Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

VỀ HAI TẤM VĂN BIA CHÙA LÀNG LỆ TRẠCH
                        Đồng Dưỡng
Trong một chuyến viếng thăm chùa Phổ Châu, chúng tôi được Đại Đức trụ trì cho xem hai tấm văn bia được gắn trên thân tường phía tay trái của bổn tự. Theo lời thầy trụ trì, chùa Phổ Châu được hình thành cách đây không lâu, nhưng tại xã Duy Châu xưa kia có khá nhiều chùa như Chùa Thanh Cổ, Chùa Bà Giám, chùa Bảo Thọ…Lí lịch hai tấm bia này cũng được thầy cho hay xưa nó thuộc về chùa làng Lệ Trạch. Do chiến tranh, chùa sụp không được trùng tu nên văn bia bỏ vất với đất cát, chịu cái cảnh trơ cùng tuế nguyệt. Khi lập chùa Phổ Châu, các bác đạo hữu mới huy động mang về chùa để giữ dìn di tích của ngôi chùa cũ.
Khi đã biết xuất xứ hai tấm bia, chúng tôi liền cho sao dập văn bia và nhận ra đây là hai tấm bia công đức nhân việc trùng tu chùa. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi về địa phương chí ở đây, làng Lệ Trạch vào thời Hậu Lê là một trong sáu thôn của La Tháp Châu[1]. Theo văn bia Trùng Tu công đình bi ký lập năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) thì La Tháp châu nằm về thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa. Đến Đồng Khánh Dư địa chí thì La Tháp châu tách làm sáu thôn xã biệt lập ăn vào tổng Đông Yên, sau đổi thành tổng Duy Đông thuộc phủ Duy Xuyên.
Hai tấm văn bia được làm bằng chất liệu đá sa thạch, xung quanh không trang trí hoa văn, bia thuộc loại bia dẹp, gắn vào thân tường nên sử dụng một mặt để khắc chữ, còn mặt trái thì để ghồ ghề cho tiện gắn vào tường. Hai thác bản của Pháp dập trước năm 1930 được giao lại cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì không thấy bị hư hại gì. Đến nay, do không bảo quản tốt, cả hai văn bia bị bể phần dưới, lắp vào mất một số chữ. Bia không có tiêu đề, hàng đầu tiên đề năm, viết theo kiểu văn bản kê khai công đức là chính. Văn bia giúp xác định năm trùng tu chùa là năm Khải Định thứ 2 (1917). Qua việc làng xã đứng ra trùng tu chùa, chúng ta biết chùa Lệ Trạch gắn liền với ngôi làng tại đây, nó thuộc loại chùa Làng. Trong phần danh sách công đức, chúng tôi nhận thấy bia có ghi chép chức tước của các vị trong làng như thủ khoán, thủ sắc, lí trưởng, bách hộ, tập binh, mộ binh…góp phần nghiên cứu chức danh làng xã thời cuối Nguyễn. Sau đây, chúng tôi phiên âm dịch nghĩa toàn bài văn bia.
Văn Bia thứ nhất (kí hiệu 20413)
Đại Nam Khải Định nhị niên, lục nguyệt, cát nhật, Điện Bàn phủ, Duy Xuyên huyện, Đông Yên tổng, Lệ Trạch thôn bổn thôn đẳng đồng vi đồng lập thạch bi sự duyên, bổn thôn hứa tá bổn thôn nhất thổ nhị bách nguyên linh tịnh lạc quyên ngân tam bách nguyên, hựu phổ khuyến thôn nội chư viên nhân nhất bách nguyên linh, tu bổ tự sở tịnh nam bắc hội gia đồng hoàn lạc thành. Sở hữu viên nhân ký cúng ngân vu minh chí thạch bài dĩ thùy bất hủ. kê:…[2]
Dịch nghĩa:
Vào ngày lành tháng 6 năm Khải Định thứ 2, toàn thể thôn Lệ Trạch tổng Đông Yên huyện Duy Xuyên phủ Điện Bàn nước Đại Nam vì lí do lập bia đá. Bổn thôn có hứa mượn đất, 200 đồng cùng lạc quyên được 200 đồng, lại khuyến hóa trong thôn 100 đồng để tu sửa chùa, nhà hội nam bắc hoàn thành. Tất cả viên nhân được ghi chép vào bia đá để truyền lại không mất. Kê khai:
Bách hộ Hồ Hoành cúng 5 hào. Bách hộ Nguyễn Miễn cúng 1 đồng, Bách hộ Huỳnh Khiết cúng 1 đồng. Tập binh Nguyễn Xuyên cúng 1 đồng, viên tử Hồ Điển cúng 1 đồng, ngũ trưởng Nguyễn Mỹ cúng 1 đồng, điển châu Hồ Cúc 5 hào, cựu hương mục Hồ Nhượng 5 hào, cửu điển châu Nguyễn Thành 1 đồng, Cựu thủ sắc Hồ Đàm 1 đồng. cựu lý trưởng Hồ Tể 1 đồng, cựu thủ bạ Nguyễn Cẩn 5 hào, Cựu lý trưởng Nguyễn Trang 5 hào, Cựu thủ sắc Hồ Định 5 hào, thí sinh Hồ Phan Trương mỗi người 5 hào. Ban trưởng Nguyễn Tích 5 hào, Thập trưởng hồ Cúc 5 hào, ngũ trưởng Nguyễn Lũ 5 hào, mộ binh Hồ Cần Trương Huệ mỗi người 1 đồng, mộ binh Hồ Khuê 5 hào. Nhiêu hương hộ Hồ Tiến, Hồ Dầu, Hồ Thanh, Phan Khanh cùng cúng mỗi người 1 đồng, Nguyên thí sinh Hồ Tương, Nguyễn Huấn cúng mỗi người 5 hào. Cựu dịch mục Hồ Đán, Hồ Nộ, Hồ Khởi, Hồ Chất, Hồ Sĩ, Hồ Định, Hồ Khoát, Hồ Giám, Phan Dưỡng cùng cúng mỗi người 5 hào. Ty lễ Hồ Cầu 5 hào, ty nhạc Hồ Dần 5 hào, Cựu thủ khoán Hồ Nguyên, Nguyễn Tài cúng ngân 5 hào. Ty sự Hồ Trượng, Trương Bạn cùng cúng 5 hào, Ty hóa Trương Lâm 1 đồng, Ty chức Hồ Quý, Hồ Khâm, Phan Tương mỗi người cúng 5 hào. Lão nhiêu cựu trưởng ban Hồ Qua, Hồ Khôi, Phan Tuất cùng cúng mỗi người 5 hào, mộ binh Hồ Nên cúng 1 đồng.
Nội bạ dân phụng cúng dưới đây: Hồ Khôi, Hồ Nhã, Nguyễn Khởi, Hồ Môn, Hồ Quyển, Hồ Quế, Hồ Thạnh, Nguyễn Vị, Hồ Chứng. Hồ Liêm, Nguyễn Dịch, Hồ Dần, Hồ Lam, Nguyễn Hoàng, Hồ Độ, Trương Thuần, Nguyễn Châu, Hồ Xạ, Nguyễn Phán, Hồ Quyền. Hồ Thi, Nguyễn Toán, Nguyễn Xung, Hồ Khuê, Trương Ngọ, Nguyễn Tuất, Lê Quát, Nguyễn Bình, Hồ Vân, Nguyễn Huống, Hồ Khuyến. Nguyễn Siêu, Phan Trinh, Nguyễn Thông, Hồ Cận, Hồ Nhất, Hồ Lâm, Nguyễn Phong, Trương Ngôn, Phan Lợi, Trương Ngạn, Huỳnh Thông. Hồ Tập, Hồ Dương, Nguyễn Như, Hồ niệm, Phan Vụ, Huỳnh Vỹ, Trương Thập, Trương Khiết, Nguyễn Sở, Trần Thông, Trần Tích. Nguyễn Tịnh, Trương Sở, Huỳnh Dung, lê Mật, Trương Bị, Nguyễn Thái, Huỳnh Ca, Trần Chấn, Hồ Yến cúng 1 đồng. Lão Nhiêu Trương Diệu, Nguyễn Lang, Hồ Hinh, Ngô Hữu, Hồ Yên, Huỳnh Hộ, Huỳnh Thùy cùng cúng ngân mỗi người 5 hào.
Văn bia thứ hai (kí hiệu 20411)
Đại Nam Khải Định nhị niên, lục nguyệt, cát nhật, tư nhân tự vũ tịnh hội gia cáo thành, thôn nội viên nhân thị sự vu chính ngụ, thiện nam tín nữ cúng ngân vu đồng minh vu thạch. Kê:…
Dịch nghĩa:
Ngày lành tháng 6 năm Khải Định thứ 2 nước Đại Nam, nhân việc làm xong chùa sở, nhà hội, viên nhân trong thôn thấy việc ngụ cư chính cư thiện nam tín nữ cúng ngân khắc vào bia đá. Kê khai:
Chính phó hội chủ thủ sắc Hồ Vương Hãn, cựu lý trưởng Nguyễn Lâm cùng cúng ngân 1 đồng. chính phó đốc công cựu lý trưởng Hồ Học, Nguyễn Trúc cùng cúng ngân 1 đồng. Thủ bạ Nguyễn Hộ, Chính phó Lý Trưởng Hồ hoán, Nguyễn Thức cúng cúng 1 đồng. tri thu cựu dịch mục Hồ Đồng, Hồ Nhượng cùng cúng 1 đồng. Quá sự cựu thủ bổn Trương Mậu, cựu dịch mục Hồ Hưng, Nguyễn Thai, Nguyễn Cảnh, Phan Quyển, thủ sắc Lê Lũ cùng cúng tiền 2 đồng 5 hào. Thủ bổn Hồ nhuận 1 đồng, dịch mục Hồ Lý, Hồ Huấn, Nguyễn Nghị, Tạ Mai cùng cúng ngân 5 hào. Hương hộ Hồ bàn, Huỳnh Tùng, Nguyễn Xuân, Nguyễn Phô, Phan Thám, Phan Kiên lạc quyên mỗi người 50 đồng, Trưởng Ban Hồ 0, Hồ Đổng, Nguyễn Lũ, Nguyễn Ca, cùng cúng 5 hào, Thủ khoán Hồ Mai, Nguyễn Úy cùng cúng 5 hào. Nguyễn Dao, Nguyễn Trác, Nguyễn Thống, Nguyễn Quảng, Nguyễn Lương cùng cúng mỗi người 10 quan, Hồ Chí 5 hào. Hồ Liên, Hồ Dĩnh, Nguyễn Tự, Hồ Chương, Nguyễn Chuyên cùng cúng mỗi người 1 đồng, Trương Phan, Huỳnh Tịnh, Trần Uẩn, Hồ Tê cúng 5 hào. Lão nhiêu Lê Lễ 1 đồng, Quảng An mộ binh Huỳnh Lũ, Lương Đê cúng 5 hào, Hồ Khiết, Trương Tùng cúng 1 đồng, Nguyễn Trầm, Huỳnh Binh, Hồ Quảng, Trần Lượng 5 hào. Thừa Thiên, Quang Lộc tự thiếu khanh hưu trí bà Hồ Thị Huân vợ chính ông họ Võ cúng 5 đồng, Quảng An Ích Thái hiệu cúng 2 đồng, An Lâm Nguyễn Văn cúng 2 đồng, Phi Phú thí sinh Trần Thường cúng 1 đồng, Giao Thủy cựu lý trưởng Nguyễn khang cúng 6 đồng, Đông Thành hương mục Nguyễn Cang, La Tháp Võ Cầu, Thanh Châu Ngô Đình Trang cúng ngân 5 hào, Bảo An Nguyễn Vỹ cúng 1 đồng. Tín nữ Văn Thị Diên, Huỳnh Thị Khiêm, Nguyễn Thị Ta 5 hào, Phan Thị cầu, Mai Thị cửu, Phan Thị Dụng 1 đồng, Phú dân cúng ngân 5 hào dưới đây: Trương Siêu, Phan Sửu, Nguyễn Khanh, Đặng Chơi, Trần Giác, Phan Dụng.


[1] La Tháp châu gồm sáu thôn như Thanh Châu, An lâm, Cù La (Cù Bàn), Bình Khương (sau đổi ra Vĩnh Trinh), Lệ Trạch và Cổ Tháp.
[2] Phần danh sách, xin xem chỗ dịch nghĩa nên không phiêm âm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét