PHÁT HIỆN MỘT SỐ TƯ LIỆU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN
THIỀN SƯ THIỆT VINH BẢO HẠNH
Đồng Dưỡng
Trong một lần tìm đọc các kinh sách chữ Hán, chúng tôi vô tình phát hiện hai bản in Vu Lan Bồn tân sớ và Qui sơn cảnh sách cú thích. Cả hai bản in đều khá xưa, được khắc in dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, có niên đại gần 300 năm. Các tờ đầu và phần nội dung chỉ in nguyên theo tư liệu Trung Quốc, đâu đó ở một số tờ, khi có khoảng trống, người ta mới in chen một số dòng ghi tên công đức, hoặc cho biết nơi tồn ván khắc. Bỏ qua các phần đó, lật tìm các tờ cuối mới biết rõ lai lịch bản in. Thường thì phía sau có đề bài bạt, niên đại và một phần chiếm số tờ nhiều nhất là danh sách thập phương tín cúng. Cả ba phần sẽ cung cấp nhiều sử liệu có liên quan đến các vị thiền sư. Và ở trong hai bản in này cho ta biết lai lịch về thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh[1].
Năm ngôi tháp của chùa Từ Đàm trong vườn chùa Báo Quốc-Huế
Theo các tư liệu đã công bố, thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh là đệ tử của tổ Minh Hoằng Tử Dung, chùa Ấn Tông (nay là chùa Từ Đàm-Huế) và là huynh đệ với ngài Thiệt Diệu Liễu Quán (chùa Thiền Tôn-Huế). Hiện nay, tại chùa Từ Đàm (Huế) và Vạn Thiện (Khánh Hòa) đều có long vị thờ. Riêng bảo tháp của ngài, xưa được an lập trong khuôn viên chùa Từ Đàm, khi người Pháp mở đường Nam Giao, tháp được chuyển vào trong vườn chùa Báo Quốc. Tấm bia tháp khá xưa được làm bằng đá sa thạch đề: “Sắc tứ Viên Tịnh Bảo lão hòa thượng chi tháp 敕賜圓淨寶和尚之塔”.
Tấm bia tháp của Thiền sư Bảo Hạnh
Mới đọc qua văn bia, khó mà biết được đích xác danh tính của ngài. Việc dùng tên chùa liên kết với chữ đầu trong pháp danh của người được thờ trong tháp là một hiện tượng xuất hiện khá nhiều trong văn bia tháp tổ có niên đại thời chúa Nguyễn. Lần hồi có thể truy cứu được rõ là nhờ long vị đặt tại chùa Từ Đàm đề rõ như sau: “Sắc tứ Viên Tịnh Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế thượng Bảo hạ Hạnh húy Thiệt Vinh lão hòa thượng nghê tòa
敕賜圓淨臨濟正宗三十五世上寶下行諱實榮老和尚猊座”[2]. Như thế, ngài Thiệt Vinh Bảo Hạnh thuộc đời 35 phái Lâm Tế, từng trụ trì chùa sắc tứ Viên Tịnh. Một câu hỏi đặt ra, chùa Viên Tịnh thuộc về địa phương nào, hay nó nằm gần ở Huế.
Phần trên, chúng tôi có nói bản in Vu Lan Bồn kinh tân sớ được khắc in vào thời chúa Nguyễn tại Đàng Trong. Theo một tờ gần cuối cho biết bản in do tỳ kheo Tâm Châu Vĩnh Hưng khắc ván vào năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) và bản gỗ được lưu trữ tại chùa Hội Tông. Tờ cuối ghi danh sách công đức gồm 5 dòng, mỗi dòng 15 chữ. Còn mặt sau thì bỏ trống. Do bỏ trống như thế nên một vị nào đó đã có chép 6 dòng chữ hán vào đây; chứ thực ra phần chép này không có liên quan gì đến bản kinh mà ta nói trước. Phần này có ba chữ tông, Thiệt và thời đều không tuân thủ lệnh kiêm húy nhà Nguyễn; cho thấy người viết vào bản kinh phải thực hiện điều đó trước lệnh kiêm húy ban ra. Ở dòng thứ năm, có mất 4 chữ của một bài kệ nên bài kệ không còn được nguyên vẹn.
Chúng tôi xin cung lục như sau, dòng thứ nhất đề: “Tự Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế, Phụng Thùy sơn thượng Bảo hạ Hạnh húy Thiệt Vinh lão hòa thượng nghê tọa 嗣臨濟正宗三十五世鳳垂山上寶下行諱實榮老和尚猊座”. Dòng thứ hai ghi: “Nguyên sinh Đinh Mùi niên thất nguyệt nhị thập thất nhật tuất thời lai 元生丁未年七月二十七日戌時來” và dòng tiếp ghép: “Mậu Thìn niên lục nguyệt sơ thất nhật sửu thời khứ戊辰年六月初七日丑時去 ”. Nghĩa là sinh giờ Tuất ngày 27 tháng 7 năm Đinh Mùi, Mất giờ sửu mồng 7 tháng 6 năm Nhâm Thìn. Đây chính là bản chép lại một long vị của một ngôi chùa nào đó thờ Thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh. Có thể người chép thuộc về pháp phái hoặc do tinh thần giữ dìn tư liệu chăng? Dòng đầu viết “Phụng Thùy sơn” mà không ghi tên chùa như long vị đề “Sắc tứ Viên Tịnh tự”. Đối chiếu niên đại ngài Liễu Quán, chúng ta xác định rõ được năm sinh, năm mất của ngài Bảo Hạnh. Tổ Liễu Quán sinh năm Đinh Mùi (1667) mất năm Nhâm Tuất (1742), suy ra tổ Bảo Hạnh sinh năm Đinh Mùi tức năm 1667, cùng năm với ngài Liễu Quán; mất năm Mậu Thìn, tức năm 1748. Như Thế, ngài Bảo Hạnh thọ hơn ngài Liễu Quán 6 tuổi và ngài mất năm 82 tuổi.
Ba dòng tiếp theo ghi chép một bài kệ như sau: “Xuất phái kệ:
Minh thiệt tế an thiền
Tâm đoan tính lãng nhiên
Hải trừng châu tự hiện
Vân…
Nhất cự đằng quang viễn
Vạn đăng tục diệm liên
Thánh hiền hưng thiệu thuật
Đại pháp vĩnh di truyền".
Ba chữ “xuất phái kệ” đây được hiểu là xuất kệ truyền thừa pháp phái tức bài kệ truyền thừa. Xưa nay, chúng ta chỉ biết có mấy vị xuất kệ hoặc tục kệ như ngài Minh Hải Pháp Bảo, Liễu Quán. Qua tư liệu này, chúng ta biết được một bài kệ truyền thừa nữa do ngài Bảo Hạnh viết. Tuy bài kệ không còn nguyên vẹn nhưng nó cung cấp một tư liệu quí hiếm. Trong các vị đệ tử của ngài Minh Hoằng Tử Dung, đã biết được hai ngài Bảo Hạnh và Liễu Quán xuất kệ truyền thừa. Vì thế, pháp phái này có xu hướng phân tông lập phái khá mạnh. Tiếc rằng sự truyền thừa pháp phái do ngài Bảo Hạnh truyền xuống không còn kế đăng nên các tư liệu đi dần vào quên lãng.
Trong Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức cho biết ở cuối văn bản của bản Chính Pháp Nhãn Tạng[3] (có nơi gọi là Pháp Quyển) mà ngài Bảo Hạnh ban cho đệ tử Linh Phù Tế Cảm có ghi niên đại là giữa hạ năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), nhờ vậy nên xác định được là Thiền sư Bảo Hạnh thị tịch sau khi phú pháp cho ngài Tế Cảm không bao lâu.
Cuộc đời thiền sư Bảo Hạnh gắn bó với hai nơi là Thuận Đô và Diên Ninh. Theo ông Nguyễn Hiền Đức, chùa Viên Tịnh nằm về núi Phụng Thùy. Núi Phụng Thùy vào thời chúa Nguyễn thuộc phủ Diên Ninh. Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Khánh Hòa cho biết Phủ Diên Ninh sau đổi sang tên Diên Khánh, lệ vào dinh Bình Khang, kiêm lí ba huyện: Hoa Châu, Phước Điền và Vĩnh Xương. Do địa giới rộng lớn và chưa có điều kiện điền dã về đây nên chưa xác định núi Phụng Sơn nằm về thôn, xã, huyện nào bây giờ.
Một tư liệu nữa có ghi chép một phật sự của thiền sư Bảo Hạnh. Đó là bản in Qui sơn cảnh sách cú thích ký. Ở cuối quyển hạ cho biết: “Diên Ninh phủ Thiên Hỉ sơn Quảng Phước tự tỳ kheo Thiệt Vinh, đệ tử Tạng Châu, Phụng Tiên, Lập Kiệt, Văn Cử, Thiên Giáng, Đạo Tuyết, Đạo Kiểu đồng trữ Cảnh sách cú thích thượng hạ nhị quyển bản tàng lưu thông. Dĩ tư công đức, tứ ân tổng báo, tam hữu câu tư, phúc tuệ viên minh, tảo đăng giác địa. Vĩnh Hựu Kỷ Mùi xuân nhật, tỳ kheo Bảo Hạnh Vinh huân mộc hòa nam cẩn thức”
Tạm dịch:
Tỳ kheo Thiệt Vinh chùa Quảng Phước, núi Thiên Hỉ, phủ Diên Ninh cùng các đệ tử Tạng Châu, Phụng Tiên, Lập Kiệt, Văn Cử, Thiên Giáng, Đạo Tuyết, Đạo Kiểu khắc ván Cảnh sách cú thích gồm hai quyển thượng hạ để lưu thông. Lấy công đức này đền đáp bốn ơn, cứu giúp ba cõi, phúc tuệ tròn đầy, sớm lên bờ giác. Tỳ kheo Bảo Hạnh Vinh tắm gội, cúi đầu kính cẩn cho biết vào ngày xuân năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu (1739).
Dựa vào thông tin trên, xác định, ngoài công tác trụ trì chùa Viên Tịnh trên núi Phụng Thùy, Thiền sư Bảo Hạnh còn trụ tại chùa Quảng Phước trên núi Thiên Hỉ. Cả hai địa danh này cũng thuộc phủ Diên Ninh mà ta nói ở trước. Bản in được sự giúp đỡ đặc biệt của hàng môn đồ thiền sư, các vị sư này đều chỉ biết tên mà chưa xác định rõ lai lịch từng vị. Không biết họ sau này hành đạo ở đâu? Bản in được thực hiện vào năm Kỷ Mùi (1739) niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5, lúc đó ngài cũng đã lớn tuổi.
Một nghi vấn đặt ra cho chúng ta là tại sao sư được lập tháp và thờ tại chùa Từ Đàm (nguyên là Ấn Tông tự). Không lẽ sao khi tổ Minh Hoằng Tử Dung viên tịch, sư kế đăng trụ trì mà sao không phải là ngài Liễu Quán. Bởi vì, lúc đó, sư Liễu Quán đang hành đạo tại Thuận Đô nên việc trông nom chùa chiền dễ hơn ngài nhiều. Văn bia tháp, long vị đều ghi ngài gắn liền với ngôi chùa Sắc tứ Viên Tịnh mà không đề “trụ trì Ấn Tông tự” để dễ xác định chức danh. Trước khi viên tịch, sư đã phó chúc trao truyền pháp quyển cho ngài Linh Phù Tế Cảm. Có thể sư viên tịch tại núi Phụng Thùy, theo di chúc của ngài, một phần được đưa về chùa tổ lập tháp phụng thờ, một phần được an tàng trong khuôn viên bổn tự. Điều này cũng có thể xảy ra đối với các vị thiền sư sống thời chúa Nguyễn. Các ngài sau khi viên tịch, môn đồ hỏa táng là chính, chứ không địa táng như bấy giờ.
Tóm lại, qua phát hiện một số bản khắc in kinh thời các chúa Nguyễn, chúng ta đã từng phần công bố một số tư liệu có liên quan đến thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh. Đầu tiên xác định được niên đại sống, các ngôi chùa có liên quan, một số phật sự do sư đứng ra khắc ván in kinh. Chúng ta còn chưa xác định thiền sư quê quán ở đâu, và các ngôi chùa Viên Tịnh, Quảng Phước hiện còn hay mất. Đành phải bỏ dấu hỏi vì chưa có điều kiện khảo sát kỹ vùng đất Khánh Hòa, chờ một dịp khác, chúng ta sẽ tiếp nghiên cứu về ngài nhiều hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb KHXH, H. 1971.
2. Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Nxb Lá Bối, S. 1970.
3. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, Nxb TP HCM.
4. Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn, Chư Tôn thiền đức Phật Giáo Thuận Hóa, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2010.
5. Vu lan bồn tân sớ, bản in năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), thư viện chùa Viên Giác-Hội An.
6. Qui sơn cảnh sách cú thích, bản in năm Vĩnh Hựu Kỷ Mùi (1739).
[1] Ông Nguyễn Hiền Đức là người đầu tiên phát hiện về thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh. Còn sách Chư Tôn thiền đức Phật Giáo Thuận Hóa kế thừa tư liệu của nguyễn Hiền Đức và có ý kiến cho ngài Bảo Hạnh khai sơn chùa Vạn Thiên ở núi Phụng Thùy sơn. Trên thực tế, tại chùa Vạn Thiện có long vị thờ ngài đều đề “Sắc tứ Viên Tịnh truyền Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế, thượng Bảo hạ Hạnh húy Thiệt Vinh lão hòa thượng giác linh” mà không đề “khai sơn Vạn Thiện tự”. Thựa ra, khai sơn chùa Vạn Thiện là ngài Ân Tùy mà long vị có ghi chép và chùa Vạn Thiện ở trên núi Hoàng Ngưu. Hai tác giả nhầm cho chùa Vạn Thiện ở núi Phụng Thùy sơn, thực ra chùa sắc tứ Viên Tịnh mới nằm về núi này. Cần phải đính chính sự sai lầm này.
[2] Dựa theo tư liệu trong sách Chư Tôn thiền đức Phật Giáo Thuận Hóa, tr. 92.
[3] Bảng Chính pháp nhãn tạng cho biết thầy của ngài Minh Hoằng Tử Dung là Đại Sa Như Trường chứ không phải ngài Nguyên Thiều Siêu Bạch.