Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011


Thiền sư Thiệt Vinh Chánh Hiển-Ân Triêm

Miền Nam Ngãi có hai ngôi Tổ Đình cổ tích danh tiếng nhất là Chúc Thánh và Phước Lâm. Tổ Đình Chúc Thánh do Tổ Minh Hải khai sơn như đã nói, ngôi Tổ Đình Phước Lâm do Tổ Thiệt Vinh – Ân Triêm khai sáng trong đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, khoảng năm 1748 hay năm 1750. Lão Tổ Thiệt Vinh cũng là một đấng danh tăng thạc đức, có công lớn truyền bá Phật Pháp đào tạo tăng tài, hàng đệ tử môn duệ của Ngài có vị lưu danh vào quốc sử được hậu nhân xưng tụng.

Lão Tổ Thiệt Vinh không rõ tục danh chỉ biết Ngài họ Lê, quán làng Thi Phú tục gọi là Bến Đền, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngài khánh sanh năm Giáp Thân (1704) dưới triều Lê Hy Tôn (1675 – 1705) niên hiệu Chính Hòa thứ 25. Nam Hà ngang đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) thứ 14, trong gia đình thế giáo miền quê. Thưở bé Ngài thông minh đĩnh ngộ hơn người. Do đó có huyền thoại về Ngài lúc từ mẫu hoài thai khánh sanh:

Khi mẫu thân hoài thai Ngài, đang đêm bà thường thấy con Bạch Ngưu từ trời cao sa xuống ủi vào bụng bà. Đem điềm lạ ấy  hỏi những vị tướng sư, ai ai cũng tiên đoán rằng bà sẽ sanh con quý tử. Đứa con ấy mai sau sẽ là đấng danh tăng thạc đức trong thiền lâm. Ngài khánh sanh trong buổi bính minh thật quang đãng, cả nhà ai nấy tự thấy vui thích sung sướng hơn bao giờ. Thuở bé đến lớn Ngài chỉ bú sữa mẹ và dùng những chất không phải cá thịt. Thiên hạ quanh vùng Điện Bàn rất ngạc nhiên. Còn cha mẹ Ngài thấy rất đúng theo lời tiên đoán của hàng tướng sĩ.

Dầu rằng huyền thoại, nhưng để chứng minh rằng Tổ Thiệt Vinh là đấng cao tăng nên cái huyền thoại của dân quê có giá trị một khía cạnh khác, do đó không ngại ngùng gì mà chẳng chép.

 Tuổi trưởng thành Ngài thông kinh bác sử. Song thân tính chuyện lập gia thất cho, song Ngài không muốn và xin cha mẹ cho phép xuất gia. Ngài ra Hội An vào chùa Chúc Thánh bái yết Lão Tổ Minh Hải cầu quy y. Lão Tổ thâu nhận ban pháp danh là Thiệt Vinh. Tính ra Ngài là vị đại đệ tử của Lão Tổ Minh Hải thừa kế nhị Tổ Chúc Thánh và kế thế Lâm Tế Chánh Tônn thứ 35. Chuyên tâm tu học Kinh luật, sớm tối hầu phụng Tổ Sư, sau cầu thế độ thọ Sa Di giới pháp tự Chánh Hiển, thọ đại giới Tổ Sư ban pháp hiệu Ân Triêm.

Được Lão Tổ cho phép xuất sư, Ngài khai sơn ngôi đại tùng lâm Phước Lâm tiếp tục công nghiệp hoằng hóa Phật Pháp. Đệ tử Ngài rất đông đều thành danh trong chốn môn lâm, hai vị đại đệ tử được biết rõ nhất là Tổ Pháp Ấn – Tường Quang – Quảng Độ và Pháp Kim – Luật Uy – Minh Giác. Tại chùa Phước Lâm Ngài khai đàng độ chúng, cũng thường xuyên vào các vùng Bình Phú chứng minh hay lãnh tôn chứng ban y pháp cho giới tử. Tăng chúng khắp Trung Việt luân lưu đến cầu học đông đảo.

Thời Tây Sơn khởi nghiệp khu vực chùa Phước Lâm bị chiến tranh ảnh hưởng, Ngài ôm kinh tượng cùng đồ chúng đi lánh nạn. Ngôi chùa hư hại một ít, sau khi tình thế ổn định, Ngài trở về sửa sang chùa am lại.

Tuổi đã tròn 85 thấy thân tứ đại này không thể thoát khỏi luật vô thường, Ngài gọi đồ chúng đến dạy bảo và ngồi kiết già thị tịch đang triều Quang Trung Vũ Hoàng Đế năm thứ nhất (1789). Nhục thể được chư sơn cung nghinh nhập tháp cạnh chùa.

Sang mùa xuân tháng hai năm Giáp Dần (1794) có vị đệ tử phụng tả công đức Ngài. Mãi đến năm Tân Hợi (1911) bài văn được Thiền Tổ Vĩnh Gia tạc lên tấm thạch bia. Nhận thấy bài bia này ngắn gọn, nhưng nghĩa lý khá hàm súc, bút pháp điêu luyện, tôi xin trang trọng phiên dịch dưới đây:

Khai sơn Hòa Thượng thuật. Giáp Dần trọng xuân nguyệt đệ tử kính đề.

Phù nhân sanh tại thế, cập trưởng thành chi thu, thục vô lợi tỏa danh cương sở khuất nhi vinh hoa phú quý sở câu tiện.

Công chi thanh niên, bạt tụy tuệ tánh, thông linh từ trung hoát đạt, tảo giác không môn chí huyền diệu, Thanh Quy đạo ngộ phiến thời nhi khuynh tâm quy Thích khấu. Cao tăng khước phân trần tôn pháp giới, lệ đọc kim kinh, thân cam khổ hạnh, chí duyệt lâm tuyền, nãi mộ hóa ư thí chủ lập đối đàn dĩ tu chánh quả, khai phóng huyễn nhi huấn tăng đồ. Ta hồ! Vị kỷ, thiên thời biến thoái, nhân sự bấy ninh, phùng nhiễu bảo kinh viễn tỵ lâm nạn, giới tâm bất cẩu, tháo thứ điên bái giai tất ư thị. Phật quy thi thủ lịch tân giang tân, bất khẩn tu du lỵ đạo. Ký thiện ư thủy, phục toàn thiện ư chung, thử dĩ quán chí thành.

Già sơn chi lương đồ, trần thế chi cao tăng, khả vị chi tận thiện tận mỹ hỷ.

Chí ư viên tịch, nhi quy thọ chung bác thập hử ngũ, chúng tu bảo tháp ư huyễn hữu, di đồ tượng ư thảo am tặng kỳ nhất thế tăng chi diệu lệnh từ.

Thiên cổ lịch đại truyền phương đệ tử Nguyễn Thị Định pháp danh Thanh An tự Đạo Khương phụng cúng.

Sắc Tứ Phước Lâm Tự Tân Hợi Xuân cát nhật tân huề.

Tạm dịch:

Thuật chuyện Hòa Thượng khai sơn, năm giáp dần (1749) tháng hai đệ tử kính đề :

Phàm người sanh trong thế gian kịp khi lớn lên ai lại không bị danh lợi vinh hoa ràng buộc.

Hòa Thượng lúc tuổi còn thanh niên,  tuệ tánh siêu việt, tâm hồn tốt đẹp rộng rãi, sớm thấu hiểu được lẽ đạo huyền diệu nơi cửa thiền và hiểu biết thế nào là giới luật oai nghiêm của nhà phật. nhân một phút giác ngộ ngài hồi tâm quy y tam bảo, gạt bỏ mùi trần tục, kính trọng Phật Pháp, tăng ngài chuyên tâm tham cứu mọi kinh luật, dốc lòng tu khổ hạnh, tân trí luôn luôn để nơi vắng lặng an vui. Để độ chúng tăng theo tu học nhờ khách đàn việt cúng duờng, ngài khai đàn truyền giới sửu trị mọi việc và giáo huấn tăng đồ. Than ôi! Việc ấy chăng được bao lâu, cơ trời biến đổi việc người không an, gặp cảnh nhiễu nhượng ngài ôm kinh lánh đi xa. Dầu nếm thử nhiều gian lao, ngài vẫn giữ giới luật tinh nghiêm, lại càng chuyên tâm tu học khổ hạnh, phép phật gắng duy trì, một phút chẳng lìa lẽ đạo. việc làm lành trước sau như một không sai. Cứ xét đó mà biết được lòng thành của ngài.

Chốn Già – Lam ngài xứng đáng làm đệ tử của Phật, cõi trần thế đáng bậc cao tăng, được như ngài mới gọi là tận thiện tận mỹ vậy. tuổi thọ tròn đủ 85 ngài viên tịch. Đồ chúng xây tháp bên phải ngôi vườn chùa, vẽ ảnh tượng và cất thảo am phụng thờ tưởng như ngài còn sống.

Để lưu danh thơm ngài lại hậu thế, đệ tử pháp danh Thanh An tự Đạo Khiêm phụng cúng công đức này (tức là cúng tấm bia).

Sắc Tứ Phước Lâm Tự.

Năm Tân Hợi (1911) ngày tốt khắc bia

Tổ Thiệt Vinh viên tịch, vị thừa kế chủ trì ngôi tổ đình Phước Lâm là Hòa Thượng Quảng Độ. Tại các tỉnh Bình Định Phú Yên, những vị tổ, Hòa Thượng có pháp danh chữ Pháp kế thế Lâm Thế Tôn thứ 36 (thừa tam tổ Chúc Thánh) phần lớn là đệ tử tổ Thiệt vinh_Chánh Hiển-Ân Triêm

Võ-luận

(trích trong Nam Ngãi Phật giáo Sử lược của Võ Lận )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét