BA VỊ TRỤ TRÌ CHÙA QUANG ÂN THỜI HẬU LÊ
Đồng Dưỡng
Trước đây, trong bài viết Tìm Hiểu Các Thiền Sư Chùa Bằng[1], chúng tôi có đề cập đến chùa Quang Ân như là một mối quan hệ tương giao. Có một thời gian, hai chùa có cùng một vị trụ trì. Các nhà sư đã tạo lập biết bao nhiêu công trình, tạo nhiều điều kiện để chùa trở nên là một ngôi già lam lớn. Chùa Quang Ân cùng với đền Chu Văn An, Phạm Tu và hai chùa Vực, chùa Quang Phúc tạo nên một khu di tích của xã Thanh Liệt. Trong ba ngôi chùa, Quang Ân được đón nhận nhiều vị cao tăng thạc đức đến hành hóa như tổ Như Liên, Tính Tuyên, Như Tâm, Thanh An[2], Vĩnh Nghiêm…Ở mỗi vị đều góp nhiều công sức vào ngôi chùa, làm nên một lịch sử truyền thừa phật pháp.
Theo những tấm bia đá còn được bảo tồn cũng không đưa ra năm lập chùa. Theo Quang Ân Thiền Tự Thiên Đài Trụ Thạch Bi[3] hiện được để trước chùa cho biết thiền sư Như Liên viết chữ và biên soạn: “Tư Sơn Nam đạo, Thường Tín phủ, Thanh Trì huyện, Quang Liệt xã, Giáp Trung thôn, Quang Ân tự danh lam cổ tích, kinh cửu thời tao phong vũ, cựu chế đồi huy, khánh kim nhật hân đổ thái bình, tân đồ tái cử. Nãi hữu hưng công hội chủ hội tập toàn thôn thượng hạ giai phát bồ đề tâm, cộng tín chủ nhậm tình đa thiểu, tu tạo thượng điện nhất gian nhị hạ, thiết lâm thiết liễn thiết tu, thượng hữu ngõa lạp, kiêm tác hương đài trụ thạch, dĩ vi bi ký, trang nghiêm các sở…
玆山南道常信府青池縣光烈社甲中村光恩寺名藍古跡經久時遭風雨舊制頹隳慶今日欣覩太平新圖再舉乃有興功會主會集全村上下皆發菩提心共信主任情多少修造上殿一間二廈鉄林鉄攆鉄琇上有瓦笠兼作香臺柱石以為碑記莊嚴各所…
Tạm dịch: Nay chùa Quang Ân, thôn giáp trung xã quang liệt, huyện thanh trì, phủ thường tín, đạo sơn nam là danh lam cổ tích, thời gian lâu ngày bị gió mưa vùi dập, các công trình cũ bị hư nát, may mắn ngày nay gặp vận thái bình, dự định trùng tu. Bèn hưng công, hội chủ tập hợp trên dưới toàn thôn, mọi người đều phát lòng bồ đề cùng tín chủ lòng thành nhiều ít tu tạo thượng điện 1 gian hai chái, làm bằng các loại gỗ quí, trên có lợp ngói, dựng hương đài thạch trụ, khắc bia ghi bài ký vào để cho các sở được trang nghiêm.
Theo văn bia trên thì chùa đã có từ lâu, thiền sư Như Liên chỉ hưng công trùng tu, qui mô không được lớn, chỉ có ngôi chùa phục vụ lễ bái cho nhân dân trong thôn, chưa tạo nên một ngôi chùa với nhiều hạng mục công trình. Thế nhưng, theo Quang Ân Ký Sự Bi lập năm Bảo Đại 18 cho rằng: “Chùa xây dựng đầu tiên vào năm Chính Hòa 15, giữa đồng hiện ra mấy gian nhà tranh”. Viết như thế thì chúng ta thấy người soạn đã dựa vào tư liệu văn bia mà chúng tôi dẫn trên nhưng đọc nhằm một số chữ, do đó gây nên việc sai lạc. Thật ra, năm trùng tu chùa là năm Chính Hòa 25 (1704) chứ không thể là năm Chính Hòa 15, chữ “nhị” mờ dễ đọc thành chữ “nhất”, chùa lúc đó đã lợp ngói mà văn bia ghi lại rất rõ. Đây là sự ngộ nhận của tư liệu văn bia, cần được đính chính. Văn bia này quá đề cao thiền sư Như Tâm mà không thấy được vai trò của hai thầy trò Như Liên và Tính Tuyên.
Thiền sư Như Liên là tổ sư khai phái Lâm Tế của bổn tự, sư thường đi liền với hiệu là Bất Trước Thủy[4]. Thiền sư là một trong mấy chục vị đệ tử truyền đăng của tổ sư Chân Nguyên mà sách Kiến Tính Thành Phật và văn bia tháp Tịch Quang ghi lại. chưa thấy tư liệu nào ghi chép nhân duyên thiền sư về trụ trì bản tự. Lúc đầu, Thiền sư Như Liên nhận trụ trì chùa Bằng trước, sau sang kiêm nhiệm chùa Quang Ân. Theo Hậu Phật Điền Bi Ký lập năm Cảnh Hưng 30 (1769) cho hay, thiền sư Như Tâm lúc 7, 8 tuổi được mẹ đưa qua chùa Bằng xin thiền sư Như Liên qui y thụ giới, xuất gia với pháp danh Tính Ân, lúc đó khoảng năm 1700, 1701 trước khi thiền sư trùng tu chùa Quang Ân.
Theo văn bia trên thống đá tại chùa Bằng (Linh Tiên thiền tự) cho biết thiền sư Như Liên đứng ra vận động thập phương tiến cúng. Văn bia do sư Như Liên soạn và khắc đá vào năm Bảo Thái thứ 4 (1723).
Bát Nhã tâm kinh chú giải của thiền sư Vô Cấu được in vào năm Bảo Thái thứ 5 (1724) cho biết thiền sư Tính Tuyên trụ trì chùa Quang Ân đứng in sách. Không biết sư Như Liên viên tịch chưa mà sư Tính Tuyên đã kế đăng Quang Ân rồi.
Đến mùa thu năm Bảo Thái thứ 7 (1726), Thiền sư Tính Tuyên (?-1747) được tổ sư Chân Nguyên giao phó khắc in Tứ Thập Bát Nguyện Kinh[5]. Qua lời dạy thiết tha của tổ sư, Tính Tuyên đã nhớ công ơn của vị thầy mình là thiền sư Như Liên nên ông đem hết phần công đức lưu thông kinh này hồi hướng cho thầy. Cuối sách ghi: “Tông sư ma ha tỳ kheo tự Như Liên trượng thử thắng duyên, viên hiển tam thân, cao đăng cửu phẩm, đắc phật thụ ký”. Vì thế, thiền sư Như Liên phải viên tịch trước năm Bảo Thái 7 (1726) nên sư mới cung tiến hồi hướng cho bổn sư mình.
Vị trụ trì thứ hai kế tiếp là thiền sư Tính Tuyên. Sư kế thừa tông môn trụ trì hai chùa Bằng và Quang Ân. Thiền sư Tính Tuyên quê xã Ninh Vũ, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, cha họ Vũ, tự Phúc Cường, mẹ họ Nguyễn, hiệu Diệu Điện, không rõ sư sinh năm nào.
Sư từng đứng in một số kinh sách như Bát Nhã tâm kinh chú giải, Tứ Thập Bát Nguyện Kinh, Ngũ chủng Bồ Đề yếu nghĩa. Trong bài tựa Tứ Thập Bát Nguyện Kinh ghi lại rằng: “Nay có tôn thừa sa di tự Tính Tuyên trụ trì chùa Quang Ân, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam may mắn gặp Trúc lâm tăng thống Chính Giác hòa thượng Chân Nguyên tổ sư trụ trì chùa Long Động, núi Yên Tử giáo hóa dạy rằng: “ Chư Phật Bồ Tát số nhiều hằng sa, kinh giáo trùng trùng không thể tính hết. Ta nay hướng về, thẳng đường tây phương, tụng kinh Bản Nguyện, niệm Phật Di Đà, đến thẳng tịnh độ, không có quyết nghi. Tính Tuyên nghe thế, cảm đến tông sư, trong lòng nghĩ đến bốn ơn đền đáp, sức muốn mong ba cõi được tế độ, cùng dựa thuyền Từ đều lên bờ giác. Do thế lòng khởi phát nguyện, khuyến mộ đàn na, pháp giới hữu tình tư duyên công đức. Đến mùa thu năm Bính Ngọ, ngài giao cho thợ giỏi, khắc ván kinh Di Đà Bản Nguyện, hoàn thành xong lưu hành, đến các thiền lâm để được tụng đọc, cùng sinh Tịnh Độ”.
Khi Tính Tuyên lên Yên Tử yết kiến thiền sư Chân Nguyên thì Chân Nguyên lúc này đã 80 tuổi. Chỉ còn vài tháng nữa là thiền sư rời thế gian nên thiền sư đã phú chúc nhiều đệ tử cùng như pháp tôn của mình cho in các kinh mang tư tưởng tịnh độ nhằm nêu lên con đường về cõi Phật Di Đà. Không những Tính Tuyên khắc in kinh Di Đà Bản Nguyện mà thiền sư Như Tùy, đệ tử của Chân Nguyên theo lời phú chúc của thầy mình đã trùng san Ngũ Chủng Bồ Đề của tổ sư Chuyết Công.
Theo Quang Ân Thạch Trụ Thạch Kiều lập năm Bảo Thái 8 (1727) cho biết: “Sa di tăng Tính Tuyên trụ trì chùa Quang Ân, thôn trung, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam xuất gia đầu phật tu hành, thấy ở xứ cầu Hóp, bản xã có đường thông hành, khe nhỏ chạy qua. Tăng tự Tính Tuyên phát lòng bồ đề, hưng công xây dựng. Nay 4 giáp bản thôn cùng giúp duyên lành khuyến mộ mười phương để làm công đức, tạo mới thạch kiều kiên cố, hành khách qua lại, làm nông lưỡng tiện. Vả lại, bản tự lại tạo thạch trụ, hậu đường, lập mới thạch quán ba gian ở xứ cầu Quang”.
Năm Long Đức 3 (1734), thiền sư Tính Tuyên cho hưng công lập cầu đá Quang Bằng bắt qua sông Tô lịch. Đây là một công trình mang nghĩa cử cao đẹp, giúp cho nhân dân địa phương đi lại dễ dàng. Năm Vĩnh Hựu 3 (1737), thiền sư cho lập cầu ở xứ cầu Biêu, cầu này có 5 nhịp. Đây là ba công trình có ý nghĩa về mặt xã hội cao. Thiền sư đã khuyến hóa khắp nơi để có đủ tịnh tài tịnh vật lo cho công tác phật sự này. Việc lập cầu để nhân dân đi lại được dễ dàng lúc này là không phải ai cũng có thể làm được. Dân làng thôn trung có điều kiện giao thương với các vùng miền xung quanh, tạo nên việc giao lưu thuận lợi, góp phần làm cho quê hương nơi đây thêm phần trù phú.
Vào những năm cuối đời, thiền sư Tính Tuyên đã thấy được những lời dạy của thiền tổ Chân Nguyên là thiết thực và muốn báo đền ơn chư tổ, thiền sư cho khắc ván trùng san tác phẩm Ngũ Chủng Bồ Đề Yếu Nghĩa của tổ sư Chuyết Công. Đây là một tư liệu bàn về đường hướng của pháp môn tịnh độ đã được thiền sư Như Tùy (1696 – 1733) khắc in cách đây 20 năm. Sau khi phật sự này hoàn mãn, vào ngày mồng 6 tháng 5 năm 1747, thiền sư viên tịch[6]. Tại chùa Bằng có tháp Tịch Quang là một ngôi tháp đẹp, lại cổ nhất chính là ngôi tháp chứa nhục thân thiền sư.
Sau khi thiền sư Tính Tuyên viên tịch không bao lâu, vào ngày 22 tháng 5 năm Đinh Mão (1747), dân làng cung thỉnh thiền sư Như Tâm (1693-1769), người bản thôn về trụ trì chùa. Về hành trạng thiền sư Như Tâm, văn bia Hậu Phật Điền Bi Ký[7] ghi lại như sau: “Nay có Hòa Thượng Trí Giác, người thôn giáp trung, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam, thế danh Trọng Nguyễn Oản[8], tự là Như Tâm. Cha ngài người Bắc quốc, đến đây từng ở chùa, hưng công tác phúc, mẹ người bản thôn, sinh được 2 nam 1 nữ. Sư từ nhỏ mất cha, đến 8, 9 tuổi được mẹ dẫn đến chùa Linh Tiên, xã Bằng Liệt qui y. Tổ sư Như Liên đặt tên pháp là Tính Ân, thế độ làm sư. Năm 25 tuổi, sư đến chùa Báo Ân Đại Thiền, xứ Kinh Bắc, giới hạnh thanh tịnh, tâm thiền sáng soi. Năm Quí Mão [1723], sư thi trúng được ban độ điệp. Năm Giáp Thìn [1724], yết kiến Tổ Sư Chân Nguyên hòa thượng Tuệ Đăng, chùa Long Động, ban tên pháp Như Tâm, rộng đạt tính trời, phát minh tâm địa. Năm Tân Dậu [1741], bọn đồ tặc xâm nhiễu. Đến năm Giáp Tý [1744], ngài trở về quê được hai ba năm. Ngày 22 tháng 5 năm Đinh Mão [1747], toàn thôn sắc mục hương lão, quan viên cùng đến nhà sư, cung thỉnh ngài trụ trì tác phúc chùa Quang Ân, hưng công trùng tu, thượng điện, thiêu hương, hậu đường, gác chuông, hành lang 2 bên, đúc hồng chung, đại khánh, tô tượng các tòa, san kinh, làm cống đá, lập quán xá. Năm Mậu Thìn [1848], được sắc phong Trí Giác Hòa Thượng. Ngài đã 30 năm mong muốn gởi hương hỏa gia đình nơi thiền lâm, để được uống nước đề hồ nơi tịnh cảnh. Tháng 3 năm Kỷ Sửu [1769] trên dưới hương lão, sắc mục toàn thôn đồng tâm bảo cử hòa thượng làm hậu phật, lại truy nội ngoại tổ tiên của sư làm hậu phật... Đến ngày 27 tháng 10, sư viên tịch, thọ 77 tuổi, xây tháp ở chùa phụng thờ”. Hiện trong vườn có tháp Viên Quang thờ sư có ghi: “Nam mô Viên Quang tháp Trúc Lâm Tuệ Cự Chính Tín sa môn ma ha tỳ kheo đặc tứ Trí Giác hòa thượng Như Tâm thiền sư thiền tòa hạ”[9].
Báo Ân Trùng Nghiêm Thiền Tự Hồng Chung[10] cho chúng ta biết thiền sư Như Tâm đã từng trụ trì tại chùa Báo Ân (tục danh chùa Keo). Đối chiếu theo văn bia thì thấy rất khớp, chùa Báo Ân Đại Thiền trong văn bia chính là chùa Báo Ân Trùng Nghiêm trong văn chuông. Hiện nay, chùa Báo Ân ở huyện Gia lâm, Hà Nội.
Theo bản chép tay Từ Bi Đạo Tràng Mục Liên Sám Pháp[11] của thiền sư Phổ Định trụ trì chùa Hưng Khánh, xã Quảng Bị vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) cho biết bản mà thiền sư sử dụng để sao chép là từ bản in của chùa Quang Ân, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì. Trong bài tựa Đại Mục Kiền Liên Sám Pháp Tự viết cho biết thiền sư Trí Giác hòa thượng Như Tâm Hạo Hạo khắc in. Năm in tác phẩm này hiện vẫn không thấy bản chép ghi lại. Đây là một số Phật sự mà thiền sư Như Tâm đứng ra gầy dựng. Phật Giáo trong giai đoạn này khá hưng thịnh nên nhiều thiền sư mới có cơ hội đứng ra vân tập thập phương đứng ra đảm đương nhiều Phật sự có giá trị văn hóa. Tiếc rằng, sử ta không ghi chép được nhiều.
Qua sơ lược hành trạng ba thiền sư chùa Quang Ân, chúng ta thấy được vai trò của chư tăng đối với sự phát triển của ngôi chùa. Đến đâu họ cũng gầy dựng các Phật sự, mở mang chùa cảnh, nhất là công đức của các sư cho lập cầu, khắc vắn in kinh. Các thiền sư trên đều có nguồn gốc từ tổ đình Long Động, chịu sự giáo hóa của thiền sư Chân Nguyên. Việc phát hiện tư liệu về ba vị thiền sư chùa Quang Ân, chúng ta có thêm những thông tin về dòng Lâm Tế phát triển tại đàng Ngoài, góp thêm một trang tư liệu quí về dòng thiền Lâm Tế tại Hà Nội.
( Đã đăng trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 6 năm 2009, tr. 49-51, có sửa chữa và bổ sung)
[1] Pháp Luân số 64, ra ngày 2 tháng 10 năm 2009.
[2] Thiền sư Thanh An, tự Phổ Dục, chùa Quang Ân đã soạn Sùng Phúc Tự Chư Tổ Khoa vào năm Tự Đức 5 (1852). Bản này lưu tại viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 3231.
[3] Văn bia lập năm Chính Hòa 25, do thiền sư Như Liên soạn và viết chữ. Thác bản viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu 863/864/865/866.
[4] Theo văn bia ở thống đá chùa Bằng, lập năm Bảo Thái 4 (1723).
[5] Hiện lưu tại viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 631.
[6] Bài “Tìm Hiểu Các Thiền Sư Chùa Bằng” đăng trong Pháp Luân số 64, chúng tôi đã chứng minh.
[7] Văn bia do đệ tử Tính Trừng soạn vào năm Cảnh Hưng 30 (1769).
[8] Ngài họ Trọng, lấy họ mẹ là họ Nguyễn làm chữ lót. Các tư liệu thường ghi ngài họ Nguyễn là không chính xác.
[10] Quả chuông này được đúc năm Cảnh Thịnh 5 (1797).
[11] Lưu tại viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 300.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét