Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Nghiên cứu mộ cổ

MỘT NGÔI MỘ CỔ CỦA NỮ PHẬT TỬ TẠI QUẢNG NAM
                                                          Đồng Dưỡng
Trong quá trình sưu tầm tư liệu văn bia tại Quảng Nam, chúng tôi tìm được một ngôi mộ cổ tại thôn Cù Bàn, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam[1]. Ngôi mộ nằm ngay trên đám ruộng thuộc cánh đồng thôn Cù Bàn, cách đường 610 khoảng trăm mét. Nếu như đi từ thị trấn Nam Phước lên Mỹ Sơn thì ngôi mộ nằm về mé trái của con đường.

Mộ có hình bầu dục, kiểu giống mai rùa, mặt xây về hướng đông, đầu tựa về núi Chúa (Ấn sơn), mặt hướng về hướng đông nhìn chếch chếch ra dòng sông Thu Bồn,  dài 4m97, rộng 4m8. Ngôi mộ đã bị suy sụp nhiều, chỉ còn vòng thành xung quanh, và một tấm bia ghi lại một vài thông tin về người nằm dưới mộ. Tấm bia được đặt trước mộ, chất liệu đá sa thạch, ngã màu đen, chiều dài 97 cm, chiều rộng 54 cm, dày 13,5 cm. Trán bia hình mặt nhật, tua lửa, xung quanh trang trí hoa văn, phía dưới hình hoa sen nở, nét khắc đẹp và sắc xảo[2]. Bia được đục khắc sâu, do được làm bằng đá sa thạch nên mặt bia không được nhẳn, khi sao dập, bản dập không đẹp cho lắm[3]. Qua cách trang trí hoa văn cùng chất liệu đá, ta có thể đoán định niên đại ngôi mộ là thuộc các chúa Nguyễn đến giai đoạn Nguyễn sơ, dạng này ít xuất hiện ở các giai đoạn sau.

Lòng bia được cấu trúc ba hàng chữ được khắc theo lối chân phương, hàng giữa khắc chữ lớn, rõ, đẹp. Trên đầu hai bên lấy hàng giữa làm trục đối xứng, phía trên các hàng chữ có đề hai chữ “Hoa châu 花洲”. Thông thường cách làm bia mộ tại Quảng Nam hay khắc địa danh quê quán của người quá cố vào hai bên phía trên. Hàng giữa ghi tên người quá cố “Cai phủ chính thê pháp danh Quảng Đức Trần Thị Ư chi mộ 該府正妻法名廣德陳氏於之墓” tức mộ của bà Trần Thị Ư pháp danh Quảng Đức vợ chính của ông Cai Phủ. Hàng bên trái đề: “Tuế thứ Mậu Tý niên đồng nguyệt cát đán 歲次戊子年桐月吉旦”. Bên phải đề: “Hiếu nam Đinh Công Thành lập thạch phụng sự 孝男丁公成立石奉事”, nghĩa là con trai Đinh Công Thành lập bia phụng thờ[4].
Qua một số thông tin từ văn bia, chúng ta tìm hiểu từng phần một. Địa danh hành chính “Hoa Châu” không biết xuất hiện khi nào. Trong sách Ô Châu Cận Lục được biên soạn vào đời Mạc, ta chưa thấy xuất hiện tên này. Tra vào Phủ Biên tạp lục của Lê Quí Đôn thì biết đây là một “Thuộc”. Theo Phủ Biên tạp lục thì Thuộc Hoa Châu nằm trong địa bàn huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa xưa. Nó gồm có 58 thôn, 1 phường 2 giáp 3 châu. Như thế, Thuộc này khá lớn, tương đương với phần đất của khu Tây huyện Duy Xuyên và một số thôn làng thuộc huyện Đại Lộc[5] bây giờ. Sự khảo sát kỹ hơn cho biết, khái niệm Thuộc ở đây dùng để chỉ đặc tính chung của một vùng nghề trong huyện, như thuộc Chu Tượng là nói về phường thợ đóng thuyền, thuộc Nội phủ kim hộ là nói tới các hộ đãi vàng có nộp thuế cho phủ chúa, thuộc Tân dân là khu vực mới thành lập, thuộc Tịch tượng nói về phường dệt chiếu, và có thể thuộc Hoa châu chỉ cư dân nông nghiệp chuyên nghề trồng lúa và cư dân này sống dọc theo bờ sông Thu Bồn. Ngôi mộ nằm trên địa bàn thôn Cù Bàn xưa cũng chính là phần đất của Hoa Châu. Văn bia Trùng tu công đình bi ký lập năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) có ghi các địa giới của các xã thôn thuộc La Tháp châu như An Lâm, Thanh Châu, Bình Khương, Cổ Tháp, Cù Lạ, Lệ Trạch. Cù Lạ theo các cụ già cho biết tên xưa của thôn Cù Bàn.
Vấn đề “Thuộc” này bị mất tên khi nào để chúng ta đoán định niên đại của ngôi mộ. Theo Địa bạ làng Phú Đa lập năm Gia Long thứ 13 có còn ghi “Thăng Hoa phủ, Duy Xuyên huyện, Hoa Châu thuộc, Mậu Hòa trung tổng, Phú Đa xã”. Như thế, địa danh thuộc Hoa Châu vẫn còn được sử dụng đến năm Gia Long thứ 13 (1814). Phía sau cuốn địa bạ có ghi lại một số văn bản công nhận địa giới của làng Phú Đa. Hầu hết các xã trên như Thu Bồn, Bảo Sơn, Thạch Bàn thuộc tổng Mậu Hòa trung, còn An Ninh, An Tư, Thạnh Mỹ thuộc tổng Phú Mỹ đều thuộc Hoa Châu. Khái niệm “Thuộc” này có thể bị bỏ đi từ cuộc cải cách địa danh vào thời Minh Mệnh. Sau này, các giấy tờ của làng Phú Đa không thấy ghi thuộc Hoa Châu. Qua đây, chúng ta nhận thấy khái niệm “Thuộc” ra đời vào thời chúa Nguyễn được tồn tại cho đến niên hiệu Minh Mệnh. Do đó, ngôi mộ này phải có niên đại nằm trong giai đoạn trên.
Lần theo hàng giữa khắc chữ hán lớn “Cai phủ chính thê pháp danh Quảng Đức Trần Thị Ư chi mộ 該府正妻法名廣德陳氏於之墓” tức mộ của bà Trần Thị Ư pháp danh Quảng Đức vợ chính của ông Cai Phủ. Chức quan “Cai Phủ” là một chức của chồng bà. Trong tập tục của người Việt thì người vợ cũng được nối kết với chức danh của người chồng nhưng thực ra chỉ có chồng mới giữ chức đó. Theo sách Quan chức nhà Nguyễn cho biết: “Cai Phủ chức quan đứng đầu trong việc thu thuế ở một phủ thời chúa Nguyễn. Có chức Cai Tri giúp việc cho các Cai Phủ[6]. Như thế, đây là một chức quan thuộc hàng phủ trông coi việc thu thuế dưới thời chúa Nguyễn. Do đó, chúng ta khu biệt niên đại của ngôi mộ phải nằm trong giai đoạn chúa Nguyễn, bỏ qua các thời Tây Sơn, Nguyễn sơ.
Lần lần khu biệt niên đại của ngôi mộ từ đó xác định niên đại lập mộ. Theo văn bia mộ có ghi: “Tuế thứ Mậu Tý niên đồng nguyệt cát đán 歲次戊子年桐月吉旦” tức năm lập mộ. Đó là ngày lành tháng thuộc mùa thu năm Mậu Tý. Tra vào Niên biểu Việt Nam, năm Mậu Tý thuộc các năm 1588, 1648, 1708, 1768…ta đoán định điều có thể xảy ra là ngôi mộ được lập vào các năm 1648 hay 1708. Năm 1588, 1648 qua lớn đối với cách xây dựng mộ, cũng như họa tiết trong văn bia. Theo thiểu ý của người tiến hành công tác điền dã thì có thể chấp nhận năm 1708 chính là năm lập mộ.  
Điểm đã lôi cuốn chúng tôi nằm ở chỗ văn bia có ghi lại pháp danh mà ít bia mộ thời Chúa có được. Theo truyền thống Phật Giáo Bắc phương, khi người có lòng muốn qui y tam bảo để trở thành một Phật tử thì vị sư sẽ làm lễ truyền thụ tam qui ngũ giới và an lập pháp danh cho người đó. Qui tắc ban pháp danh cũng tùy tiện. Những vị sư thuộc các dòng thiền thì an lập pháp danh theo kệ phái, thường thì đối với các phật tử tại gia,pháp danh không phải bắt buộc đặt theo kệ phái như những người xuất gia. Ở miền bắc, các sư thường cho tên tự cho nam cư sĩ, tên hiệu cho nữ cư sĩ. Pháp danh của nam cư sĩ bắt đầu bằng chữ “Phúc”, của nữ cư sĩ bắt đầu bằng chữ “Diệu”. Bà Trần Thị Ư pháp danh Quảng Đức là một biệt lệ, không theo qui tắc nào. Đối chiếu với những bài kệ truyền thừa của hầu hết các dòng thiền tại Đàng Trong, cũng không thấy bài kệ nào có ghi chữ “Quảng”, riêng kệ truyền pháp của hai dòng Đột Không Trí Bản và Liễu Quán thì dùng chữ “Quảng” để đặt tên, nhưng các thế thứ có mang tên chữ “Quảng” chỉ mới xuất hiện gần đây, chứ không xưa như văn bia phản ánh. Nhiều lúc, khảo sát các văn bia xưa ở Quảng Nam cũng thấy xuất hiện những pháp danh ngoài dòng kệ như thế, nên có thể nghĩ rằng vị này được thầy bổn sư tùy nghi ban pháp danh.
Qua pháp danh của nữ Phật tử Trấn Thị Ư, chúng ta có thể biết lúc này tình hình Phật Giáo Đàng Trong nói chung và Phật Giáo xứ Quảng nói riêng đã có những bước phát triển. Phật giáo không chỉ giúp ổn định về mặt tâm thức cho dân chúng mà còn ảnh hưởng đến các tầng lớp thượng lưu như gia đình bà Cai Phủ này. Theo các tư liệu còn được biết, vào năm 1607, Nguyễn Hoàng cho lập chùa Bảo Châu trên hòn Non Trược để sau này tướng quân Mạc Cảnh Huống trở về an dưỡng tu tập với đạo hiệu Thiền Cảnh Chân Tu[7]. Cũng tại phủ Thăng Hoa, đã sản sinh một bậc cao tăng như Minh Châu Hương Hải (1628-1715) làm rạng ngời Phật Giáo xứ Quảng. Sư cũng có ảnh hưởng đến các quan chức cũng như phủ chúa. Cách đó khoảng vài cây số đến thôn Cổ Tháp, chính là quê hương của thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền (1726-1798), một cao tăng và một tác gia văn học Phật Giáo[8]. Như thế, ở khu vực Duy Xuyên đã có nhiều bậc cao tăng xuất hiện, nhiều ngôi già lam đóng một vai trò không nhỏ trong việc truyền bá Phật giáo về phương nam.
Với việc phát hiện một ngôi mộ cổ tại huyện Duy Xuyên, chúng ta nhận thấy nhiều điều lí thú tuy thông tin đưa ra ít nhưng nó phán ánh một phần nào văn hóa thời ấy. Ngôi mộ có một ý nghĩa trong việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Hoa Châu xưa tức Duy Xuyên sau này. Điều đặt biệt, trên tấm bia có ghi lại tước hiệu của người trong mộ, là vợ một vị quan Cai Phủ, một chức quan thu thuế. Tấm bia ghi lại pháp danh phản ánh tình hình Phật Giáo trong giai đoạn chúa Nguyễn, giúp ích cho công việc nghiên cứu lịch sử Phật Giáo xứ Quảng. Bia lại được trang trí bằng các họa tiết hoa văn như mặt nhật, tua lửa, hoa sen… cung cấp cho nhà nghiên cứu Mỹ Thuật tìm hiểu họa tiết trong các bia mộ thời các chúa. Ngoài ra, ngôi mộ tuy không bảo tồn nguyên vẹn nhưng phần nào đã chỉ cho chúng ta biết được cách thức làm ngôi mộ cũng như chất liệu xây dựng là hợp chất vôi, mật với vỏ nhuyễn trộn lẫn vào mà không xây dựng bằng gạch như thời hiện đại.

Tài liệu tham khảo:
1.     Ô châu cận lục tân dịch hiệu chú của Dương Văn An, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001.
2.     Phủ biên tạp lục, tập 1, trong Lê Quí Đôn toàn tập của Lê Quí Đôn, bản dịch của Viện sử học, Nxb KHXH, H. 1977.
3.     Bia Trùng tu công đình bi ký lập năm Cảnh Hưng thứ 15, thác bản viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 20934.
4.     Địa bạ làng Phú Đa lập năm Gia Long thứ 13 (1814) và một số giấy tờ, tủ sách Pháp Đăng.
5.     Trần Thanh Tâm, Quan Chức triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 2000.
6.     Từ  Quang tự sa môn Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm thiền sư xuất thế nhân do sự tích chí, Thị giả biên tập, bản chép tay.
7.     Văn bia mộ Mạc Cảnh Huống an lập tại Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
8.     Văn bia mộ bà Đoàn Thị Thạnh an lập tại Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
9.     Niên biểu Việt Nam của Vụ bảo tồn bảo tàng, Nxb KHXH, H. 1970.



[1] Nhân đợt điền dã vừa qua, chúng tôi được sự giúp đỡ của anh Trần Tấn Mót (Đồng Đức), nhân đây xin cảm ơn anh.
[2] Hoa sen phía đế bia này cũng tìm thấy ở ngôi mộ bà Đoàn Thị Thạnh (tại Trà Kiệu) cũng là ngôi mộ cổ thời các Chúa. Ngôi mộ này vẫn còn con cháu thờ tự. Loại hoa sen nở tỏa ra khắp chân bia, các cảnh rất sắc nét, chỉ thấy xuất hiện trên hai bia mộ thuộc huyện Duy Xuyên.
[3] Điêu khắc thời các chùa Nguyễn chịu ảnh hưởng của nền Điêu khắc Chămpa. Chúng ta nhận thấy các bức chạm đá trên các tháp tại Mỹ Sơn được đục sâu, sắc nét. Yếu tổ nữa là do chất liệu đá sa thạch mềm nên dễ đục sâu hơn các loại đá xanh.
[4] Ngôi mộ này vẫn chưa xác định được thân nhân thờ phụng. Có lẽ thời gian quá lâu nên không có người thừa tự. Đây cũng chính là điểm chung của các ngôi mộ thời Chúa Nguyễn.
[5] Theo văn bia mộ tiền hiền họ Nguyễn Quang thôn Phúc Yên cho biết làng Vu Gia cũng thuộc về Hoa Châu. Thôn Phúc Yên nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. 
[6] Trần Thanh Tâm, Quan Chức triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 2000, tr. 85.
[7] Theo văn bia mộ của ông Mạc Cảnh Huống được an lập tại xóm Hoàng Châu, thôn Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
[8] Theo Từ  Quang tự sa môn Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm thiền sư xuất thế nhân do sự tích chí, bản chép tay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét