Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Chùa Liên Hoa thời hậu Lê

THỬ ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ CÓ PHẢI CHÙA LIÊN HOA CHÍNH LÀ CHÙA LIÊN PHÁI HAY KHÔNG?
                                                                                         Đồng Dưỡng
Thiền tông bản hạnh là một quyển sách do sư Chân Nguyên (1647-1726) sưu tập và biên soạn vào đời Lê Trung Hưng, nội dung của sách liên quan đến thiền phái Trúc Lâm. Bản in sớm nhất hiện nay chúng ta còn giữ được là bản in năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) do sư Liễu Viên chùa Liên Hoa dặn dò sa di ni Diệu Thuần trùng san. Quyển Thiền tông bản hạnh  mà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được sư Giải Ngạn[1] tặng vào năm 1943 chính là bản này. Bản thứ hai là bản in năm Bảo Đại  thứ (1932) do sư Thanh Minh chùa Hoa Yên đứng in; có mời sư Thanh Hanh, chùa Vĩnh Nghiêm viết lời dẫn. Trong lời dẫn, sư Thanh Hanh cho biết bản in đó dựa trên bản in do sư Huệ Thân chùa Hoa Yên trùng san vào năm Gia Long thứ 4 (1805). Cả hai bản Thiền tông bản hạnh đều được nghiên cứu, phiên âm, chú thích. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đặt lại vấn đề về chùa Liên Hoa. Liệu chùa Liên Hoa có phải là chùa Liên Phái mà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định? Đó chính là chủ ý của chúng tôi trong bài viết này.
Năm 1966, GS Hoàng Xuân Hãn công bố bài viết về sách Thiền Tông bản hạnh trên tạp chí Vạn Hạnh. Sau đó, không lâu ông lại cho ra bài nghiên cứu Văn nôm và chữ nôm đời Trần Lê đăng trên tạp chí Khoa Học Xã Hội ở Pháp. Trong bài viết ấy, Giáo sư Hãn đã cung cấp cho chúng ta văn bản Thiền tông bản hạnh được in vào đời Lê Cảnh Hưng. Theo các nhà nghiên cứu, đây chính là bản in xưa nhất còn giữ lại được. Bản này có chứa một số văn bản đời Trần như Cư Trần Lạc Đạo phú, Đắc thú Lam tuyền thành đạo ca, Vịnh hoa yên tự phú… có giá trị để nghiên cứu cả về ngôn ngữ lẫn tư tưởng. Chúng tôi quan tâm đến việc Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho văn bản được in tại chùa Liên Hoa thành Thăng Long. Ông đã hé mở cho thấy ngôi chùa Liên Hoa này chính là chùa Liên Phái bây giờ. Tác giả viết: “Chùa Liên Hoa ngày nay vẫn còn, nhưng vì húy Hoàng Thái hậu đời Thiệu Trị, cho nên từ năm 1840 đã đổi tên ra chùa Liên Phái. Chùa ở cạnh đường quan lộ đi Bạch Mai”. Phần chú thích dưới trang, tác giả giải thích thêm: “Có lẽ tên chùa đã bị đổi ra Liên Tông trước rồi lại đổi ra Liên Phái năm 1840. xin sẽ biện chính sau”. Tác giả lại viết: “Chùa Liên Hoa nầy được lập ra bởi Lân Giác thượng sĩ” sau đó, tác giả trích dịch hành trạng Lân Giác thượng sĩ trong Kế đăng lục, phần này do thiền sư Phúc Điền chép thêm vào sách của Như Sơn. Đến đoạn nói sư Như Trừng lập chùa Liên Tông thì tác giả đề là Liên Hoa; sau đó, tác giả chú nguyên tác là  Liên Tông.
Trong công trình Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, nhóm tác giả viết về chùa Liên Hoa cũng đồng ý kiến với GS Hoàng Xuân Hãn. Sách viết: “bèn sửa nhà làm chùa, đặt tên là Liên Hoa…truy tôn Thượng Sĩ  làm tổ thứ nhất của dòng Liên Tông (dòng Hoa sen), đổi tên chùa là Liên Tông. Đến năm 1840 vì kiêng húy Thiệu Trị, đổi gọi là Liên Phái[2]. Qua mục sách tham khảo, chúng tôi biết nhóm này vẫn dựa trên Kế Đăng Lục có sửa đổi hợp với nhận định của mình.
Qua bài viết Vài suy nghĩ về văn bản Thiền tông bản hạnh, nhà Nghiên cứu Hoàng Thị Ngọ đã kế thừa ý kiến của Hoàng Xuân Hãn cho chùa Liên Hoa và chùa Liên Phái là một. Tác giả viết: “Bản khắc in ở chùa Liên Hoa năm 1745 (nay là chùa Liên Phái, Hà Nội) là theo một bản ở chùa núi Yên Tử, bản này có thể là bản ban đầu hoặc bản gần nhất với bản của hòa thượng Chân Nguyên do thiền sư Như Trừng Lân Giác mang về chùa Liên Hoa”. Chúng tôi tưởng trong lần nghiên cứu này, Hoàng Thị Ngọ có cái nhìn khác về nơi tàng bản. Có thể, tác giả chưa có điều kiện khảo sát những ngôi chùa xưa ở Hà Nội. Tác giả chỉ chú tâm nghiên cứu về ngôn ngữ nôm nên ít quan tâm về Phật Giáo thời hậu Lê cũng như các ngôi chùa.
Vấn đề ở chỗ GS Hoàng Xuân Hãn cho rằng lúc đầu thiền sư Như Trừng lập chùa, đặt tên là Liên Hoa, sau húy tên Hoàng thái hậu nên chuyển sang tên Liên Tông, sau đó phạm húy nên mới đổi tiếp là Liên Phái. Thế mà khi chúng tôi khảo xét hai chữ Hoa và Tông thấy vấn đề lại khác đi. Chữ Hoa là tên húy của bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị. Chữ Tông 宗 là tên húy của vua Thiệu Trị, nói đủ là Miên Tông 綿宗, sau này khi lên ngôi, nhà vua đổi làm tên tự. Theo Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các thời đại cho biết hai chữ Hoa, Tông đã có lệnh kiêng húy lần thứ nhất vào tháng 2 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841). Như thế, liệu có thể đổi tên chùa Liên Hoa ra Liên Tông không? Rồi lại đổi Liên Tông ra Liên Phái không? Không thể khi lệnh kiêng húy ra cùng đợt mà có thể lại đổi một chữ bị kiêng húy thành một chữ bị kiêng húy khác rồi sau mới đổi thành chữ không kiêng húy. Ta thấy cách lập luận của GS Hoàng Xuân Hãn vấp phải mâu thuẫn.
Tư liệu có nói về chùa Liên Hoa hiện nay hơn hiếm. Tìm đọc trên thư viện Hán Nôm, chúng tôi thấy được mấy cuốn kinh sách Phật Giáo có ghi lại một vài thông tin về chùa Liên Hoa, thành Thăng Long. Theo Kim Cương kinh do sư Chiếu Khoan Hạo Hạo, chùa Báo Ân, xã Vân Trai đứng in dưới sự giám khắc của bản sư Tịch Truyền Nghiễm Nghiễm quán Kim Sơn, sa môn Hải Quýnh Chiêu Chiêu viện Ly Trần chùa Liên Tông chứng minh cho biết bản mà họ y cứ là bản in năm Cảnh Hưng Ất Sửu (1745) do tăng thống Tính Hiển trụ trì chùa Liên Hoa đốc san. Cuối bài tựa Thái thượng hoàng đế ngự chế kim cương bát nhã ba la mật đa kinh lạc khoản có ghi: “Lê triều Cảnh Hưng vạn vạn niên tuế Ất Sửu thái thốc nguyệt phúc sinh nhật cẩn thức. Phụng trụ trì Liên Hoa tự tăng thống tự Tính Hiển phụng đốc san[3]. Đoạn trích dẫn trên cho chúng ta biết có vị sư Tính Hiển với chức danh Tăng Thống trụ trì chùa Liên Hoa.
Sách Chuẩn Đề Nghi Quỹ in năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756) lại cho biết: “Trung Đô Thăng Long thành Liên Hoa tự hòa thượng tự Tính Hiển đắc Chuẩn Đề kinh bắc bản, đàm vu thử độ thiện tả san ấn lưu thông nhĩ hà tỷ sĩ chân tục đồng tu chứng đạo. Hồng Phúc tự Bản Lai hòa thượng tự Tính Chúc chứng phú chúc Báo Ân tự tăng chánh Hải Khoát…
中都昇龍城蓮花寺和尚字性顯得准提經北本覃于此土繕寫刊印流通邇遐俾以真俗同修證道 洪福寺本來和尚字性燭證付囑 報恩寺僧正字海闊
    Dịch nghĩa:Hòa thượng tự Tính Hiển chùa Liên Hoa thành Thăng Long Trung Đô được bản Kinh Chuẩn Đề truyền từ phương bắc đến nơi đây, viết rõ ràng, khắc in lưu thông xa gần để cho chân tục cùng tu chứng đạo. Hòa thượng Bản Lai tự Tính Chúc chùa Hồng Phúc dặn dò tăng chánh tự Hải Khoát chùa Báo Ân…”[4].
Không tin trên cho biết thiền sư Tính Hiển có được một bản Chuẩn Đề nghi quỹ của Trung Quốc. Sư Tính Hiển đã giới thiệu với sư Tính Chúc nên Tính Chúc mới giao lại cho tăng chánh Hải Khoát[5] đứng in, chứ sư Tính Hiển không phải là người đốc san. Chuẩn đề nghi quỹ bổ sung cho chúng ta về vị sư Tính Hiển. Sư có quan hệ với thiền sư Tính Chúc, sư Hải Khoát. Theo khoa cúng tổ cùng văn bia tại chùa Hòe Nhai cho biết sư Tính Chúc chính là vị tổ đời thứ tư dòng Tào Động và trụ trì bản tự.
Văn bản Chuẩn Đề nghi quĩ[6] trên lại được in lại vào thời Nguyễn sơ. Cả hai lần in đều dập lại nguyên xi, không khác gì đối với bản chùa Hồng Phúc. Một bản in năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) do thiền sư Hạo Hạo viện Tường Quang. Trong bản in này có in thêm Chuẩn Đề nghi vào sau. Bản in thứ hai đóng sau Hộ Pháp Luận[7]. Hai bản in vẫn giữ lại nguyên dòng lạc khoản mà chúng tôi trích dẫn ở trên.
Bài tựa kinh Duy Ma Cập sở thuyết viết năm Cảnh Hưng Mậu Dần (1758) cho biết Tỳ Kheo Tính Miện pháp hiệu Huệ Cơ ủy thác tỳ kheo ni Diệu Tường đứng in sách. Cuối sách phần hộ kinh có ghi như sau: “Quế Hoa tự tỳ khiêu tự Như Kiên, Liên Tông tự Viên Dung hòa thượng tự Tính Dược, Liên Hoa tự hòa thượng tự Tính Hiển, tỳ khiêu tự Tính Chất, Phúc Diên tự Tuệ Giác tỳ khiêu Tính Triêm, Báo Ân tự tăng chánh tự Hải Khoát…”[8]Qua đó, chúng ta thấy chùa Liên Hoa với sư Tính Hiển, còn chùa Liên Tông với sư Tính Dược[9]. Như vậy, hai chùa biệt lập với nhau.
Thư viện viện nghiên cứu Hán Nôm còn một văn bản nữa có ghi về chùa Liên Hoa. Bản in Tăng Hộ Kinh kí hiệu AC. 501 được khắc in năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757), chùa Hồng Phúc tàng bản. Văn bản này đóng sau sách Tăng Huấn Nhật Kỷ, có thể hai văn bản được in một lần nên người sau cho đóng lại với nhau. Phía sau sách, phần công đức ở tờ 31a1 có ghi: “Liên Tông Viên Dung hòa thượng tỳ khiêu tự Tính Dược Hoa Hoa nhất thiên chỉ (蓮宗圓融和尚比丘字性爚一千紙)”. Đến tờ 33a sách cho biết: “Thời Lê triều Cảnh Hưng thập bát niên tuế thứ Đinh Sửu quí hạ cốc nhật. Kinh đô Thăng Long thành Liên Hoa tự tông sư tự Liễu Viên, An tử sơn Hoa Yên tự giới sư tự Tính Miện đồng phú chúc đệ tử tỳ khiêu ni hiệu Diệu Thuần…
時黎朝景興十八年歲次丁丑季夏穀日。京都昇龍城蓮華寺宗師字了圓。安子山花煙寺戒師字性冕.。同付囑弟子比丘尼號妙淳
Dịch nghĩa: Vào ngày lành tháng cuối hạ năm Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 triều Lê, tông sư tự Liễu Viên chùa Liên Hoa thành Thăng Long Kinh Đô, giới sư tự Tính Miện[10] chùa Hoa Yên núi Yên Tử cùng phú chúc cho đệ tử tỳ kheo ni hiệu Diệu Thuần…
Đoạn tư liệu dẫn trên, đối chiếu với bản Thiền tông bản hạnh, chúng tôi thấy chúng bổ sung với nhau. Sư Liễu Viên là thầy bản sư với sa di ni Diệu Thuần, nhưng Diệu Thuần lại thụ giới với sư Tính Miện, chùa Hoa Yên. Do đó, khi lên Yên Tử thụ giới, Diệu Thuần đã có được một số tư liệu về hệ thống kinh sách ở đây. Có thể Diệu Thuần sở hữu được bản Thiền tông bản hạnh của sư Chân Nguyên để sau này bà cho trùng san. Hoặc có thể bản in Thiền tông bản hạnh của sư Chân Nguyên được in ấn phát hành trong cả nước nên sau một thời gian, ván in bị hư[11] nên được các sư dưới Kinh Đô cho in lại. Bản in này bổ sung thông tin về hai ngôi chùa với hai vị sư khác nhau. Họ cùng ủng hộ trong công tác in kinh thời bấy giờ.
Tổng hợp các tư liệu trên, chúng ta thấy sư Tính Hiển chính là Liễu Viên. Lí do là các tư liệu đều cho sư Tính Hiển, Liễu Viên cùng trụ trì chùa Liên Hoa thành Thăng Long trong một giai đoạn. Ngay như bản in Kinh Kim cương cho biết tăng thống Tính Hiển chùa Liên Hoa đốc san vào năm Cảnh Hưng Ất Sửu, còn Thiền Tông bản hạnh ghi vào năm Cảnh Hưng thứ 6, sư Liễu Viên phú chúc sa di ni Diệu Thuần đứng in. Cảnh Hưng Ất sửu chính là năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745). Do đó, chúng tôi suy ra Liễu Viên chính là tăng thống Tính Hiển. Tính Hiển là pháp húy trong kệ phái, còn Liễu Viên là hiệu của ngài.
Theo Kế Đăng lục cho biết thiền sư Như Sơn có nhờ sa di Tính Chúc, Tính Hiển, Tính Phái giúp duyệt sách. Các vị này chính là học trò của thiền sư Như Sơn. Tính Chúc sau này trở thành đệ tứ tổ chùa Hòe Nhai. Sách Chuẩn Đề nghi quỹ cho ta thấy mỗi quan hệ giữa Tính Chúc và Tính Hiển. Do đó, họ chính là huynh đệ với nhau, cùng là học trò của thiền sư Như Sơn. Nguyễn Lang có lí khi đồng nhất Như Sơn chính là Từ Sơn Hành Nhất[12]. Vì thế, họ phải thuộc dòng Tào Động.
Các tư liệu trên đã cung cấp thông tin phủ định cách lập luận chùa Liên Hoa là chùa Liên Phái bây giờ. Theo tư liệu văn bia tại chùa Liên Phái cho biết sư Như Trừng lập chùa Liên Tông, sau vì húy tên hoàng thái hậu nên đổi lại là chùa Liên Phái. Theo bài tựa trong Cúng sư nghi [13]tức khoa cúng tổ Như Trừng do Tính Ngạn soạn cho biết sư Tính Ngạn đến chùa Liên Tông xuất gia. Cúng sư nghi được in năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742) thì lúc đầu sư Như Trừng lập chùa, lấy tên là Liên Tông chứ không phải Liên Hoa. Không lẽ, sư Tính Ngạn lại không biết điều đó chăng?
Chúng tôi sở hữu một cuốn sách xưa, trong đó nó đóng góp các sách như Tam thời lễ kính nghi, Tì Ni nhật dụng lục và hai bản nôm Sa di thập giới Ngũ giới quốc âm của sư Như Trừng. Các bản này đều được in lại năm Cảnh Thịnh triều Tây Sơn. Bài tựa để trước hai bản quốc âm do sư Như Trừng soạn năm Bảo Thái thứ 7 có cho biết sư viết tại viện Ly Trần, chùa Liên Tông. Như thế, không thể lúc đầu sư Như Trừng lập chùa đặt tên là Liên Hoa như GS Hoàng Xuân Hãn đưa ra, mà là Liên Tông. Chùa Liên Tông khác với chùa Liên Hoa tại thành Thăng Long nên suy luận sư Như Trừng học đạo với Chân Nguyên chùa Long Động có mang Thiền tông bản hạnh về, sau đó đem khắc in là điều chưa từng xảy ra. Có thể, sư Như Trừng có một bản nhưng chưa thấy chùa Liên Tông đứng in.
Chùa Liên Tông sang đời Nguyễn do phạm húy mà đổi tên là chùa Liên Phái. Các sách của hòa thượng Phúc Điền như Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ có ghi chùa Liên Tôn. Như thế, chùa Liên Tôn cũng chính là chùa Liên Phái. Sau này, các tổ mới lấy tên Liên Phái để gọi cho đến ngày nay.
Chùa Liên Hoa nằm ở vị trí nào? Đây là một câu hỏi khó trả lời dứt khoát. Bởi vì, các tư liệu để lại không xác định được vị trí của chùa. Hầu như chỉ biết chùa Liên Hoa thành Thăng Long mà không xác định lại tên thôn xã, nên khó chỉ ra. Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội mục chùa quán cũng không nhắc gì đến chùa Liên Hoa. Có thể, trong giai đoạn cuối Lê, Tây Sơn chùa đã bị mất nên sau này không có tư liệu nào ghi lại. Vì giai đoạn này nhiều chùa đã bị hư hại nặng, một số không có sư trụ trì nên trở nên hoang phế; dần dần nếu không được tu bổ thì cũng dễ bị mất.
Tóm lại, qua việc sự dụng các tư liệu còn lại, chúng tôi bác ý kiến cho chùa Liên Hoa chính là chùa Liên Tông của GS Hoàng Xuân Hãn cùng Hoàng Thị Ngọ. Những giả thiết địa điểm nơi tàng bản Thiền tông bản hạnh không có sức thuyết phục. Tuy chưa xác định địa điểm chùa Liên Hoa hiện nay nhưng chúng ta thấy vai trò của chùa Liên Hoa đối với Phật Giáo Lê – Trịnh là rất lớn. Ngôi tu viện này trở thành một trung tâm của Phật Giáo Thăng Long xưa, đóng góp vào sự phát triển của Phật Giáo thời Hậu Lê.
(đã đăng trên Văn Hóa Phật Giáo, số 112, có bổ sung một đoạn nhỏ)
                                                                                                 
Tài liệu tham khảo:
1. Huyết bồn sám pháp, bản in năm Cảnh Hưng thứ 35, chùa Càn Đà tàng bản, kí hiệu AC. 649.
2. Kim cương kinh, bản lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 254.
3. Chuẩn Đề nghi quỹ, in năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756), chùa Báo Ân, Kinh Đô tàng bản. Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 452.
4. Chuẩn Đề nghi quỹ, chùa Linh Bảo tàng bản, bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 312.
5. Chuẩn Đề nghi quỹ, Chùa Thiên Hưng tàng bản, bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC 144-145.
6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III, NXB Lá Bối, San Jose CA – USA, 1993.
7. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, Phúc Điền biên tập, tủ sách Pháp Đăng.
8. Duy ma cật sở thuyết kinh, in năm Cảnh Hưng Mậu Dần (1757), chùa Đại Nguyện tàng bản, tủ sách Pháp Đăng.
9.Hoàng Thị Ngọ, Vài suy nghĩ về văn bản Thiền tông bản hạnh, Thông báo Hán Nôm học năm 2009.
10. Hoàng Thị Ngọ (khảo cứu, phiên âm, chú giải), Thiền Tông bản hạnh, Nxb Văn Học, H. 2009.
11. Thích Thanh Từ, Thiền tông bản hạnh giảng giải, Nxb TP HCM, 1998.
12. Hữu Ngọc, Nguyễn Đức Hiền (sưu tập, biên khảo), La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 3, Nxb Giáo Dục, H. 1998.
13. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, Nxb KHXH, H. 1993.


















































[1] Sư Giải Ngạn một vị tăng người Miền Trung, GS Hoàng Xuân Hãn cho ông là người Quảng Nam. Sư có đạo hiệu là Thích Huyền Cơ. Sư từng trụ trì chùa Bút Tháp, Bắc Ninh. Sau về Hà Nội trụ trì chùa Hưng Ký, làng Hoàng Mai. Ông Hãn nhầm chùa Hưng Ký và chùa Hoàng Mai. Thực ra, Ông được sư Giải Ngạn tặng sách tại chùa Hưng Ký. Sư Giải Ngạn là một vị cao tăng uyên thâm Phật học, sư có mở thư viện và lớp Phật pháp để dạy hai hàng xuất gia và tại gia tại chùa Hưng Ký. Năm 1952, sư vào miền Tây Nam Bộ, bị nạn rồi mất. Sư từng dịch và viết các sách như Kinh Viên Giác, Kinh Thủ Lăng Nghiêm…
[2] Ngô Đức Thọ (chủ biên), Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, Nxb KHXH, H. 1993, tr. 410-411.
[3] Kim Cương kinh, phần tựa, tờ 1b1. Bản lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 254.
[4] Chuẩn Đề nghi quỹ, in năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756), chùa Báo Ân, Kinh Đô tàng bản. Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 452, tờ 7a.
[5] Theo Huyết Bồn sám pháp in năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774), chùa Càn Đà tàng bản cho biết: “Nhất Kinh Đô Thăng Long thành trụ trì Báo Ân tự tăng chánh tỳ khiêu tự Hải Khoát công đức” thì chúng ta biết sư Hải Khoát vẫn còn trụ tại chùa Báo Ân đến cuối đời Lê trung hưng.
[6] Chuẩn Đề nghi quỹ , chùa Linh Bảo tàng bản, bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 312.
[7] Chuẩn Đề nghi quỹ , Chùa Thiên Hưng tàng bản, bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC 144-145.
[8] Duy Ma Cật sở thuyết kinh, in năm Cảnh Hưng Mậu Dần (1758), chùa Đại Nguyện tàng bản. Tủ sách Pháp Đăng.
[9] Sư Tính Dược, họ Nguyễn, người thôn Khoái Nội, xã Vũ Lăng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Sư thuở nhỏ xuất gia với thiền sư Như Trừng tại chùa Liên Tông. Được sư Như Trừng cho làm thị giả. Năm 1733, sư Như Trừng viên tịch, sư kế đăng trụ trì chùa Liên Tông. Sư lập chùa Sùng Phúc tại bản quán và trụ trì. Sư được nhà nước đương thời sắc phong Viên Dung hòa thượng. Theo Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ của Phúc Điền cho biết sư thọ 60 tuổi. Tháp sư lập tại chùa Sùng Phúc vào năm Nhâm Thìn (1772). Có thể sư mất cũng trong năm đó, suy ra sư sinh năm 1713.
[10] Sư Tính Miện theo Chân Thường tháp ký cho biết sư pháp hiệu là Tuệ Cơ, là đệ tử của thiền sư Như Lịch Giác Viên Tuệ Hĩ (1637-1719) chùa Hoa Yên. Năm 1719, sư Như Lịch viên tịch, sư kế đăng trụ trì. Theo Hoa Quang tháp ký cho biết vào năm Bính Tý (1756), sư Tính Hải Liên đến qui tông với sư Tính Miện tại chùa Hoa Yên, được giao cho chức Thủ tọa. Năm Kỷ Mão (1759) sư Tính Miện phú chúc cho sư trụ trì chùa Hoa Yên. Như thế thì sư Tính Miện phải tịch trong năm 1759. Hành trạng của sư chỉ còn biết đến đó thôi.
[11] Điều này quá rõ khi chúng ta đọc một số tư liệu như Thánh Đăng ngữ lục, Thượng sĩ ngữ lục đều được in lại. Sách Thánh đăng ngữ lục do sư Chân Nguyên đứng in năm Vĩnh Thịnh nhưng đến sư Tính lãng thì  ván gỗ không còn nên sư Tính lãng mới cho khắc in. Thượng sĩ ngữ lục in năm Chính Hòa thứ 4, sau đời Cảnh Hưng cũng cho khắc ván in lại.
[12] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III, NXB Lá Bối, San Jose CA – USA, 1993.
[13] Bản lưu tại chùa Hàm Long, Bắc Ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét