự coi mình thuộc phái Trúc Lâm nên trong các sách của mình đều bị ảnh hưởng ngôn ngữ của thiền phái. Dọng văn và cách dùng từ như thế xuất hiện nhiều trong các sách đời Trần như Thánh đăng ngữ lục, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, Khóa hư lục và chính Chân Nguyên trong tác phẩm Kiến tính thành Phật vẫn luôn trích dẫn các kệ tụng của Tuệ Trung thượng sĩ. Lí do thứ tư, trong các bài tựa do Chân Nguyên soạn thì cuối bài tựa thường có ghi câu đối ca ngợi sự thịnh vượng quốc gia cùng sự phát triển của đạo pháp và các bài kệ thiền tông. Chúng tôi nhận thấy bài tựa trong Thượng sĩ ngữ lục cũng có ghi câu đối và bài kệ. Do đó, chúng tôi cho bài tựa do sư Chân Nguyên soạn ra, Tuệ Nguyên chỉ là tên viết tắc của Tuệ Đăng Chân Nguyên, lấy chữ đầu và chữ cuối để nói gọn lại.

Như thế, chúng tôi sưu tầm được một số bài tựa, bạt của Chân Nguyên như sau:
1.     Bài tựa Kim cương kinh chú giải
2.     Bài Kim cương kinh chú giải hậu bạt
3.     Bài tựa Bát nhã ba la mật đa tâm kinh vô cấu thiền sư chú giải tự viết
4.     Bài tựa Ngũ chủng bồ đề yếu nghĩa trùng san tự viết
5.     Bài tựa Tây phương Di Đà Như Lai bản nhân tu hành tứ thập bát nguyện kinh trùng san tự viết
6.     Bài bạt Tây phương Di Đà Như Lai bản nhân tu hành tứ thập bát nguyện kinh bạt hậu tự.
7.     Bài Thánh đăng ngữ lục hậu bạt
8.     Bài tựa Lí tướng công minh ty lục trùng san Chân Nguyên lược dẫn tự viết
9.     Bài tựa sách Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục
Và “Phụ hậu Liên tông thiền tông chư vấn diệu lý, dĩ thị hậu học tảo đắc giác ngộ sự lý cứu cánh tốc đắc thành Phật” in sau sách Ngũ chủng Bồ Đề Yếu Nghĩa của Chuyết Công hòa thượng.
Đó chính là sự nổ lực của chúng tôi trong công việc sưu tầm tư liệu về các bài tựa, bạt của thiền sư Chân Nguyên. Chân Nguyên để lại khá nhiều tác phẩm, công nghiệp của thiền sư thật quá lớn, chúng ta chỉ tìm trong muôn một. Thông qua các bài tựa, bài bạt trong một số kinh sách Phật Giáo do Chân Nguyên soạn, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ, tư tưởng của thiền sư. Dấu ấn ngôn ngữ của sư hiện rõ trong các tác phẩm, thể hiện một cá tính rõ nét, điều đó giúp chúng ta tìm ra được tác giả một số bài tựa, bạt như trong các sách Thánh đăng ngữ lục, Tuệ Trung thượng sỹ ngữ lục mà chúng tôi đã chứng minh ở trên.
            (đã đăng trong Văn Hóa Phật Giáo, số 113, năm 2010, có sửa vài lỗi nhỏ)

                                                                         Ân Triêm ngày 27/8/2010


CHÚ THÍCH:
[1] Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập. Sách bao gồm hai tập, tập 1 in năm 1980, tập hai in năm 1979, do Tu thư Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Lê Mạnh Thát công bố tập 1 gồm mấy tác phẩm như sau: Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới, Nghênh sư duyệt định khoa, Bài tựa và hậu bạt sách Long thư tịnh độ văn, Tịnh độ yếu nghĩa, Thiền tịch phú, Thiền tông bản hạnh. Tập 2 công bố các văn bản như Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Đạt Na thái tử hành, Hồng Mông hành. Dự định tác giả công bố tập ba gồm văn bản Thiên Nam ngữ lục. Trong đó thiếu Kiến tính thành Phật, Ngộ đạo nhân duyên đẳng kệ. Chúng tôi cho rằng Đạt Na thái tử hành, Hồng Mông hành, Thiên nam ngữ lục chưa tất của Chân Nguyên. Vì trong sách không ghi lại tên tác giả, cách lập luận của Lê Mạnh Thát hơn gán ép.
[2] Trong đó, tác giả cho bài tựa sách Lý tướng công chép sự minh ty, văn bia Cửu phẩm liên hoa của Chân Nguyên. Điều này nhầm, Chân Nguyên có soạn Lí tướng công minh ty lục trùng san Chân Nguyên lược dẫn tự viết và Chân Nguyên đứng ra lập cửu phẩm liên hoa tại chùa Phẩm, Hải Dương chứ không soạn văn bia.
[3]  Bản lưu tại viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 141.
[4] Sư Như Chúc đệ tử lớn của thiền sư Chân Nguyên, hiện hành trạng vẫn chưa rõ.
[5] Lí tướng công minh ty lục, bản AC. 630 của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[6] Như Đẳng: một vị đệ tử của Chân Nguyên, hành trạng chưa rõ.
[7] Thiền sư Vô Cấu, Bát Nhã Tâm kinh chú giải, Chân Nguyên viết tựa, Tính Tuyên đứng in năm Bảo Thái thứ 5, Chùa Quang Ân tàng bản, thư viện chùa Hói-Hải Dương.
[8] Thiền sư Tính Tuyên quê xã Ninh Vũ, huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Sư xuất gia với thiền sư Như Liên tại chùa Bằng (Linh Tiên thiền tự). Sau khi Như Liên viên tịch, sư kế đăng trụ trì hai chùa Bằng và Quang Ân. Sư làm các Phật sự như lập cầu Quang Bằng, Cầu Hóp, Cầu Biêu. Sư còn đứng ra in ấn các kinh sách như Tứ thập bát nguyện kinh, Tâm kinh chú giải, Ngũ chủng bồ đề yếu nghĩa…
[9] Ngũ chủng bồ đề yếu nghĩa của Chuyết Công soạn, Chân Nguyên viết tựa, bản in năm Bảo Thái thứ 5 (1726), chùa Quỳnh Lâm tàng bản, Viện nghiên cứu hán nôm, kí hiệu AC. 433.
[10] Thiền sư Như Tùy Vô Trụ (1696-1733): sư họ Nguyễn, người xã Nghi Dương huyện Nghi Dương phủ Kinh Môn đạo Hải Dương. Thiền sư sinh ngày 17 tháng 6 năm Lê Chính Hòa 17 (1696). Sư xuất gia với thiền sư Chân Nguyên chùa Long Động núi Yên Tử. Sư được tổ Chân Nguyên cho theo làm thị giả. Một hôm, Chân Nguyên hỏi: “Thị giả được bao năm rồi?” Ông đáp: “Xin trọn đời”. Vì thế mà được Chân Nguyên đặt tên là Như Tùy. Ông thờ thầy hết mực, trọn đạo cho đến khi Chân Nguyên viên tịch (1726). Sư vân du giáo hóa, chống gậy đến Lãm sơn không lâu thì viên tịch.  Sư viên tịch vào ngày 26 tháng 10 năm Lê Long Đức thứ 2 (1733) khi mới 36 tuổi, đệ tử theo học và giới tử hơn 30 người, dựng tháp Viên Không tại chùa Bảo Quang (chùa Bụt Mọc) phụng thờ (Theo Viên Không tháp ký do Hải Khâm Thân Thân soạn, thác bản Tủ sách Pháp Đăng)
[11] Chùa Địa Linh: Xưa có tên tự là Phổ Linh, đến đời Nguyễn gọi là Địa Linh, nay gọi là chùa Tây Hồ thuộc thành phố Hà Nội.
[12] Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, Tp HCM, 1980, tr. 169.
[13] Bản lưu tại viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 159. Bản in năm Tự Đức thứ 13.
[14] Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, Tp HCM, 1980, tr. 162.
[15] Bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán nôm, kí hiệu AC. 631. Hai bản đóng chung là Tịnh độ sám nguyện và Tịnh Độ quyết nghi, cuối sách có đề “Bản lưu Kinh Đô Càn An tự”, nghĩa là bản lưu tại chùa Càn An, Kinh Đô, tức bản in này được khắc in vào thời Lê Trung Hưng.
[16] Chúng tôi sử dụng bản Thánh Đăng Ngữ Lục in năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), kí hiệu A. 2569 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[17] Bản lưu tại viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A 1932.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét