Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

TÌM HIỂU VĂN BIA THẮNG QUẢ THÁP KÝ

TÌM HIỂU VĂN BIA THẮNG QUẢ THÁP KÝ
                                                                                                               Đồng Dưỡng
Trong quá trình sưu tầm văn bia tháp tổ, chúng tôi đã viếng thăm khá nhiều tổ đình thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều tấm văn bia đã được tạc ngay trên những ngôi tháp đá, các ngôi tháp được xây bằng gạch thì học trò mới tạc vào một tấm đá phẳng, gắn sau thân tháp. Các bài văn bia trên ngôi tháp thường ca ngợi công đức tu hành của các thiền sư, ghi chép danh sách học trò kế đăng cũng như những người có công bỏ tiền của ủng hộ công việc xây dựng ngôi tháp. Văn bia tháp còn có nội dung ghi lại đất đai tức ruộng hương hỏa dùng để lo những ngày húy kỵ của vị sư được an táng trong lòng tháp. Theo các nhà nghiên cứu, bài ký trên các tháp thuộc thể văn xuôi tiểu sử. Đây là cứ liệu để nghiên cứu nhân vật Phật giáo Việt Nam.
Trong một lần từ Đông Triều về Chí Linh, chúng tôi ghé thăm chùa Hưng Khánh ở thôn Lạc Đạo xã An Lạc. Chùa được xây dựng theo lối chữ Đinh, kết cấu tiền đường chắn ngang nối kết với nhà thiêu hương. Chùa nằm trong một cụm di tích, bên phải có ngôi đình nổi tiếng, thờ cúng những vị thần có công với làng xã.
Bước vào chùa, chúng ta nhận thấy hệ thống tượng pháp nơi đây khá xưa, những pho tượng được làm bằng chất liệu gỗ, được phủ sơn trông rất uy nghiêm. Các tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ ở chùa như hoành phi câu đối, chuông đồng có niên đại từ đời Thành Thái (1889-1905) nhà Nguyễn. Hai bên tiền đường còn để khá nhiều bia hậu, bia công đức. Lần qua các văn bia, chúng tôi phát hiện một tấm bia nhỏ, khổ 85x47cm, xung quanh không trang trí. Do khói hương thắp nhiều nên các hàng chữ bị bụi phủ đầy. khi cho lau sạch, đọc hàng đầu tiên thấy đề Thắng Quả tháp ký, tức bài ký tháp Thắng Quả. Hỏi các vị trông chùa mới biết văn bia này nguyên được đặt phía sau một ngọn tháp. Trải qua thời gian biến động, ngôi tháp không được bảo quản tốt nên bị sụp, các vãi mới mang tấm bia vào chùa để vào hàng bia Hậu. Lí lịch của tấm bia đã rõ ràng, chúng tôi cho dập để xem nội dung thế nào.
Khi bản dập đã xong, chúng tôi đọc từng chữ trong bia và thật bất ngờ đây là một bài ký ghi chép hành trạng thiền sư Băng Thu (冰湫). Chữ Thu có thêm bộ thủy vào bên phải cũng có thể đọc là Bàng. Cũng có thể bộ thủy thêm vào mà vẫn đọc là âm Thu. Có người đề xuất âm Thu nên chúng tôi thống nhất với tên vị thiền sư này. Lòng bia được kết cấu 13 dòng, mỗi dòng 23 chữ, chữ khắc chân phương dễ đọc. Văn bia do thiền sư Băng Tràng Thích Ẩn Ẩn chùa Bảo Khánh soạn, được tạc ngày tốt tháng 3 năm năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775).
Nội dung tháp ký cho biết: “Ngôi tháp dựng lên là để ghi chép sự tích vậy. Sư quê ở thôn Quần Ngọc xã Đông Lâm huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang xứ Nghệ An. Sư họ Thái, tên húy là Minh Chương, sinh năm Kỷ Sửu (1719). Vốn xuất thân từ nhà quan để báo ơn vua, bán thế xuất gia,  hồi tâm hướng đạo, đến quy theo Bản sư Sa môn Tính Lãng Thích Đoàn Đoàn, được đặt pháp danh là Sa di tự Băng Thu. Từ đó, thuận theo lời thầy dạy bảo niệm phật tụng kinh, gánh nước bổ củi, không từ lao nhọc. Sư thường đi xem thế đất, đến đâu cũng tùy duyên. Sau ngài quyết chí trụ trì chùa Hưng Khánh, đèn hương thờ Phật, cầu chúc cho mạch nước bền vững lâu dài. Sư khai sáng già lam, trồng thêm nhiều cây, tô tượng tam thân trang nghiêm. Đến giờ Mão ngày mồng 10 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1774), sư viên tịch, hưởng thọ 66 tuổi. Dân làng thương tiếc,  tăng tục vân tập về  tổ chức lễ hỏa táng thu lấy xá lị, dựng tháp để lại cho đời sau.
Môn nhân kế đăng là Sa di ni hiệu là Diệu Thoát thế danh Thái Đình Nê.
Ngày tốt tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775). Sa môn Băng Tràng Thích Ẩn Ẩn ở chùa Bảo Khánh thuật [1].
Qua bài ký, chúng ta biết được hành trạng sa di Băng Thu. Sư từng đến thụ học với thiền sư Tính lãng Thích Đoàn Đoàn. Văn bia không ghi lại ngôi chùa mà thiền sư Tính lãng trụ trì. Theo bản Thánh đăng ngữ lục in năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), phía sau phần hậu bạt cho biết: “Trụ trì Trí Nhàn am sa di tự Tính Lãng hiệu Huệ Từ Thích Đoàn Đoàn”. Thông tin có thể bổ sung và cho biết thiền sư Tính Lãng từng trụ trì am Trí Nhàn, có hiệu là Huệ Từ. Nối kết lại thì có thể sa di Băng Thu từng đến xuất gia với thiền sư Tính Lãng ở am Trí Nhàn. Cũng theo sách, thiền sư Tính lãng có cung tiến cho hai vị thầy của mình là thiền sư Như Lãm, thiền sư Như Cảm. Hai vị sư này đã có bi ký ghi chép rõ ràng. Theo Linh Quang tháp ký, Thiền sư Như Lãm trụ trì chùa Miễu, Vĩnh Bảo. Trước xuất gia với thiền sư Chân Lộc, được ban pháp danh là Như Nguyện. Sau cầu giới với tổ Chân Nguyên, lại dịch danh là Như Lãm. Theo Trung Đạo tháp ký, thiền sư Như Cảm là một trong những vị đại đệ tử của tổ Chân Nguyên. Sau khi bản sư viên tịch, sư về trụ trì chùa Đống Cao (còn gọi là chùa Séo) ở huyện Gia Lộc, Hải Dương. Như thế, tông phong thiền sư Băng Thu có nguồn gốc thuộc tông Long Động trên núi Yên Tử. Một nghi vấn được đặt ra là tại sao sư có pháp danh Băng Thu, đúng theo kệ phái truyền thừa thì sư phải có pháp danh ở chữ “Hải” mới chính xác. Ngay cả vị biên soạn văn bia cũng ghi giống sư là Băng Tràng. Đây là một vấn đề khá phức tạp trong sự truyền thừa dòng Lâm Tế Bắc Hà.
Do không có tư liệu ghi chép lí do sử dụng chữ Băng để thay chữ Hải trong kệ phái nên cần phải khảo sát thêm các tư liệu bổ sung lí giải vấn đề. Trong thư tịch, văn bia Phật Giáo cuối Lê có ghi lại một số vị sư có tên tự với chữ Băng như Phổ Quang tháp ký tại chùa Kim Liên, Viên dung tháp ký tại chùa Thanh Nhàn, Trung Đạo tháp ký tại chùa Đống Cao đều có ghi các thiền sư có tên tự chữ đầu là chữ “Băng”. Khi đối chiếu các tư liệu, chúng tôi nhận thấy các vị thiền sư thuộc các tổ đình Bảo Quang (Bụt Mọc), Thiên Ân (Phúc Lai), Bảo Khánh, Hưng Khánh…đều thấy các ngài có lúc dùng chữ Hải theo kệ phái, có lúc dùng chữ “Băng”. Hiện tượng này chỉ lan tỏa trong một số pháp phái mà không có sự chuẩn định nào. Chúng tôi đơn cử thiền sư Băng Tràng người soạn văn bia tháp Thắng Quả thì trong Quang Thông tháp ký tại chùa Bảo Khánh đề “Thư ký Hải Tràng Thích Ẩn Ẩn”. Thiền sư Hải Biểu trụ trì chùa Đại Bi (Ngọc Xuyên) có xuất hiện với hiệu là Băng Biểu. Do đó, thiền sư Băng Thu cũng có đạo hiệu là Hải Thu. Điều này chúng tôi kiểm chứng trong văn bia Quang Thông tháp ký phần cuối có ghi: “Thiền môn thích tử Tính Lãng, Tính Hằng, Tính Lai, Hải Bỉnh, Hải Thu, Diệu Tín, Diệu Nhiên”. Như vậy, phần thiền môn thích tử có nhắc đến thiền sư Tính Lãng và Hải Thu. Chữ Thu trong văn bia không thấy đề bộ thủy vào. Đây có thể là một trường hợp đặc biệt trong một số pháp phái có quan hệ với nhau và họ lúc thì dùng với tên tự bằng chữ “Hải” lúc dùng với chữ “Băng” nên hai chữ trên có thể thay nhau.
Văn bia xuất hiện hai thiền sư có đạo hiệu theo lối nhấp láy như Thích Ẩn Ẩn, Thích Đoàn Đoàn. Theo Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục ghi chép thiền sư Chuyết Chuyết từng đến tham học với Trạng nguyên tăng Đà Đà. Truy ra thì lối nhấp láy đó xuất hiện ở vị thầy của Chuyết Chuyết là Đà Đà, rồi đến Minh Hành Tại Tại, Diệu Tuệ Thiện Thiện. Riêng thiền sư Minh Lương, Chân Nguyên không thấy xuất hiện đạo hiệu theo lối nhấp láy. Sau thiền sư Chân Nguyên thì xuất hiện trở lại như thiền sư Như Trừng với hiệu là Như Như hoặc Như Như Trừng Trừng, Tính Ngạn Ngột Ngột, Hải Quýnh Chiêu Chiêu, Tính Quảng Điều Điều, Tính Lâm Sái Sái…Đây là một trường hợp hơi lạ và nó chỉ thấy xuất hiện tại miền bắc nước ta. Từ phái Lâm Tế có sử dụng đạo hiệu nhấp láy này ảnh hưởng sang các thiền sư phái Tào Động. Độ ảnh hưởng này chỉ thấy xuất hiện vào thời Nguyễn ở các thiền sư phái Tào Động.
Thắng Quả tháp ký là tư liệu Hán Nôm rất đáng trân trọng, cung cấp hành trạng thiền sư Băng Thu, vị trụ trì chùa Hưng Khánh. Sư tuy bán thế xuất gia nhưng đã tạo lập khá nhiều công nghiệp ở vùng đất Chí Linh. Qua bài văn bia, chúng ta có dịp lí giải một số vấn đề về tên tự, hiệu của các thiền sư. Đây là trường hợp đặc biệt ít thấy trong các dòng thiền khác. Văn bia ghi chép đơn sơ, lượng thông tin ít nhưng nó giúp ích công tác nghiên cứu thiền phái Lâm Tế vùng Chí Linh, mở ra sự truyền thừa một chi phái bắt đầu từ thiền sư Tính Lãng, người đứng in sách Thánh đăng ngữ lục. Phái này có nguồn gốc từ tổ đình Long Động, Linh Miếu, Đống Cao truyền đến am Trí Nhàn, hướng đến Hưng Khánh.


[1] Phiên âm:
THẮNG QUẢ THÁP KÝ
Tháp giả ký kỳ sự tích dã.. Sư bản quán Nghệ An xứ Đức Quang phủ Thiên Lộc huyện Đông Lâm xã Quần Ngọc thôn, tục tính Thái, húy Minh Chương, sinh vu Kỷ Sửu niên. Bản tòng quan sĩ dĩ báo quân thân, bán thế xuất gia hồi tâm hương đạo. Quy đầu bản sư Sa môn Tính Lãng Thích Đoàn Đoàn, trí pháp danh Sa di tự Băng Thu. Y sư giáo huấn, niệm Phật tụng kinh, vận thủy ban sài, bất từ lao khổ. Thường hành tướng địa, đáo xứ tùy duyên, Quyết chí trụ trì Hưng Khánh thiền tự, phần hương chúc thánh thọ kỳ quốc mạch, khai sáng già lam chủng thụ, trang hoàng tam thân tố hảo. Chí vu Giáp Ngọ tứ nguyệt sơ thập nhật mão thời thuận  tịch, xuân thu lục thập lục tuế. Hương dân ai mộ, tăng tục vân trăn, toại đồ  duy nhi đắc xá lị, nãi thụ tiểu thúy đổ ba, dĩ di quyết hậu vân nhĩ.
Kế đăng tông nhân Thái Đình  Nê Sa di ni hiệu Diệu Thoát.
Hoàng triều Cảnh Hưng tam thập lục niên tam nguyệt cốc nhật, Bảo Khánh tự Sa môn Băng Tràng Thích Ẩn Ẩn thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét