Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

PHÁT HIỆN SÁCH THÁNH ĐĂNG NGỮ LỤC IN TẠI NINH BÌNH
                                                                   Đồng Dưỡng
Thánh đăng ngữ lục là một tập sách thuật lại hành trạng tu tập của năm vị vua đời Trần, trong đó, lịch sử của vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông được ghi chép đầy đủ. Sách có nhiều giá trị về tư liệu sử học, văn học, nhất là sách ghi chép nhiều thơ văn của các vua Trần có độ chính xác cao giúp cho công việc bổ sung và đính chính một số nhầm lẫn của các tập Việt âm thi tập, Toàn việt thi lục…. Vì những lí do đó mà tập sách đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Thánh Đăng ngữ lục hiện nay còn hai bản được lưu trữ tại viện nghiên cứu Hán Nôm[1]. Một bản in do sư Tính Quảng viết tựa năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), sư Tính Lãng đứng ra lo công việc khắc ván[2]. Bản này đầu đề khá dài Việt quốc Yên Tử sơn Trúc Lâm chư tổ Thánh đăng ngữ lục kí hiệu A. 2569[3]. Qua bài tựa, chúng ta biết sách này đã từng in vào thời Mạc, sau đó đến năm Vĩnh Thịnh Ất Dậu (1705), sư Chân Nguyên in lại. Trong bài viết Đi tìm bài tựa, bạt của thiền sư Chân Nguyên[4], chúng tôi đã chứng minh trong lần in năm 1750 vẫn còn giữ bài hậu bạt của sư Chân Nguyên viết mà không có một dòng nào nói về tác giả và năm soạn. Một bản in khác được in vào năm Tự Đức thứ nhất (1848) mang kí hiệu AC. 604, Chùa Thuần Mỹ tàng bản. Bản này có in thêm vào trước ba bản kinh văn Phật Giáo. Bài tựa đề Trùng san Thánh Đăng lục tịnh tuyển Phật đồ tự do sư Chân Nghiêm ở chùa Sùng Quang viết. Bài tựa trên được viết vào thời Mạc nhưng không ghi lại năm cùng niên hiệu.
Trong quá trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm Phật Giáo, chúng tôi được thầy Giác Thành[5] tặng cuốn Thánh Đăng ngữ lục nội dung chép truyện năm vua đời Trần giống với hai bản trên nhưng có sự thêm vào sách nhiều nội dung khác. Bản này in vào thời cuối Nguyễn tại Ninh Bình mà chưa ai nói đến. Do đó, chúng tôi sẽ tiến hành mô tả văn bản cùng khảo sát một số vấn đề có liên quan đến bản in.
1. Trình trạng văn bản
Sách có tất cả 67 tờ, phần nội dung chiếm 64 tờ chia làm hai quyển thượng hạ, có một tờ đầu và hơn 2 tờ sau cùng ghi công đức. Mỗi tờ chia làm hai mặt tương đương với hai trang, mỗi trang 10 dòng, kẻ theo chiều dọc, mỗi dòng trung bình 20 chữ, khắc đẹp rõ ràng, sách còn nguyên vẹn. Trên gáy sách chia làm ba phần, phần trên ghi Thánh đăng ngữ lục, phần giữa gáy ghi số tờ, phần cuối cũng ghi số nhưng không hiểu thứ tự thế nào. Như tờ đầu quyển thượng, phần cuối ghi Tam bách lục thập tam tức 363, số thứ tự lùi dần chứ không tăng tiến như số tờ.

Mở đầu sách được trang trí giống tờ bìa, đề ba chữ lớn Bàn Long động 蟠龍峒 xung quanh đóng khung, phía trên đề Đại Nam Hoàng Đế Bảo Đại, bên trái có lạc khoản Bính Dần mạnh xuân chi cát hựu trùng san khắc Thánh đăng ngữ lục nghĩa là ngày lành giữa xuân năm Bính Dần (1926) in lại sách Thánh đăng ngữ lục, bên phải đề Ninh Bình tỉnh Gia Khánh huyện Vũ Lâm tổng Khê Đầu xã bản lưu nghĩa là bản lưu tại xã Khê Đầu tổng Vũ Lâm huyện Gia Khánh tỉnh Ninh Bình. Thôn Khê Đầu nay thuộc xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Như thế tờ đầu cung cấp năm trùng san cùng nơi tàng ván, nhiều lúc tưởng tên sách là Bàn Long động vì ba chữ in rất lớn nên dễ nhầm. 

Mặt sau ghi danh sách các thiền sư gồm có mười hàng. Tờ sau có đề Chư quốc lịch đại thánh tổ ngữ lục thượng quyển trùng san tân tự dẫn tức bài tự dẫn được viết nhân việc in lại sách. Tờ này chính là tờ đầu quyển thượng, chứ không phân biệt và đánh số tờ riêng cho bài tựa. Bài tự dẫn không ghi lại niên hiệu, năm viết cùng người soạn. Đọc mấy trang đầu, chúng tôi nhận thấy bài tự dẫn này có thể chiếm nguyên một tờ. Nó đến câu: “Thị cố phổ khuyến thiện hữu hưng công san bản, vĩnh bảo lưu thông. Kỳ tăng Phật nhật, dĩ quang tổ ấn. Nguyện dĩ thử thiện căn, hồi hướng tứ ân tam hữu đồng trượng vãng sinh liên hoa cửu phẩm vân nhĩ” thì dứt bài tự dẫn. Quyển thượng bao gồm 32 tờ, cuối tờ 32 ghi “Thánh đăng ngữ lục quyển thượng chung” tức hết quyển thượng.

Sau quyển thượng là đến quyển hạ, số tờ được đánh thứ tự lại từ đầu. Tờ 1a dòng thứ nhất ghi “Thánh đăng ngữ lục quyển hạ” tức quyển hạ sách Thánh đăng ngữ lục. Quyển này cũng có 32 tờ như quyển thượng. Tờ 32a4 ghi “Thánh đăng ngữ lục quyển hạ chung” tức hết quyển hạ. Dòng thứ 5 cùng mặt a ghi lại niên đại cùng một bài thơ do sư Thông Đạt viết. Tờ 32b đến tờ 34 là danh sách công đức của chư tăng cùng thập phương tín thí ủng hộ tài chính trong công việc khắc in.
Trong bài tự dẫn có đoạn ghi thông tin về người đứng in, viết tựa và duyên khởi khi có bản Thánh đăng ngữ lục. Bài tựa dẫn viết: “Nay đệ tử Trần Kim Liên tự Thông Đạt chùa Khánh Long, xã Phù Dực, tổng Trịnh Xá, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An kiêm chủ động Bàn Long tại tỉnh Ninh Bình. Ngày trước, sư vân du tến chùa Yên Vệ được tự chủ nghênh tiếp, cùng bàn đạo vị, rồi đưa cho một cuốn kinh, lấy ra đem xem thấy tên đề là Thánh đăng ngữ lục, lắng lòng mà kính cẩn, tỉnh niệm tư duy…” Sư Thông Đạt thế danh Trần Kim Liên trụ trì chùa Khánh Long kiêm chủ động Bàn Long được tự chủ chùa Yên Vệ tặng cho một tập Thánh đăng lục và sư đã hé mở cho chúng ta một vài thông tin về văn bản: “Lúc trước sách được san khắc tại chùa Long Động núi Yên Tử. Bản khắc cũ từ đời Trần, Lê, Mạc, Trịnh, Tây Sơn đến bản triều đã bảy, tám trăm năm. Nay được sách không biết nơi tàng bản, còn mất như thế nào? Thân lên núi Yên Tử hỏi chư tăng. Chư tăng kiểm duyệt rồi nói đã thất lạc, bỏ quyển xuống than rằng: “Nếu không được trùng san, Thánh Đăng sẽ ẩn. Vì thế hội tập thiện hữu hưng công san khắc”. không biết bản mà sư chùa Yên Vệ tặng có phải là bản Long Động do Chân Nguyên đứng in hay không? Nếu không phải thì sao sư biết được chùa Long Động từng in Thánh đăng lục để sư lên đến Yên Tử chấp vấn chư tăng.
2. Khảo cứu văn bản Thánh đăng ngữ lục mới phát hiện
Qua sự khảo sát, đối chiếu các bản Thánh đăng ngữ lục hiện hành, chúng tôi nhận thấy mỗi bản có nhiều sự thêm vào trong các lần in. Trần Thị Băng Thanh có lí khi nhận định tình hình sách Hán Nôm của ta như sau: “Nhưng nay cả sách in, cũng chưa phải ổn định. Do quan niệm khá linh động của một số người sưu tập, do hiện tượng rách nát hoặc mất mát thường xuyên xảy ra sau mỗi lần in, nên chúng ta cũng thấy có không ít những quyển sách, mặc dầu đã có tên, có mục lục lời tựa, lời bạt hẳn hoi, vậy mà sau mỗi lần trùng san, chúng lại có ít nhiều thay đổi. Có khi quyển nọ được ghép với quyển kia một cách tùy tiện, nhưng người biên soạn cùng không quên không ghi lại cho một lời chú thích nào[6]. Ý kiến đó khá đúng với sách Thánh đăng ngữ lục. Các lần trùng san sau này, các bản hầu hết đều có in thêm một số tác phẩm vào như bản A. 2569 có in kèm với Viên dung tứ thổ tuyển Phật đồ (còn gọi là Tuyển Phật đồ) của Trung Quốc. Khi cho in kèm tác phẩm này, sách vẫn để trên gáy tên Thánh đăng ngữ lục, số tờ theo thứ tự, cuối sách có đề “Thánh đăng ngữ lục chung tất”. Bản AC. 604 in kèm phía trước ba bản kinh, sau mới đến sách Thánh đăng ngữ lục. Bản này có in bài tựa 重刊聖登錄并選佛圖序Trùng san Thánh đăng lục tịnh tuyển Phật đồ tự do Chân Nghiêm soạn. Đầu đề bài tựa nói trùng san Thánh đăng lục và Tuyển Phật đồ nhưng trong bản in thời Nguyễn lại không thấy Tuyển Phật đồ mà có in thêm ba kinh sách Phật Giáo. Như thế, có thể bản in xưa nhất bao gồm Thánh đăng lục và Tuyển Phật đồ mà lần in năm 1750 còn giữ được.
Còn bản mà chúng ta giới thiệu đây lại có cơ cấu khác với hai bản trên. Sư Thông Đạt có nói về qui cách biên tập của mình như sau: “Nay, sách Thánh đăng lục trước liệt bảy Phật Thế Tôn, thứ đến 28 tổ Tây Thiên, sáu tổ Đông Độ, sau mới đến sử Trần quốc (Thánh đăng lục)”. Soạn giả có nói về sự thêm những tư liệu mới vào trong lần trùng san này. Chúng tôi có điều kiện khảo sát một số tư liệu Hán Nôm Phật Giáo thấy trong sách này trích lại một số đoạn, lúc thì chép nguyên, lúc có sự biến đổi cho hợp nội dung. Những đoạn được chúng tôi chỉ ra dưới đây.
Quyển thượng tờ 2a đoạn “Nguyên phù Phật chi thụ ký, tổ chi kế đăng, quốc chi thanh sử, tộc chi gia phả, kế vãng khai lai…dĩ tồn cổ bản” lấy một đoạn từ tờ 1a4 đến 1b7 trong bài tựa San khắc truyền đăng thủ trần gia bản của sách Kế đăng lục. Bài tựa do sư Phúc Điền soạn vào năm Tự Đức thứ 12 (1858). Chỉ có một đoạn nhỏ, sư Thông Đạt thêm vào cho hợp nội dung của sách. Sách có chép kệ phái truyền thừa dòng Lâm Tế miền bắc. Bài kệ này được tổ sư Chuyết Công truyền xuống và sách Kiến tính thành Phật của sư Chân Nguyên ghi lại đầu tiên tại Việt Nam, sau đó là Thiền uyển truyền đăng lục quyển hạ của sư Phúc Điền.
Trong quyển thượng có hai đoạn và hai bài kệ lấy từ sách Kiến tính thành Phật (A. 2570) của sư Chân Nguyên. Đoạn thứ nhất sau bài kệ truyền thừa dòng Lâm Tế, bắt đầu từ: “Tích Đường Thuận Tông hoàng đế vấn Phật Quang đại sư vân: “Phật tùng hà phương lai, diệt hướng hà phương khứ, ký ngôn thường trụ thế, Phật kim hà sở xứ?” Phật Quang đại sư đối viết: “Phật tùng vô vi lai, diệt hướng vô vi khứ. Pháp thân đẳng hư không, thường trụ vô tâm xứ, hữu niệm qui vô niệm, hữu trụ qui vô trụ…tùy cơ phó cảm mỵ bất chu, tự như ứng hiện lực vô ngại” nằm ở tờ 3a2 đến tờ 4a4 của sách. Trong khi đó, đoạn này xuất hiện trong Kiến tính thành Phật từ tờ 33a3 đến tờ 34b4. Còn hai bài kệ tiếp theo đề là “Lãm phá tam giáo sắc tướng pháp kệ” xuất hiện trong Kiến tính thành Phật ở tờ 31a7 đến tờ 31b4. Bài kệ thứ hai như sau:
“Thân đồng hư không giới,
Thị đẳng hư không pháp.
Chứng đắc hư không thời,
Vô thị vô phi pháp”.
Đây chính là bài kệ Tâm ấn của tổ thứ bảy Bà Tu Mật Đa được Chân Nguyên chép lại ở tờ 45a trong phần kệ tâm ấn của chư tổ.
Đoạn thứ hai như sau “Phù thường trụ thế gian, thể tính như như, viên giác không tịch, vị chi Phật; Minh Phật tâm tông, hành giải tương ưng vị chi tổ…thục hội tâm tông, chân thị Phật tử, thiệu đăng tự pháp, tiếp độ quần sinh, niết bàn diệu tâm, vô tương ấn dã” nằm ở tờ 4b2 đến tờ 5b2 của sách giống với đoạn ở tờ 41b2 đến tờ 42b9 của sách Kiến tính thành Phật, chỉ khác chữ đầu là ở bản Kiến tính thành Phật ghi là chữ “Nhiên” thì trong bản này ghi là chữ “Phù”.
Câu tiếp theo của đoạn trên là “Phật ứng thế, cẩm lịch vô cùng, bất khả dĩ chu tri nhi tất số dã…Liệt trần thất Phật” rồi sách chép đến bảy Phật quá khứ, 28 tổ Tây Thiên đều lấy tư liệu từ Ngũ Đăng hội nguyên quyển nhất hoặc có thể lấy tư liệu từ Kế đăng lục. Bởi vì, Kế đăng lục quyển nhất của thiền sư Như Sơn đã chép nguyên các truyện bảy Phật quá khứ cùng 28 tổ Ấn Độ của sách Ngũ Đăng hội nguyên của Trung Quốc. Như Sơn có cung lục hình ảnh chư tổ nhưng trong bản Thánh đăng lục thì lại không có hình ảnh. Chỉ có một vài xuất nhập sai khác nhỏ, còn hầu như chép nguyên lại sách trên. Sáu tổ Đông độ là Bồ Đề Đạt ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng là có chép khác với sách Ngũ đăng hội nguyên và Kế đăng lục, có thể tác giả sử dụng tư liệu Trung Quốc khác, phác họa rõ nét sáu vị tổ sư này. Như thế, quyển thượng này do chính sư Thông Đạt biên tập từ các tư liệu như Kiến tính thành Phật, Ngũ đăng hội nguyên, Kế đăng lục. Sư chỉ sắp sếp theo qui cách của mình chứ không có soạn phần gì mang tính sáng tạo.
Quyển hạ tờ 1 đến tờ 17b5 thì in giống với các bản trên, tức phần chính của sách là Thánh đăng ngữ lục, ghi chép truyện năm vua đời Trần. Tờ 17b6 đến tờ 22a5 là phần tiểu truyện của ba thiền sư Chân Nguyên, Như Trừng, Như Hiện. Ba tiểu truyện này chép lại từ sách Kế đăng lục quyển tả. Hầu như chép nguyên, chỉ thêm một vài từ ở đầu các truyện. Từ tờ 22a6 đến 26a5 là bài văn nói về tam qui ngũ giới, không rõ tác giả. Phần tiếp theo là bài Vô Tế đại sư tam dược phương khuyến nhân niệm Phật nguyện sinh tịnh độ chiếm từ tờ 26a6 đến tờ 27a2. Bài Khuyến hành nhẫn nhục tối yếu nhất tâm niệm Phật nguyện sinh tịnh độ từ tờ 27b3 đến tờ 28a9. Phần cuối cùng của quyển hạ là Thi Già la việt lục phương lễ kinh từ tờ 28a9 đến hết. Sau đó là phần danh sách công đức. Như thế, quyển hạ ngoài phần Thánh đăng ngữ lục giống như hai bản giới thiệu ở trên còn có thêm một số các phần khác.

Qua công việc rà soát tư liệu, chúng tôi mới tiến hành đối chiếu các bản Thánh Đăng ngữ lục với nhau. Phần đối chiếu này chính là nội dung của sách ghi chép tiểu truyện năm vua đời Trần tu đạo, phần thêm vào trong các lần in đã được chúng tôi chỉ ra ở trên. Theo bài tựa Trùng tuyên Thánh đăng ngữ lục tự, thiền sư Tính Quảng có nói đến một sự sai khác của bản in đời Mạc do sư Chân Nghiêm và bản in chùa Long Động do sư Chân Nguyên đứng khắc. Sư chỉ ra rằng: “Trước kia khoảng hai trăm năm, Đại sư Chân Nghiêm khắc bản ngữ lục này ở chùa Sùng Quang tại Cẩm Giang có thấy một đoạn Đại sĩ Trúc Lâm chỉ dạy cho công chúa Thiên Thụy bệnh, ở am Bình Dương tại Chí Linh trao phó bài kệ:
Thế số nhất sách mạc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thắng xuân.
Tạm dịch:
Số đời thật tẻ nhạt,
Lòng người hai biển vàng.
Cung ma dồn quá lắm,
Cõi Phật vui nào hơn.
Đến khi thấy bản khắc ở Long Động đổi hai chữ “sách mạc”, thành “tức mặc”, thì điều vướng ngại trong lòng từ ba mươi năm trước, nay mới được cởi mở mà hiểu thông với người đương thời[7].
Đây là một sự dị biệt giữa hai bản đời Mạc và bản đời Lê của sư Chân Nguyên. Bản Long Động do sư Chân Nguyên đứng in, sau được pháp tôn Tính Lãng trùng san và bài kệ trên vẫn đề là “Tức mặc”. Bản đời Mạc không còn giữ được nhưng sang đời Nguyễn, chùa Thuần Mỹ đã trùng san vào năm Tự Đức thứ nhất (1848). Bản này được lưu trữ tại viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 604 mà chúng tôi có nói ở trên. Câu đầu bài kệ trong bản này như sau: “Thế số nhất sách mạc[8] như thế nó vẫn trung thành với bản đời Mạc mà Sư Tính Quảng đã chỉ ra. Còn bản in tại Ninh Bình thì câu thứ nhất bài thơ vẫn dùng chữ “Tức mặc” như bản trùng san năm 1750. Do đó, theo chúng tôi nghĩ bản này có nguồn gốc từ bản Long Động hay bản in năm 1750. Dù sư Thông Đạt có lên Yên Tử hỏi thăm về bản in của mình nhưng đều thất vọng vì tư liệu trên Yên Tử đã bị mất mát quá nhiều nhất là những trận chiến tranh xảy ra thời cuối Lê, Tây Sơn. Khi sư Chân Nguyên khắc ván in các tư liệu Phật Giáo thời Trần được mang về cất tại Quỳnh Lâm thì đến thời Tây Sơn, chùa Quỳnh Lâm bị cháy trụi nên không còn gì. Như thế, bản mà sư Thông Đạt đứng in hầu như dựa vào hệ bản Long Động là chính và có thể bản của sư cũng không còn nguyên vẹn nên sư mới ra công biên tập thêm tạo thành hai cuốn thượng hạ, rồi để phần Thánh đăng lục vào quyển hạ. Công việc của sư cũng có ý nghĩa về mặt truyền thừa. Sư muốn xác định lại dòng phái Trúc Lâm truyền từ thất Phật, 28 tổ Ấn Độ, 6 tổ Trung Hoa rồi mới đến Việt Nam qua sự tu tập của các vua đời Trần cùng ba vị tổ dòng Lâm Tế là Chân Nguyên, Như Trừng, Như Hiện. Cách làm này trước đây đã được thiền sư Chân Nguyên phác họa trong Kiến tính thành Phật. Có thể sư Thông Đạt bắt chước theo qui cách trên.
Tóm lại, qua việc phát hiện bản in Thánh đăng ngữ lục được khắc ván vào năm Bảo Đại thứ nhất (1926) tại thôn Khê Đầu thuộc tỉnh Ninh Bình, chúng ta có dịp phân tích một số vấn đề về văn bản học tác phẩm, chỉ ra được gốc gác các bản và nhận thấy trong lần in này có sự bổ sung từ người biên tập. Ý tứ đó đã xuất hiện qua các bản đời Mạc, Lê cho đến Nguyễn. Mỗi lần trùng san là mỗi lần có sự thêm vào bớt ra, không theo thể thức như chúng ta hiện nay nhưng điều đáng quí là vẫn in nguyên phần chính Thánh đăng ngữ lục, tức phần chép năm vua Trần tu đạo. Phần này hầu như không có sự sai dị cho lắm.



Tài liệu tham khảo:
1. Thánh đăng ngữ lục (AC. 604) của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
2. Thánh đăng ngữ lục, bản in năm Bảo Đại thứ nhất (1926), bản lưu tại động Bàn Long.
3. Việt quốc Yên Tử sơn Trúc Lâm chư tổ Thánh đăng ngữ lục (Thánh đăng ngữ lục) (A. 2569) của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
4. Kế đăng lục, bản in năm Duy tân thứ nhất (1907), chùa Nguyệt Quang tàng bản.
5. Kiến tính thành Phật (A. 2570) của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
6. Thích Thanh Từ, Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb TP HCM, 1999.
7. Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản trong Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb KHXH, H. 1977.
8. Trần Thị Băng Thanh, “Một số tìm tòi bước đầu về văn bản Thơ văn Lý Trần” Tạp chí Văn Học, số 5, năm 1972, tr. 57-69.
9. Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, TP HCM, 1980.
10. Đồng Dưỡng, “Đi tìm bài tựa, bạt của thiền sư Chân Nguyên”, Văn Hóa Phật Giáo, số 113, ra ngày 15 tháng 9 năm 2010, Tr. 16 – 20.

(Đã đăng trong Văn Hóa Phật Giáo, số 115, năm 2010)





Chú Thích:
[1] Lê Mạnh Thát trong Chân Nguyên Thiền sư toàn tập có nói ông sở hữu một bản giống với bản AC. 604, nhưng sách không ghi niên đại, nơi tàng ván cùng người khắc in. Đây có thể là một bản khác của Thánh đăng ngữ lục. Chúng tôi vẫn chưa biết về bản in này nên không bàn gì ở đây.
[2] Có nhiều người phiên âm sai hai tên vị thiền sư này như Việt Nam Phật Giáo Sử Luận gọi Tính Lãng thì phiên là Tính Lương, phần Khảo Luận văn bản trong Thơ Văn Lý Trần, tập 1, sư Tính Quảng phiên thành Quảng Đức.
[3] Hòa Thượng Thanh Từ có dịch giải bản in này nhưng bỏ qua công tác khảo cứu văn bản và không dịch phần Hậu bạt in sau sách. Xem Thích Thanh Từ, Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb TP HCM, 1999.
[4] Đồng Dưỡng, “Đi tìm bài tựa, bạt của thiền sư Chân Nguyên”, Văn Hóa Phật Giáo, số 113, ra ngày 15 tháng 9 năm 2010, Tr. 18.
[5] Nhân đây, con xin cám ơn Đại Đức Giác Thành trụ trì chùa Hói, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã cung cấp tư liệu.
[6] Trần Thị Băng Thanh, “Một số tìm tòi bước đầu về văn bản Thơ văn Lý Trần” Tạp chí Văn Học, số 5, năm 1972, tr.57.
[7] Thích Thanh Từ, Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb TP HCM, 1999, Tr. 4-5.
[8] Thánh đăng ngữ lục (Bản AC. 604) tờ 36b3.

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011


Thiền sư Thiệt Vinh Chánh Hiển-Ân Triêm

Miền Nam Ngãi có hai ngôi Tổ Đình cổ tích danh tiếng nhất là Chúc Thánh và Phước Lâm. Tổ Đình Chúc Thánh do Tổ Minh Hải khai sơn như đã nói, ngôi Tổ Đình Phước Lâm do Tổ Thiệt Vinh – Ân Triêm khai sáng trong đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, khoảng năm 1748 hay năm 1750. Lão Tổ Thiệt Vinh cũng là một đấng danh tăng thạc đức, có công lớn truyền bá Phật Pháp đào tạo tăng tài, hàng đệ tử môn duệ của Ngài có vị lưu danh vào quốc sử được hậu nhân xưng tụng.

Lão Tổ Thiệt Vinh không rõ tục danh chỉ biết Ngài họ Lê, quán làng Thi Phú tục gọi là Bến Đền, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngài khánh sanh năm Giáp Thân (1704) dưới triều Lê Hy Tôn (1675 – 1705) niên hiệu Chính Hòa thứ 25. Nam Hà ngang đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) thứ 14, trong gia đình thế giáo miền quê. Thưở bé Ngài thông minh đĩnh ngộ hơn người. Do đó có huyền thoại về Ngài lúc từ mẫu hoài thai khánh sanh:

Khi mẫu thân hoài thai Ngài, đang đêm bà thường thấy con Bạch Ngưu từ trời cao sa xuống ủi vào bụng bà. Đem điềm lạ ấy  hỏi những vị tướng sư, ai ai cũng tiên đoán rằng bà sẽ sanh con quý tử. Đứa con ấy mai sau sẽ là đấng danh tăng thạc đức trong thiền lâm. Ngài khánh sanh trong buổi bính minh thật quang đãng, cả nhà ai nấy tự thấy vui thích sung sướng hơn bao giờ. Thuở bé đến lớn Ngài chỉ bú sữa mẹ và dùng những chất không phải cá thịt. Thiên hạ quanh vùng Điện Bàn rất ngạc nhiên. Còn cha mẹ Ngài thấy rất đúng theo lời tiên đoán của hàng tướng sĩ.

Dầu rằng huyền thoại, nhưng để chứng minh rằng Tổ Thiệt Vinh là đấng cao tăng nên cái huyền thoại của dân quê có giá trị một khía cạnh khác, do đó không ngại ngùng gì mà chẳng chép.

 Tuổi trưởng thành Ngài thông kinh bác sử. Song thân tính chuyện lập gia thất cho, song Ngài không muốn và xin cha mẹ cho phép xuất gia. Ngài ra Hội An vào chùa Chúc Thánh bái yết Lão Tổ Minh Hải cầu quy y. Lão Tổ thâu nhận ban pháp danh là Thiệt Vinh. Tính ra Ngài là vị đại đệ tử của Lão Tổ Minh Hải thừa kế nhị Tổ Chúc Thánh và kế thế Lâm Tế Chánh Tônn thứ 35. Chuyên tâm tu học Kinh luật, sớm tối hầu phụng Tổ Sư, sau cầu thế độ thọ Sa Di giới pháp tự Chánh Hiển, thọ đại giới Tổ Sư ban pháp hiệu Ân Triêm.

Được Lão Tổ cho phép xuất sư, Ngài khai sơn ngôi đại tùng lâm Phước Lâm tiếp tục công nghiệp hoằng hóa Phật Pháp. Đệ tử Ngài rất đông đều thành danh trong chốn môn lâm, hai vị đại đệ tử được biết rõ nhất là Tổ Pháp Ấn – Tường Quang – Quảng Độ và Pháp Kim – Luật Uy – Minh Giác. Tại chùa Phước Lâm Ngài khai đàng độ chúng, cũng thường xuyên vào các vùng Bình Phú chứng minh hay lãnh tôn chứng ban y pháp cho giới tử. Tăng chúng khắp Trung Việt luân lưu đến cầu học đông đảo.

Thời Tây Sơn khởi nghiệp khu vực chùa Phước Lâm bị chiến tranh ảnh hưởng, Ngài ôm kinh tượng cùng đồ chúng đi lánh nạn. Ngôi chùa hư hại một ít, sau khi tình thế ổn định, Ngài trở về sửa sang chùa am lại.

Tuổi đã tròn 85 thấy thân tứ đại này không thể thoát khỏi luật vô thường, Ngài gọi đồ chúng đến dạy bảo và ngồi kiết già thị tịch đang triều Quang Trung Vũ Hoàng Đế năm thứ nhất (1789). Nhục thể được chư sơn cung nghinh nhập tháp cạnh chùa.

Sang mùa xuân tháng hai năm Giáp Dần (1794) có vị đệ tử phụng tả công đức Ngài. Mãi đến năm Tân Hợi (1911) bài văn được Thiền Tổ Vĩnh Gia tạc lên tấm thạch bia. Nhận thấy bài bia này ngắn gọn, nhưng nghĩa lý khá hàm súc, bút pháp điêu luyện, tôi xin trang trọng phiên dịch dưới đây:

Khai sơn Hòa Thượng thuật. Giáp Dần trọng xuân nguyệt đệ tử kính đề.

Phù nhân sanh tại thế, cập trưởng thành chi thu, thục vô lợi tỏa danh cương sở khuất nhi vinh hoa phú quý sở câu tiện.

Công chi thanh niên, bạt tụy tuệ tánh, thông linh từ trung hoát đạt, tảo giác không môn chí huyền diệu, Thanh Quy đạo ngộ phiến thời nhi khuynh tâm quy Thích khấu. Cao tăng khước phân trần tôn pháp giới, lệ đọc kim kinh, thân cam khổ hạnh, chí duyệt lâm tuyền, nãi mộ hóa ư thí chủ lập đối đàn dĩ tu chánh quả, khai phóng huyễn nhi huấn tăng đồ. Ta hồ! Vị kỷ, thiên thời biến thoái, nhân sự bấy ninh, phùng nhiễu bảo kinh viễn tỵ lâm nạn, giới tâm bất cẩu, tháo thứ điên bái giai tất ư thị. Phật quy thi thủ lịch tân giang tân, bất khẩn tu du lỵ đạo. Ký thiện ư thủy, phục toàn thiện ư chung, thử dĩ quán chí thành.

Già sơn chi lương đồ, trần thế chi cao tăng, khả vị chi tận thiện tận mỹ hỷ.

Chí ư viên tịch, nhi quy thọ chung bác thập hử ngũ, chúng tu bảo tháp ư huyễn hữu, di đồ tượng ư thảo am tặng kỳ nhất thế tăng chi diệu lệnh từ.

Thiên cổ lịch đại truyền phương đệ tử Nguyễn Thị Định pháp danh Thanh An tự Đạo Khương phụng cúng.

Sắc Tứ Phước Lâm Tự Tân Hợi Xuân cát nhật tân huề.

Tạm dịch:

Thuật chuyện Hòa Thượng khai sơn, năm giáp dần (1749) tháng hai đệ tử kính đề :

Phàm người sanh trong thế gian kịp khi lớn lên ai lại không bị danh lợi vinh hoa ràng buộc.

Hòa Thượng lúc tuổi còn thanh niên,  tuệ tánh siêu việt, tâm hồn tốt đẹp rộng rãi, sớm thấu hiểu được lẽ đạo huyền diệu nơi cửa thiền và hiểu biết thế nào là giới luật oai nghiêm của nhà phật. nhân một phút giác ngộ ngài hồi tâm quy y tam bảo, gạt bỏ mùi trần tục, kính trọng Phật Pháp, tăng ngài chuyên tâm tham cứu mọi kinh luật, dốc lòng tu khổ hạnh, tân trí luôn luôn để nơi vắng lặng an vui. Để độ chúng tăng theo tu học nhờ khách đàn việt cúng duờng, ngài khai đàn truyền giới sửu trị mọi việc và giáo huấn tăng đồ. Than ôi! Việc ấy chăng được bao lâu, cơ trời biến đổi việc người không an, gặp cảnh nhiễu nhượng ngài ôm kinh lánh đi xa. Dầu nếm thử nhiều gian lao, ngài vẫn giữ giới luật tinh nghiêm, lại càng chuyên tâm tu học khổ hạnh, phép phật gắng duy trì, một phút chẳng lìa lẽ đạo. việc làm lành trước sau như một không sai. Cứ xét đó mà biết được lòng thành của ngài.

Chốn Già – Lam ngài xứng đáng làm đệ tử của Phật, cõi trần thế đáng bậc cao tăng, được như ngài mới gọi là tận thiện tận mỹ vậy. tuổi thọ tròn đủ 85 ngài viên tịch. Đồ chúng xây tháp bên phải ngôi vườn chùa, vẽ ảnh tượng và cất thảo am phụng thờ tưởng như ngài còn sống.

Để lưu danh thơm ngài lại hậu thế, đệ tử pháp danh Thanh An tự Đạo Khiêm phụng cúng công đức này (tức là cúng tấm bia).

Sắc Tứ Phước Lâm Tự.

Năm Tân Hợi (1911) ngày tốt khắc bia

Tổ Thiệt Vinh viên tịch, vị thừa kế chủ trì ngôi tổ đình Phước Lâm là Hòa Thượng Quảng Độ. Tại các tỉnh Bình Định Phú Yên, những vị tổ, Hòa Thượng có pháp danh chữ Pháp kế thế Lâm Thế Tôn thứ 36 (thừa tam tổ Chúc Thánh) phần lớn là đệ tử tổ Thiệt vinh_Chánh Hiển-Ân Triêm

Võ-luận

(trích trong Nam Ngãi Phật giáo Sử lược của Võ Lận )

VỀ HAI TẤM VĂN BIA CHÙA LÀNG LỆ TRẠCH
                        Đồng Dưỡng
Trong một chuyến viếng thăm chùa Phổ Châu, chúng tôi được Đại Đức trụ trì cho xem hai tấm văn bia được gắn trên thân tường phía tay trái của bổn tự. Theo lời thầy trụ trì, chùa Phổ Châu được hình thành cách đây không lâu, nhưng tại xã Duy Châu xưa kia có khá nhiều chùa như Chùa Thanh Cổ, Chùa Bà Giám, chùa Bảo Thọ…Lí lịch hai tấm bia này cũng được thầy cho hay xưa nó thuộc về chùa làng Lệ Trạch. Do chiến tranh, chùa sụp không được trùng tu nên văn bia bỏ vất với đất cát, chịu cái cảnh trơ cùng tuế nguyệt. Khi lập chùa Phổ Châu, các bác đạo hữu mới huy động mang về chùa để giữ dìn di tích của ngôi chùa cũ.
Khi đã biết xuất xứ hai tấm bia, chúng tôi liền cho sao dập văn bia và nhận ra đây là hai tấm bia công đức nhân việc trùng tu chùa. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi về địa phương chí ở đây, làng Lệ Trạch vào thời Hậu Lê là một trong sáu thôn của La Tháp Châu[1]. Theo văn bia Trùng Tu công đình bi ký lập năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) thì La Tháp châu nằm về thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa. Đến Đồng Khánh Dư địa chí thì La Tháp châu tách làm sáu thôn xã biệt lập ăn vào tổng Đông Yên, sau đổi thành tổng Duy Đông thuộc phủ Duy Xuyên.
Hai tấm văn bia được làm bằng chất liệu đá sa thạch, xung quanh không trang trí hoa văn, bia thuộc loại bia dẹp, gắn vào thân tường nên sử dụng một mặt để khắc chữ, còn mặt trái thì để ghồ ghề cho tiện gắn vào tường. Hai thác bản của Pháp dập trước năm 1930 được giao lại cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì không thấy bị hư hại gì. Đến nay, do không bảo quản tốt, cả hai văn bia bị bể phần dưới, lắp vào mất một số chữ. Bia không có tiêu đề, hàng đầu tiên đề năm, viết theo kiểu văn bản kê khai công đức là chính. Văn bia giúp xác định năm trùng tu chùa là năm Khải Định thứ 2 (1917). Qua việc làng xã đứng ra trùng tu chùa, chúng ta biết chùa Lệ Trạch gắn liền với ngôi làng tại đây, nó thuộc loại chùa Làng. Trong phần danh sách công đức, chúng tôi nhận thấy bia có ghi chép chức tước của các vị trong làng như thủ khoán, thủ sắc, lí trưởng, bách hộ, tập binh, mộ binh…góp phần nghiên cứu chức danh làng xã thời cuối Nguyễn. Sau đây, chúng tôi phiên âm dịch nghĩa toàn bài văn bia.
Văn Bia thứ nhất (kí hiệu 20413)
Đại Nam Khải Định nhị niên, lục nguyệt, cát nhật, Điện Bàn phủ, Duy Xuyên huyện, Đông Yên tổng, Lệ Trạch thôn bổn thôn đẳng đồng vi đồng lập thạch bi sự duyên, bổn thôn hứa tá bổn thôn nhất thổ nhị bách nguyên linh tịnh lạc quyên ngân tam bách nguyên, hựu phổ khuyến thôn nội chư viên nhân nhất bách nguyên linh, tu bổ tự sở tịnh nam bắc hội gia đồng hoàn lạc thành. Sở hữu viên nhân ký cúng ngân vu minh chí thạch bài dĩ thùy bất hủ. kê:…[2]
Dịch nghĩa:
Vào ngày lành tháng 6 năm Khải Định thứ 2, toàn thể thôn Lệ Trạch tổng Đông Yên huyện Duy Xuyên phủ Điện Bàn nước Đại Nam vì lí do lập bia đá. Bổn thôn có hứa mượn đất, 200 đồng cùng lạc quyên được 200 đồng, lại khuyến hóa trong thôn 100 đồng để tu sửa chùa, nhà hội nam bắc hoàn thành. Tất cả viên nhân được ghi chép vào bia đá để truyền lại không mất. Kê khai:
Bách hộ Hồ Hoành cúng 5 hào. Bách hộ Nguyễn Miễn cúng 1 đồng, Bách hộ Huỳnh Khiết cúng 1 đồng. Tập binh Nguyễn Xuyên cúng 1 đồng, viên tử Hồ Điển cúng 1 đồng, ngũ trưởng Nguyễn Mỹ cúng 1 đồng, điển châu Hồ Cúc 5 hào, cựu hương mục Hồ Nhượng 5 hào, cửu điển châu Nguyễn Thành 1 đồng, Cựu thủ sắc Hồ Đàm 1 đồng. cựu lý trưởng Hồ Tể 1 đồng, cựu thủ bạ Nguyễn Cẩn 5 hào, Cựu lý trưởng Nguyễn Trang 5 hào, Cựu thủ sắc Hồ Định 5 hào, thí sinh Hồ Phan Trương mỗi người 5 hào. Ban trưởng Nguyễn Tích 5 hào, Thập trưởng hồ Cúc 5 hào, ngũ trưởng Nguyễn Lũ 5 hào, mộ binh Hồ Cần Trương Huệ mỗi người 1 đồng, mộ binh Hồ Khuê 5 hào. Nhiêu hương hộ Hồ Tiến, Hồ Dầu, Hồ Thanh, Phan Khanh cùng cúng mỗi người 1 đồng, Nguyên thí sinh Hồ Tương, Nguyễn Huấn cúng mỗi người 5 hào. Cựu dịch mục Hồ Đán, Hồ Nộ, Hồ Khởi, Hồ Chất, Hồ Sĩ, Hồ Định, Hồ Khoát, Hồ Giám, Phan Dưỡng cùng cúng mỗi người 5 hào. Ty lễ Hồ Cầu 5 hào, ty nhạc Hồ Dần 5 hào, Cựu thủ khoán Hồ Nguyên, Nguyễn Tài cúng ngân 5 hào. Ty sự Hồ Trượng, Trương Bạn cùng cúng 5 hào, Ty hóa Trương Lâm 1 đồng, Ty chức Hồ Quý, Hồ Khâm, Phan Tương mỗi người cúng 5 hào. Lão nhiêu cựu trưởng ban Hồ Qua, Hồ Khôi, Phan Tuất cùng cúng mỗi người 5 hào, mộ binh Hồ Nên cúng 1 đồng.
Nội bạ dân phụng cúng dưới đây: Hồ Khôi, Hồ Nhã, Nguyễn Khởi, Hồ Môn, Hồ Quyển, Hồ Quế, Hồ Thạnh, Nguyễn Vị, Hồ Chứng. Hồ Liêm, Nguyễn Dịch, Hồ Dần, Hồ Lam, Nguyễn Hoàng, Hồ Độ, Trương Thuần, Nguyễn Châu, Hồ Xạ, Nguyễn Phán, Hồ Quyền. Hồ Thi, Nguyễn Toán, Nguyễn Xung, Hồ Khuê, Trương Ngọ, Nguyễn Tuất, Lê Quát, Nguyễn Bình, Hồ Vân, Nguyễn Huống, Hồ Khuyến. Nguyễn Siêu, Phan Trinh, Nguyễn Thông, Hồ Cận, Hồ Nhất, Hồ Lâm, Nguyễn Phong, Trương Ngôn, Phan Lợi, Trương Ngạn, Huỳnh Thông. Hồ Tập, Hồ Dương, Nguyễn Như, Hồ niệm, Phan Vụ, Huỳnh Vỹ, Trương Thập, Trương Khiết, Nguyễn Sở, Trần Thông, Trần Tích. Nguyễn Tịnh, Trương Sở, Huỳnh Dung, lê Mật, Trương Bị, Nguyễn Thái, Huỳnh Ca, Trần Chấn, Hồ Yến cúng 1 đồng. Lão Nhiêu Trương Diệu, Nguyễn Lang, Hồ Hinh, Ngô Hữu, Hồ Yên, Huỳnh Hộ, Huỳnh Thùy cùng cúng ngân mỗi người 5 hào.
Văn bia thứ hai (kí hiệu 20411)
Đại Nam Khải Định nhị niên, lục nguyệt, cát nhật, tư nhân tự vũ tịnh hội gia cáo thành, thôn nội viên nhân thị sự vu chính ngụ, thiện nam tín nữ cúng ngân vu đồng minh vu thạch. Kê:…
Dịch nghĩa:
Ngày lành tháng 6 năm Khải Định thứ 2 nước Đại Nam, nhân việc làm xong chùa sở, nhà hội, viên nhân trong thôn thấy việc ngụ cư chính cư thiện nam tín nữ cúng ngân khắc vào bia đá. Kê khai:
Chính phó hội chủ thủ sắc Hồ Vương Hãn, cựu lý trưởng Nguyễn Lâm cùng cúng ngân 1 đồng. chính phó đốc công cựu lý trưởng Hồ Học, Nguyễn Trúc cùng cúng ngân 1 đồng. Thủ bạ Nguyễn Hộ, Chính phó Lý Trưởng Hồ hoán, Nguyễn Thức cúng cúng 1 đồng. tri thu cựu dịch mục Hồ Đồng, Hồ Nhượng cùng cúng 1 đồng. Quá sự cựu thủ bổn Trương Mậu, cựu dịch mục Hồ Hưng, Nguyễn Thai, Nguyễn Cảnh, Phan Quyển, thủ sắc Lê Lũ cùng cúng tiền 2 đồng 5 hào. Thủ bổn Hồ nhuận 1 đồng, dịch mục Hồ Lý, Hồ Huấn, Nguyễn Nghị, Tạ Mai cùng cúng ngân 5 hào. Hương hộ Hồ bàn, Huỳnh Tùng, Nguyễn Xuân, Nguyễn Phô, Phan Thám, Phan Kiên lạc quyên mỗi người 50 đồng, Trưởng Ban Hồ 0, Hồ Đổng, Nguyễn Lũ, Nguyễn Ca, cùng cúng 5 hào, Thủ khoán Hồ Mai, Nguyễn Úy cùng cúng 5 hào. Nguyễn Dao, Nguyễn Trác, Nguyễn Thống, Nguyễn Quảng, Nguyễn Lương cùng cúng mỗi người 10 quan, Hồ Chí 5 hào. Hồ Liên, Hồ Dĩnh, Nguyễn Tự, Hồ Chương, Nguyễn Chuyên cùng cúng mỗi người 1 đồng, Trương Phan, Huỳnh Tịnh, Trần Uẩn, Hồ Tê cúng 5 hào. Lão nhiêu Lê Lễ 1 đồng, Quảng An mộ binh Huỳnh Lũ, Lương Đê cúng 5 hào, Hồ Khiết, Trương Tùng cúng 1 đồng, Nguyễn Trầm, Huỳnh Binh, Hồ Quảng, Trần Lượng 5 hào. Thừa Thiên, Quang Lộc tự thiếu khanh hưu trí bà Hồ Thị Huân vợ chính ông họ Võ cúng 5 đồng, Quảng An Ích Thái hiệu cúng 2 đồng, An Lâm Nguyễn Văn cúng 2 đồng, Phi Phú thí sinh Trần Thường cúng 1 đồng, Giao Thủy cựu lý trưởng Nguyễn khang cúng 6 đồng, Đông Thành hương mục Nguyễn Cang, La Tháp Võ Cầu, Thanh Châu Ngô Đình Trang cúng ngân 5 hào, Bảo An Nguyễn Vỹ cúng 1 đồng. Tín nữ Văn Thị Diên, Huỳnh Thị Khiêm, Nguyễn Thị Ta 5 hào, Phan Thị cầu, Mai Thị cửu, Phan Thị Dụng 1 đồng, Phú dân cúng ngân 5 hào dưới đây: Trương Siêu, Phan Sửu, Nguyễn Khanh, Đặng Chơi, Trần Giác, Phan Dụng.


[1] La Tháp châu gồm sáu thôn như Thanh Châu, An lâm, Cù La (Cù Bàn), Bình Khương (sau đổi ra Vĩnh Trinh), Lệ Trạch và Cổ Tháp.
[2] Phần danh sách, xin xem chỗ dịch nghĩa nên không phiêm âm.
VĂN BIA CHÙA HÒA QUANG
                                                                       Đồng Dưỡng
Trong quá trình sưu tầm tư liệu hán nôm Phật Giáo tại huyện Duy Xuyên, chúng tôi có dịp viếng thăm các ngôi chùa trong huyện. Hầu như các chùa đều được trùng tu theo phong cách hiện đại, không có ngôi chùa nào giữ được nét cổ kính. Cấu trúc các chùa được bê tông hóa, có nhiều chùa xây cất theo kiều tầng lầu, trông rất hiện đại. Truy tìm lịch sử, chúng tôi nhận thấy có một số chùa xưa thuộc quyền quản lý của làng xã như chùa Xuyên Tây, chùa Ba Phong, chùa Hòa Quang, chùa Trà Kiệu, chùa Long Phước, chùa Hưng Phước…Sau năm 1954, các chùa làng chịu chung cái nạn không người săn sóc, nên dần dần xuống cấp, nhiều chùa đã bị sụp đổ. Khi hội Phật học phát triển trở lại, nhiều khuôn hội Phật Giáo ra đời trên nền tảng của một số ngôi chùa làng.
Chùa Hòa Quang thuộc địa phận thôn Phú Nham đông, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chùa mới trùng tu vào năm 2006 do cố ni sư Hạnh Đạo tái thiết. Theo các vị cao niên thì làng được lập khá lâu. Chúng tôi tìm trong sách Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục thì không thấy ghi tên làng thuộc tổng, huyện nào. Tra đến Đồng Khánh dư địa chí thì làng Phú Nham được chia làm hai là Phú Nham Đông, Phú Nham Tây đều thuộc tổng Mậu Hòa trung, huyện Duy Xuyên. Chùa còn giữ được hai bảo vật có giá trị là một tấm văn bia và một tiểu chuông báo chúng.

Bia được làm bằng chất liệu đá sa thạch, màu đỏ nâu, có kích thước 80x115cm, xung quanh có đường viềng không trang trí họa tiết hoa văn. Phía mặt trước được mài phẳng khắc chữ, mặt sau để ghồ ghề, có thể mặt này được gắn vào thân tường. Lòng bia có 10 dòng chữ hán, khắc chân phương, chữ rõ. Dòng đầu tiên đề năm cùng duyên khởi lập bia thì được viết đài lên. Dòng thứ 2, thứ 4 thì sụt xuống khá nhiều, mất đi tính cân xứng trong số dòng.

Theo hàng đầu tiên cho biết: “Đại Việt, Minh Mệnh nhị niên, tuế thứ Tân Tỵ tam nguyệt sơ nhất nhật, bản xã trùng tu phật tự truy tư chư cổ tiền hiền, hậu hiền liệt vị, hàm lai cảm cách.
大越明命二年歲次辛巳三月初十日本社重脩佛寺追思諸古前賢後賢列位咸來感格
Tạm dịch: Ngày mồng 10 tháng 3 năm Tân Tỵ Minh Mệnh thứ 2 nước Đại Việt, bổn xã trùng tu phật tự niệm ơn các vị tiền hiền hậu hiền đều đến chứng giám.
 Đây là một hàng có giá trị nhất trong văn bia. Xác định được năm trùng tu chùa là năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) và nhân đó, truy tiến kỳ siêu cho các vị Tiền hiền, hậu hiền của làng. Qua đây, cho thấy mối quan hệ của chùa Làng với việc thờ cúng Tiền Hiền, hậu hiền.
Các dòng tiếp theo kể danh sách các vị tộc Phạm, tộc Ngô, tộc Võ, tộc Lưu…Trong đó dòng họ Phạm chiếm số đông, rồi mới đến tộc Nguyễn, Ngô. Dòng thứ ba ghi: “Phạm tộc đạo hiệu Sùng Quang 范族道號崇光”. Tức vị này có hiệu là Sùng Quang, người họ Phạm. Theo gia phả tộc Phạm tại làng Phú Nham Đông thì vị tộc Phạm có đạo hiệu là Sùng Quang chính là ngài thủy tổ của bổn tộc. Ông nguyên quán xã Bình Đông, huyện Nam Sách, đạo Hải Dương, húy danh Ông Tiết. Ông kết duyên với bà họ Trần hiệu Giác Ngộ sinh hạ được 5 người con, sau thành 5 phái trong tộc. Văn bia có ghi tên ông Phạm Hưng Nhượng (tứ lang) thì theo gia phả ông này chính là con trai thứ tư của ông Sùng Quang, chính là tổ của phái tư. Các ngài khác trong văn bia lại không thấy gia phả chép. Hiện tộc Phạm đã truyền đến đời thứ 13 và theo chúng tôi có thể tộc Phạm tiền hiền làng Phú Nham có thể kiến lập xã hiệu hơn trễ đối với các xã khác nên không thấy Phủ Biên Tạp lục ghi chép. Như thế có thể văn bia ghi chép các vị tiền hiền, hậu hiền của làng để đời đời con cháu trong làng biết đích xác. Bởi thế cho nên văn bia được toàn xã bái đề san khắc. Sau đây là phần phiên âm, dịch nghĩa.

Phiên âm:
Đại Việt, Minh Mệnh nhị niên, tuế thứ Tân Tỵ tam nguyệt sơ nhất nhật, bản xã trùng tu phật tự truy tư chư cổ tiền hiền, hậu hiền liệt vị, hàm lai cảm cách.
Phạm  văn  sĩ Tam lang, Phạm Văn Du, Phạm văn Khánh, Phạm Văn Duyệt, Phạm Văn Tuyển.
Phạm tộc đạo hiệu Sùng Quang.
Phạm Hưng Nhượng tứ lang, Phạm Hưng Luận, Pham Hưng Trực, Phạm Hưng Thật, Phạm Hưng Thừa, Phạm Hưng Phú, Phạm Hưng Tri, Phạm Hưng Lộc.
Nguyễn tộc: Nguyễn Văn Dạng, Nguyễn Văn Khảm, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Hầu.
Ngô tộc Giảng Vũ 0 Ngô Quý Công,  Ngô Văn Tự, Ngô Cảnh Học, Ngô Cảnh Thắng, Ngô Cảnh Toàn, Ngô Viết Chính.
Phạm tộc: Phạm Khắc Nhũ, Phạm Khắc Du,  Phạm Văn Đô, Phạm Văn Thắng, Phạm Văn Trận, Phạm Văn Đường, Phạm Văn Dung, Phạm Văn Tồn.
Võ Văn Trí, Lưu Văn Tiền.
Toàn xã bái đề san khắc.
Dịch nghĩa:
Ngày mồng 10 tháng 3 năm Tân Tỵ minh mệnh thứ 2 nước Đại Việt. Bản xã trùng tu phật tử niệm ân các vị tiền hiền hậu hiền đều đến chứng giám.
Phạm văn Sĩ (thứ 3), Phạm Văn Du, Phạm văn Khánh, Phạm Văn Duyệt, Phạm Văn Tuyển.
Tộc phạm đạo hiệu Sùng Quang.
Phạm Hưng Nhượng (thứ 4) Phạm Hưng Luận, Pham Hưng Trực, Phạm Hưng Thật, Phạm Hưng Thừa, Phạm Hưng Phú, Phạm Hưng Tri, Phạm Hưng Lộc.
Tộc nguyễn: Nguyễn Văn Dạng, Nguyễn Văn Khảm, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Hầu.
Ngô tộc: Giảng Vũ 0, Ngô Quý Công, Ngô Văn Tự, Ngô Cảnh Học, Ngô Cảnh Thắng, Ngô Cảnh Toàn, Ngô Viết Chính.
Tộc phạm: Phạm Khắc Nhũ, Phạm Khắc Du, Phạm Văn Đô, Phạm Văn Thắng, Phạm Văn Trận, Phạm Văn Đường, Phạm Văn Dung, Phạm Văn Tồn. Võ văn Trí, Lưu Văn Tiền.
Toàn xã bái đề khắc in.
Tài liệu tham khảo:
1.      Ô châu cận lục tân dịch hiệu chú của Dương Văn An, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001.
2.     Phủ biên tạp lục, tập 1, trong Lê Quí Đôn toàn tập của Lê Quí Đôn, bản dịch của Viện sử học, Nxb KHXH, H. 1977.
3.     Gia phả tộc Phạm, làng Phú Nham Đông, xã Duy Sơn.
4.     Đồng Khánh dư địa chí, bản chép tay, Viện nghiên cứu hán nôm.
5.     Văn bia chùa Hòa Quang, thác bản của tủ sách Pháp Đăng.


Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Tháp ngài Đương Khánh chùa Nghĩa Trủng

VĂN BIA THÁP THIỀN SƯ ĐƯƠNG KHÁNH
                                                                Đồng Dưỡng
Chùa Nghĩa Trủng xưa thuộc thôn La Qua, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nguyên là một miếu thờ âm linh cô hồn, sau được chuyển đổi thành một ngôi chùa thờ Phật. Công việc này phải nhờ đến một vị quan họ Từ, đã nghĩ đến việc nghĩa, cho rằng muốn những hương linh cô mộ có nơi nương tựa thì không gì bằng thiết lập nơi thờ Phật, thánh để tiếp độ âm linh. Vị quan đó đã đến chùa Tam Thai xin một đại sư về trụ trì. Vị đó chính là Thiền sư Đương Khánh, người được xem là vị tổ đầu tiên của bổn tự, còn văn bia tháp mộ ghi rõ ngài là vị khai sơn trụ trì[1].
             Chánh điện chùa Nghĩa Trũng, Điện Bàn

Đại sư Đương Khánh, thế danh Phan Viết Mai, sinh ra trong một gia đình thấm thuần giáo pháp của Đức Phật. Sư có hai anh và hai em đều xuất gia đầu Phật. Năm 12 tuổi, sư đến chùa Linh Ứng lạy hòa thượng Từ Trí làm thầy. Từ đó, Sư đêm ngày học tập, chấp lao phục dịch và được tiến cử giữ chức tăng mục chùa Tam Thai. Đến năm Thành Thái Ất Tỵ (1905), sư thọ giới tại đại giới đàn chùa Long Sơn, Phú Yên và đậu thủ sa di trong đàn giới này. Năm Nhâm Tuất (1922), sư về chùa Nghĩa Trủng trụ trì, thiết lập đạo tràng, và từ một ngôi miếu nhỏ trở thành ngôi chùa khang trang, vừa thờ Phật vừa thờ âm linh cô mộ, tức chùa đóng hai vai trò vừa chùa vừa miếu. Năm Bảo Đại thứ 3 (1930), sư được thình về trụ trì chùa Thiền Lâm. Thời gian không lâu thì sư bị bệnh rồi xin được hưu dưỡng. Chưa kịp về chốn tổ Tam Thai thì sư đã viên tịch vào ngày 15 tháng 9 năm Quí Mùi (1943), thọ 63 tuổi. Sư là người đã tạo nên cơ sở vững chắc cho chùa Nghĩa Trủng, biết linh hoạt trong việc thiết lập các Phổ để duy trì chùa cảnh và cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử thời bấy giờ. Hành trạng của sư được khắc vào đá, gắn vào tường bên phải trước ngôi bảo tháp.
        Tháp thiền sư Đương Khánh chùa Nghĩa Trủng
Bia thuộc loại nhỏ, chiều dài 66cm, chiều rộng 35cm, xung quanh không trang trí hoa văn, chỉ kẻ đường viềng nổi. Lòng bia kết cấu 21 dòng, mỗi dòng 16 chữ, khắc mỏng, nét chữ chưa thật rõ, chữ viết chân phương, có tuân thủ cách viết húy như chữ thời viết sang chữ thìn. Bia do trưởng phổ Chương Tín Trần Sách[1] pháp danh Chơn Y soạn năm Bảo Đại thứ 19 (1944). Nội dung ghi chép sơ lược hành trạng thiền sư Đương Khánh.
Tại Quảng Nam, văn bia tháp ghi nhận hành trạng hay tiểu sử các bậc cao tăng chỉ thấy có mấy tấm như văn bia tháp thiền sư Vĩnh Gia, văn bia tháp thiền sư Phổ Bảo, Văn bia Hành trạng bi ký nói về tăng cang Huệ Duyệt và tấm văn bia này. Văn bia hành trạng các tổ nhưng không để tại mộ tháp thì có bài Thái Bình tự thạch bi, văn bia hành trạng hai tổ Ân Triêm, Minh Giác chùa Phước Lâm. Ý thức lập văn bia tháp bắt đầu từ thiền sư Vĩnh Gia, khi ngài về chốn tổ Phước Lâm, nhận thấy chùa trải qua sự hành đạo của các bậc cao tăng nhưng không được lập bia lưu truyền. Lần theo những tư liệu còn được biết, sư Vĩnh Gia đã cung lục hai bài văn. Một bài do chúng đệ tử soạn để ghi lại dấu tích thiền sư Ân Triêm và bài kia ghi nhận về hành trạng tổ Minh Giác. Hai bài văn này được ngài Vĩnh Gia cho khắc vào đá dựng tại nhà bia bên phải trước chùa Phước Lâm. Khi ngài viên tịch, ý thức đó được tiếp tục và học trò ngài đã dựng một tấm văn bia để sau tháp. Như thế, văn bia tháp tổ ở vùng Bắc Quảng Nam cũng chỉ mới xuất hiện cách đây 100 năm. Điều này quá chậm đối với khu vực Phú Xuân (Huế). Tại Huế, vào thời các chúa Nguyễn đã xuất hiện các văn bia như bia tháp tổ Nguyên Thiều, Liễu Quán. Đến đời Nguyễn, xuất hiện văn bia tháp tại chùa Từ Hiếu, Tường Vân, Tây Thiên, Linh Quang, Hải Đức, Thiền Tôn…Các bài văn bia tháp để lại nhiều tư liệu quí trong việc nghiên cứu các nhân vật lịch sử, nhất là truyện các cao tăng. Sau đây là phần phiên âm, dịch nghĩa của chúng tôi.
              Tấm văn bia viết về ngài Đương Khánh
Phiên âm:
Trụ trì Đương Khánh nãi thiền sư Phan Đại Lão chi tử, Phổ Đồng, Diệu Lý nhị đại sư chi đệ, Tăng cang Thiện Trung, Yết Ma Thiện Ân chi huynh, Thi Nhơn nhân dã. Niên Tân Tỵ, sơ thụ gia giáo, niên thập nhị xuất gia đầu vu Linh Ứng tự tăng cang Từ Trí lão hòa thượng, nhật tắc học tập luật luận; dạ tắc trì tụng kinh văn, mông đắc Tam Thai tăng mục ngạch. Thành Thái Ất Tỵ niên, Phú Yên tỉnh Long Sơn tự lão hòa thượng khai đại giới đàn, Đương Khánh đắc suy vi Thủ Sa Di. Khải Định thất niên, hoán hồi Nghĩa tự tự trưởng. Đương thử nhất sơ kiến thiết bách sự gian lao. Đương Khánh hương đăng phụng Phật, tương thể dưỡng tăng, hiển khuyến hạt nội quan thân, thiện tín. Do tỉnh khất bằng, thiết lập danh phổ. Bảo Đại tam niên, thừa tỉnh cấp bằng trụ trì Thiên Lâm tự viện, nhật tựu trang nghiêm, tăng xá đông đường thìn tăng sảng khải. Khứ niên, tích lao thành bệnh, do tỉnh bẩm cáo thối, dưỡng lão thừa sức sĩ, bệnh thuyên hoán hồi Tam Thai tự, bất đồ bản niên cửu nguyệt thập ngũ nhật hợi khắc viên tịch tại tự, tự tăng hợp thập cửu nhật thìn bài, đạo đồ tương táng tự viên chi tây. Y! cát ái từ thân, ly hương khứ lý, thập ngũ niên tâm trai khiết phạn, bỉnh tính bất tham, vi nhân bất siểm, chung lão vu thiền lâm, thật tăng già trung ương chi bất khả thiểu dã. Tư bổn đạo tịnh tăng đồ thiết tác bảo tháp, thỉnh thuật vu sách. Sách lược quyền kỳ nhất, nhị cạnh khái chi khả, quán giả thứ cơ đắc A Nậu Đa La Tam Niệu Tam Bồ Đề.
Bảo Đại thập cửu niên nhị nguyệt thập ngũ nhật.
Chương Tín phổ phổ trưởng Trần Sách pháp danh Chơn Y cẩn thuật.
Dịch nghĩa:
Trụ trì Đương Khánh quê xã Thi Lai tổng An Nhơn trung[2] là con của thiền sư Phan Đại Lão, em của hai đại sư Phổ Đồng, Diệu Lý[3] và anh của tăng cang Thiện Trung, Yết Ma Thiện Ân[4]. Năm Tân Tỵ (1821), ngài theo học lớp gia giáo. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia với hòa thượng tăng cang Từ Trí[5] chùa Linh Ứng. Ban ngày ngài học tập luật luận, ban đêm trì tụng kinh văn, vâng giữ ngạch tăng mục chùa Tam Thai. Năm Tân Tỵ niên hiệu Thành Thái (1881), Lão hòa thượng chùa Long Sơn, Phú Yên[6] có mở đại giới đàn, ngài đạt được thủ sa di. Năm Khải Định thứ 7 (1922), ngài trở lại làm tự trưởng Nghĩa Tự. Lúc đầu xây dựng gặp trăm việc gian nan. Ngài hương hỏa thờ Phật, tương rau nuôi tăng chúng, kuyến hóa các bậc viên quan, thiện tín trong hạt trình đơn bằng, thiết lập các Phổ. Năm Bảo Đại thứ 5(1929), tỉnh cấp bằng trụ trì chùa Thiền Lâm[7], chùa ngày một trang nghiêm, nhà tăng, nhà đông ngày càng khang trang. Năm ngoái, ngài gặp nhiều lao khổ nên thành bệnh. Ngài xin tỉnh đường cáo lui, đợi bệnh thuyên giảm, rồi về chùa Tam Thai dưỡng lão. Không ngờ, giờ Hợi ngày 15 tháng 9 năm nay, ngài viên tịch tại bổn tự. Giờ thìn ngày 19, chư tăng, tín đồ cùng đệ tử đem táng phía tây trong vườn chùa.
Ôi! Cát ái từ thân, rời làng bỏ xóm; năm mươi năm trường trì trai giới, giữ tánh không tham, không nịnh với người, suốt đời ở cảnh thiền lâm, thật là không thể thiếu trong giới tăng già. Nay tăng đồ và bổn đạo lập bảo tháp, xin ta bài văn. Ta đại lược một hai điều khảng khái để xem. Thế mới được thành bậc chính đẳng chính giác.
Ngày 5 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 19. Trưởng phổ Chương Tín Trần Sách pháp danh Chơn Y kính cẩn thuật.  



[1] Trần Sách còn gọi là Trần Huỳnh Sách, ông vốn họ Huỳnh-Qui Nhơn, sau ra trú tại làng La Qua đổi sang họ Trần.
[2] Thi Lai là một thôn xã thuộc tổng An Nhơn trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn.
[3] Sư Diệu Lý thế danh Phan Viết Sừng, pháp danh là Chơn Cần, pháp tự Đạo Niệm. Sư xuất gia với ngài Vĩnh Gia, sau về trụ trì chùa làng Thi Lai. Sư Phổ Đồng thế danh Phan Viết Cảnh, pháp danh Chơn Phước, tự Đạo Điền. Ngài xuất gia với ngài Vĩnh Gia chùa Phước Lâm, sau trụ trì chùa Thi Lai. Cả hai đều không biết năm sinh, năm mất, tháp mộ ở đâu.
[4] Sư Thiện Ân (1883-1945) thế danh Phan Viết Liễu, pháp danh Chơn Đạt, tự Đạo Vận, xuất gia với ngài Từ Nhẫn. Ngài vào nam hoằng hóa nhưng chưa rõ. Sư Thiện Trung thế danh Phan Viết Trúc, pháp danh Chơn Phương, tự Đạo Cân xuất gia với tổ Từ Nhẫn. Ngài từng trụ trì chùa Linh Ứng, Tam Thai, được sắc phong Tăng cang.
[5] Tăng cang Từ Trí (1852-1921) thế danh Nguyễn Viết Lô, hiệu Thức Trai, quán xã Bình An, huyện Lễ Dương. Năm 15 tuổi, sư xuất gia với thiền sư Mật Hạnh, chùa Linh Ứng. Năm Bính Tuất (1886), sư được bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Ứng. Năm Ất Mùi (1895) sư được sắc phong tăng cang kiêm quản hai chùa Tam Thai, Linh Ứng. Năm Nhâm Dần (1902), tại trai đàn tại chùa Linh Ứng, được ban ca sa.
[6] Chùa Long Sơn còn gọi là Long Sơn Bát Nhã, chùa do thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ khai sơn thời Nguyễn sơ. Chùa là một tổ đình lớn của thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên.
[7] Chùa Thiền Lâm hiện chưa xác định được vị trí chỗ nào của tỉnh Quảng Nam.


[1] Theo văn bia mộ tháp ghi: “Phụng vì sắc tứ nghĩa Trủng khai sơn trụ trì Phan tính thượng Chơn hạ Lăng tự Đạo Linh hiệu Đương Khánh chi mộ”.